ASEAN thông qua chuẩn nghề du lịch
Chiều 9.8, Hiệp hội các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thông qua chuẩn nghề du lịch ASEAN.
Vào đúng dịp ASEAN kỷ niệm 49 năm thành lập (1967-2016), tại thủ đô Jakarta của Indonesia, ASEAN thông qua “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chuẩn nghề du lịch” (Mutual Recognition Arrangement for Tourism Professionals - MRA-TP). MRA-TP được xem là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của ASEAN nhằm hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển và thịnh vượng. Cùng với 32 chức danh nghề du lịch khách sạn là 52 loại văn bằng chứng từ các hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn, dịch vụ buồng, lễ tân, phục vụ, đại lý hay các tour du lịch, lữ hành… được triển khai và công nhận tại 10 nước thành viên trong khu vực.
Lễ tân khách sạn - một trong những chức danh nghề du lịch của ASEAN. Ảnh: POSITIVELYNICE- BLOGSPOT |
Ngay sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015, trong một cuộc họp tại Philippines vào đầu năm 2016, các Bộ trưởng Du lịch ASEAN chính thức công bố Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025. Theo đó, ASEAN sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, có chất lượng, trách nhiệm và phát triển bền vững nhằm góp phần vì một nền kinh tế ASEAN năng động, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực. ASEAN cũng đặt mục tiêu tạo ra khoảng 14 - 15 triệu việc làm vào năm 2025, trong đó bao gồm đến từ các lĩnh vực du lịch và ngành nghề liên quan. Du lịch cũng là một trong tám lĩnh vực nghề (cùng với nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc và khảo sát) mà người lao động được tự do di chuyển theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Bởi vậy, MRA-TP được công nhận và khi người lao động trong lĩnh vực du lịch được ASEAN chấp nhận văn bằng hay tiêu chuẩn nghề du lịch sẽ được tự do di chuyển, được làm việc tại bất cứ quốc gia thành viên nào của khu vực. Điều đó giúp người lao động có cơ hội chọn thị trường làm việc tại các nước thành viên trong khu vực. Mặt khác các quốc gia thiếu hụt lao động có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút lao động có trình độ. MRA-TP với các thỏa thuận về chuẩn nghề du lịch là yếu tố tích cực góp phần nâng cao chất lượng du lịch ASEAN nói chung và từng thành viên ASEAN nói riêng, đồng thời giúp người lao động hội nhập thị trường ASEAN.
Để đạt được chuẩn nghề du lịch khu vực, ASEAN công bố các bộ công cụ đào tạo chuẩn cùng với quy trình đào tạo, đánh giá nghề tương ứng để giúp người lao động đạt được các chứng chỉ nêu trên. MRA-TP là công cụ thiết thực nhất để nâng cao lao động có trình độ, tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp không khói, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo tại khu vực. MRA-TP là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch nói riêng và AEC nói chung. Bên cạnh đó, ASEAN sẽ thành lập Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN với chức năng làm cơ quan đầu mối chia sẻ thông tin giữa cơ quan du lịch quốc gia thành viên; duy trì cập nhật khung tiêu chuẩn nghề du lịch; hình thành cơ chế triển khai MRA-TP; trao đổi thông tin về hệ thống đánh giá tiêu chuẩn nghề...
NAM VIỆT