Nhà máy cồn Đại Tân lại gây ô nhiễm

HOÀNG LIÊN 10/08/2016 09:32

Lâu nay, người dân sống khu vực xung quanh nhà máy cồn Đại Tân (Đại Lộc) - thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhà máy này liên tục gây ô nhiễm tiếng ồn và nguồn nước trong quá trình vận hành, xả thải.

Sống chung với ô nhiễm

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân, Đại Lộc lại nóng lên kể từ khi Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đứng ra tiếp quản nhà máy cồn từ Công ty CP Đồng Xanh, tu sửa và đi vào hoạt động trở lại từ cuối năm 2015 tới nay.

Bà N.T.Lý (55 tuổi), một người dân trong thôn bức xúc: “Kể từ khi Công ty Tùng Lâm vận hành trở lại nhà máy cồn (do Công ty CP Đồng Xanh quản lý trước đây) thì ô nhiễm nặng hơn. Gia đình tôi và mấy chục hộ dân nơi đây phải sống chung với tiếng ồn từ quá trình vận hành nhà máy và mùi hôi thối nồng nặc bốc ra. Gần đây nhất, công ty này còn xả trực tiếp ra hồ đập làm cho cá chết và có thời điểm, nước thải từ nhà máy thải ra có màu đen kịt khiến người dân trong vùng rất lo ngại”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi, trú thôn Nam Phước), nhiều tháng qua, các hộ dân nơi đây đã không còn sử dụng nước giếng để ăn uống bởi nước có mùi rất khó chịu, không còn trong như trước mà chuyển sang màu đen sậm. Nhiều hộ ở khu vực này đành chấp nhận mua nước bình về sử dụng hoặc đi xin nước về dùng. Dễ thấy nhất là các giếng nước của nhà ông Nguyễn Chín, ông Tô Sơn, bà Tô Thị Phấn…, khu vực sát nhà đều bị chuyển màu, có mùi hôi.

Nguồn nước đục ngầu tại một khe nhỏ xung quanh nhà máy. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nguồn nước đục ngầu tại một khe nhỏ xung quanh nhà máy. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Trần Xuân Vinh, một người dân tổ 5, thôn Nam Phước cho biết thêm, theo quan sát của người dân bản địa, không chỉ xả ra khu vực đập Hố Chình, gây chết cá, nước thải từ nhà máy còn đổ ra Hóc Ruộng, Vũng Tròn, Khe Cừa, Khe Đá, Khe Lớn. Tại những điểm nguồn nước thải ra cá chết hàng loạt và lần nào người dân trong thôn cũng báo chính quyền xã trực tiếp đến hiện trường.

“Chúng tôi mong chờ xử lý nhà máy này để ai nấy yên tâm sinh sống. Các khe, suối ở khu vực này hiện không còn cá trong khi vùng này có nguồn cá để người dân đánh bắt cải thiện cuộc sống. Trâu bò trong xóm lỡ uống phải nước này thì dễ hư thai, cụ thể là hai con trâu của bà Tô Thị Phấn và ông Tô Sơn vừa qua” - ông Vinh nói. Vấn đề ô nhiễm tại nhà máy cồn được phản ánh tại đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tại Đại Lộc mới đây. Bà Tào Thị Kiều Phương, cử tri của xã Đại Tân phản ảnh: “Tình trạng cá chết hàng loạt ở các đập Hố Chình, Hố Đá đã xảy ra nhiều tháng qua. Mỗi khi nhận được tin báo từ người dân, cán bộ đã xuống hiện trường kiểm tra và báo cáo lên huyện, các đơn vị chức năng. Mong rằng tình trạng trên cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục”…

Chưa có giấy phép xả thải

Theo Trung tá Phạm Phú Vân - Đội trưởng Đội Cảnh sát về trật tự xã hội, kinh tế, chức vụ và môi trường, Công an huyện Đại Lộc, qua lấy mẫu nước thải tại khu vực nhà máy, kết quả phân tích cho thấy nhiều yếu tố lý hóa có nồng độ vượt mức cho phép. Công ty này cũng sai phạm khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường kể từ thời điểm tiếp nhận chuyển nhượng, không có giấy phép xả nước thải ra môi trường theo đúng quy định của pháp luật. “Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND huyện xem xét, xử lý” - Trung tá Vân nói.

Ông Hồ Xuân Hội - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Tân xác nhận: Việc Công ty Tùng Lâm đóng ở thôn Nam Phước của xã gây ra ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới người dân đã được chính quyền cấp xã kiểm tra, nhiều lần gửi công văn đến công ty nhắc nhở, đồng thời báo cáo sự việc lên huyện và các đơn vị chức năng để có hướng giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Địa phương cũng đã phối hợp với lãnh đạo huyện, các phòng chức năng của huyện đi kiểm tra, có hướng xử lý đối với công ty này.

Được biết, Công ty Tùng Lâm chính thức tiếp quản nhà máy vào 8.2015 và thời điểm này, công ty có một số hoạt động cải tạo nhà máy, nạo vét hồ sinh thái và đổ đất đá ngổn ngang, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Sự việc này khiến chính quyền và người dân phản ánh gay gắt. Nhà máy này lại tiếp tục đối diện với sự phản ứng từ phía địa phương khi quá trình vận hành xảy ra tiếng ồn lớn và mùi hôi thối ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Phòng TN&MT huyện và các ban ngành của huyện đã yêu cầu công ty khắc phục sự cố, yêu cầu công ty phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại với dân, giải thích cho nhân dân hiểu về sự cố trong quá trình vận hành thử nghiệm, đồng thời cam kết không tái phạm. Lãnh đạo công ty nhiều lần thừa nhận vi phạm và cam kết không tái diễn, nhưng cam kết cũng chỉ là “lời hứa suông” khi đỉnh điểm của sự việc là người dân, chính quyền phản đối kịch liệt nhà máy này hồi cuối 7.2016. Người dân đồng loạt ký tên vào đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu xử lý dứt điểm sai phạm khi trên địa bàn xảy ra nhiều vụ cá chết hàng loạt tại các hồ, đập lớn, kể cả những khe suối, khu vực xung quanh nguồn xả thải.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Huấn - Phó phòng TN&MT huyện Đại Lộc thông tin: “Ngày 26.7, khi tiếp nhận báo cáo từ UBND xã Đại Tân, Phòng TN&MT huyện phối hợp với Công an huyện Đại Lộc đã đến công ty kiểm tra, xử lý.

Tại hiện trường, ngoài mùi hôi, đoàn còn phát hiện nước thải từ nhà máy đổ ra bên ngoài. Qua kết luận ban đầu, chúng tôi xác nhận phản ánh của người dân là đúng. Công an huyện trực tiếp lấy mẫu nước thải để xét nghiệm nhằm có kết luận chính xác. Về phía Phòng TN&MT, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành chức năng để có hướng chỉ đạo, xử lý vụ việc”.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN