Cá chết dày đặc ở hồ Phước Hà
Mỗi ngày lượng cá chết lên đến hàng tạ, người nuôi thiệt hại kinh tế, người dân sống xung quanh chịu cảnh ô nhiễm. Hiện tượng này đang xảy ra tại hồ chứa Phước Hà (thôn Linh Cang, xã Bình Phú, Thăng Bình) một tháng nay.
Cả tạ cá chết mỗi ngày
Cá chết xếp lớp xung quanh hồ Phước Hà, một số đã phân hủy, số vừa chết dạt vào bờ, nhiều con to hơn bàn tay, chủ yếu là cá rô phi. Đó là những gì chúng tôi chứng kiến tại khu vực hồ chứa nước này vào chiều ngày 10.8.
Mời xem video của truyền hình online Báo Quảng Nam:
.
Ông Nguyễn Văn Duyên (40 tuổi, tổ 1, thôn Linh Cang, Bình Phú) - một trong 3 hộ dân trú cùng thôn trúng thầu nuôi thả cá trên hồ Phước Hà cho biết, cá chết nổi dọc quanh hồ mỗi ngày được tính bằng tạ; hiện tượng này xảy ra được một tháng nhưng chừng một tuần nay thì cá chết với mật độ dày đặc, có ngày 3 - 4 tạ. “Chúng tôi đã viết tờ trình gửi lên UBND xã Bình Phú, mong muốn các cấp vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân. Nếu tình trạng kéo dài, cá trên hồ sẽ không còn, nhóm hộ chúng tôi sẽ thua lỗ nặng” - ông Duyên nói với giọng tiếc nuối khi nhìn xác cá lềnh bềnh dạt vào bờ. Ông Duyên còn cho biết, đã tham gia nuôi thả cá trên hồ Phước Hà được hơn 10 năm nay. Vào năm 2005 cũng từng xảy ra cảnh tương tự, chỉ khác đối tượng chủ yếu là cá mè và cá diếc, không phải cá rô phi như bây giờ.
Cá chết dày đặc trên hồ chứa Phước Hà (Ảnh chụp chiều ngày 10.8.2016). Ảnh: H.Đ |
Những ngày này, nhóm hộ nuôi cá thôn Linh Cang như ngồi trên đống lửa, nhẩm tính con số thiệt hại đã lên đến hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Công Chiến (44 tuổi) cho biết, đầu năm 2016, nhóm hộ các ông tiếp tục trúng thầu nuôi cá trên hồ này, đầu tư số tiền 340 triệu đồng với hợp đồng 5 năm. Từ tháng 1 đến 3.2016, đã có 3 đợt thả cá giống với tổng số lượng gần 130 nghìn con, chi phí hơn 90 triệu đồng. “Ngày nào anh em chúng tôi cũng tới hồ theo dõi. Cách đây ít hôm, có đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện về lấy mẫu xét nghiệm tìm hiểu nguyên do. Trong khi chờ kết quả, hằng ngày, chúng tôi đối diện với nhiều nỗi lo” - ông Chiến nói. Theo nhóm hộ này, trước đây việc nuôi cá rất thuận lợi, nuôi thả tự nhiên trên lòng hồ, không phải tốn chi phí thức ăn, nguồn thu nhập mang lại ổn định.
Cá chết xếp lớp đã bị phân hủy. Ảnh: H.Đ |
Hiện nhiều người nuôi, người dân sống gần khu vực hồ chứa tỏ ra bất an khi môi trường không khí, nguồn nước bị ô nhiễm. Nhà ông Trần Xuân Liễu cách hồ chứa khoảng 30m, cả tháng nay phải chịu cảnh hôi thối từ xác cá xộc vào nhà. Trước đó, chính quyền xã Bình Phú cùng nhóm hộ trên từng ra quân dọn dẹp nhưng không xuể vì mỗi ngày số lượng cá chết càng nhiều. “Mùa hạn, nhà tôi đang khoan cái giếng thứ 5 nhưng vẫn chưa tìm được mạch nước. Trong khi đó nước tắm giặt phải thả ống hút từ hồ chứa lên, biết nước ô nhiễm nhưng cũng đành chịu, còn nước uống phải đi mua, loại bình 21 lít” - ông Liễu nói.
Khoảng 1 tuần nay, lượng cá chết tại hồ Phước Hà tăng đột biến. Ảnh: H.Đ |
Chưa có nguyên nhân rõ ràng
Ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, nuôi cá tự nhiên trên hồ Phước Hà hằng năm cho sản lượng 10 - 12 tấn; hiện nhiều người phỏng đoán nguyên nhân cá chết có thể do nắng nóng, nuôi cá với mật độ dày nên thiếu ô xy, tuy nhiên đó cũng chỉ là những ý kiến chủ quan. “Địa phương kiến nghị các cấp cần quan tâm tìm ra câu trả lời, để người nuôi cá còn biết rút kinh nghiệm. Về vấn đề môi trường, chúng tôi tiếp tục huy động đoàn thanh niên xã cùng nhóm hộ nuôi tiến hành thu gom xác cá” - ông Đông nói.
Xác cá phơi trắng khu vực hồ chứa. Ảnh: H.Đ |
Theo bà Yến, trên địa bàn tỉnh, đây là lần thứ 2 xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy. Lần đầu tiên là năm 2005, cũng tại hồ Phước Hà. Hồi đó bà Yến đang công tác tại Chi cục Thủy sản cũng đã đến hiện trường tìm hiểu; kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy do cá (cá mè, cá diếc) ăn thực vật phù du, trong đó có tảo độc nên cá bị xuất huyết ở mang, mắt, nội tạng. |
Hồ Phước Hà được đào vào năm 1977, có diện tích mặt nước 80ha, phục vụ tưới tiêu cho toàn xã Bình Phú và một phần xã Bình Định Nam (Thăng Bình).
Ngày 5.8, bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT) trực tiếp đến hiện trường để tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do thiếu trang thiết bị, chưa đảm bảo phương pháp kỹ thuật bảo quản nên việc gửi mẫu xét nghiệm ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (tại Bắc Ninh) nhờ phân tích, xác định nguyên nhân vẫn chưa thể thực hiện theo như kế hoạch. Tuy nhiên theo bà Yến, qua quá trình trao đổi thông tin, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng có thể là do vi khuẩn streptococcus gây bệnh (chủ yếu trên cá rô phi), và tình trạng cá chết tương tự cũng đang xảy ra tại một số nơi phía Bắc. “Các vi khuẩn này phát triển khi gặp thời tiết nắng nóng, trong môi trường có quá trình phân hủy chất hữu cao, như tại hồ chứa có lượng bùn dưới đáy nhiều. Vi khuẩn tấn công vào não cá khiến cá chết lồi mắt, đen sạm” - bà Yến nói.
Ông Trần Xuân Liễu cho biết, tình trạng cá chết đang đe dọa nghiêm trọng môi trường. Ảnh: H.Đ |
Bà Yến cho biết thêm, nuôi thả cá tự nhiên ở hồ chứa, diện tích rộng nên việc phòng và điều trị bệnh khó khăn, tốn kém vì không có tác động kỹ thuật, không thể bổ sung chất kháng sinh thông qua thức ăn. “Chúng tôi khuyến cáo nên thả cá giống với mật độ vừa phải. Tuần tới Chi cục Chăn nuôi và thú y sẽ có thông báo gửi các hộ nuôi cá ở ao hồ ở khu vực miền núi có thể căng bạt che nắng, thả ít bèo để hạn chế phát sinh mầm bệnh mùa này” - bà Yến cho hay.
Chính quyền địa phương cho biết, vì cá chết liên tục nên việc khắc phục ô nhiễm gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.Đ |
VĂN HÀO - ĐOÀN ĐẠO