Cô gái ngành y với những tấm huy chương bóng bàn
(QNO) - Điều dưỡng Hoàng Thị Thục Trâm (SN 1982) công tác tại Khoa Nội C, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn được biết đến với việc là chủ nhân của hàng chục tấm huy chương tại các giải thể thao dành cho người khuyết tật ở bộ môn bóng bàn trong nước và khu vực.
Ngoài chuyên môn luôn được đánh giá hoàn thành tốt công việc thì thành tích đáng tự hào của chị Trâm là giành được hơn 20 tấm huy chương các loại.
Chị Trâm là chủ nhân của hàng chục huy chương bóng bàn. Ảnh: BÙI THANH MINH |
Bộ sưu tập của chị gồm huy chương đồng - nội dung đôi nữ tại Asean Para Games (Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) Indonesia năm 2011, huy chương đồng - nội dung đôi nữ tại Asean Para Games Myanmar năm 2014 và hơn 20 tấm huy chương vàng, bạc, đồng khác tại giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc ở các năm liên tục từ 2008 đến 2015. Đây là phần thưởng xứng đáng cho niềm đam mê, ý chí quyết tâm và sự nỗ lực vượt khó của chị.
Qua lời chị kể, một cơn sốt bại liệt từ năm 1 tuổi đã để lại di chứng khiến đôi chân chị bị khập khiễng, không thể di chuyển nhanh và thuận lợi như bạn bè cùng trang lứa. Vượt qua những khó khăn đó, chị cố gắng vươn lên trong học tập, nuôi dưỡng sự lạc quan trong cuộc sống.
Học hết cấp 3, chị thi đậu vào Trường Trung cấp Y tế Quảng Nam và theo học lớp điều dưỡng 3 năm. Sau đó, chị tiếp tục ôn tập và trúng tuyển kỳ thi viên chức, được nhận biên chế vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam. Đến nay, chị đã có 11 năm công tác tại Khoa Nội C của bệnh viện với công việc điều dưỡng. Niềm vui của chị là mỗi ngày được đến cơ quan để chăm sóc, gặp gỡ, tiếp xúc và chia sẻ những khó khăn với người bệnh.
Chị tình cờ biết đến một câu lạc bộ thể thao bóng bàn vào đầu năm 2008. Ban đầu, chị nghĩ chọn bóng bàn để nâng cao sức khỏe và việc tập luyện cũng thuận lợi. Bởi, so với những môn thể thao khác, bóng bàn ít cần sự di chuyển của đôi chân mà đòi hỏi kỹ thuật linh hoạt, mềm dẻo ở cổ tay nhiều hơn.
Chị Trâm chia sẻ: “Để gắn bó với môn bóng bàn thì rất cần ở người chơi sự khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, phản xạ nhanh và một chút năng khiếu. Từ lúc bắt đầu cầm cây vợt trên tay, tôi được sự dìu dắt, giúp đỡ của rất nhiều anh, chị khác trong câu lạc bộ người khuyết tật”.
Càng luyện tập, chị càng yêu thích. Niềm đam mê bóng bàn trong chị ngày một lớn. Để sắp xếp cân đối giữa việc cơ quan và luyện tập, chị có kế hoạch chơi bóng bàn sau những giờ làm việc. Vào những ngày được phân công trực tại khoa thì chị tập trung vào công việc và dành thời gian cho bóng bàn vào những buổi sau đó hoặc ngày cuối tuần. Bất chấp sự căng thẳng sau giờ làm việc hay những bất lợi của thời tiết, chị đều chăm chỉ đến luyện tập với tất cả đam mê.
Sớm nhìn thấy sự yêu thích và khả năng của cô học trò, người thầy của chị đã tạo điều kiện để chị được luyện tập và thử sức đi thi. Sau thời gian dài khổ luyện, chị được gọi vào đội tuyển để tham gia tại kỳ thi thể thao người khuyết tật toàn quốc và giành được tấm huy chương bạc đầu tiên. Tấm huy chương là sự khởi đầu đầy may mắn và cũng là bước ngoặc lớn trong quá trình thi đấu của chị.
Bước đầu thành công, chị tiếp tục được gọi vào đội tuyển quốc gia bộ môn bóng bàn để tham gia kỳ thi quốc tế và tiếp tục đạt được những thành tích cao sau đó. Ngoài Myanmar và Indonesia thì chị còn được đi thi đấu ở nhiều nơi khác trong nước như: Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Mỗi kỳ thi không chỉ là cơ hội bổ sung thành tích vào bộ huy chương mà còn đều đem đến cho chị những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống.
Năm 2015, chị hoàn thành xong chương trình học cử nhân điều dưỡng tại Trường Đại học Y - dược Huế và vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII toàn tỉnh. Ngày qua ngày, người con gái ấy vẫn tận tụy trong màu áo blouse trắng để hoàn thành tốt việc cơ quan và tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê bóng bàn để sẵn sàng đi thi đấu trong thời gian tới.
BÙI THANH MINH