Trọng tâm của phong trào yêu nước miền Trung đầu thế kỷ XX
Hội thảo khoa học “100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ (1916 - 2016)” do Sở VH-TT&DL phối hợp với Viện Sử học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND TP.Tam Kỳ vừa tổ chức đã khẳng định đó là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội và để lại nhiều bài học có giá trị lịch sử cho cách mạng Việt Nam.
|
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGỌC ÁNH |
Điểm son lịch sử
PGS-TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong lời đề dẫn, cho rằng hội thảo góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ diễn ra cách đây tròn 100 năm như vai trò, vị trí của cuộc khởi nghĩa trong lịch sử hoạt động của Việt Nam Quang phục hội; mối quan hệ giữa cuộc khởi nghĩa với Việt Nam Quang phục hội; xác minh lại tên gọi của cuộc khởi nghĩa; vai trò của những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài …
Giám Đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài: “Cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ năm 1916 có thể có nhiều cái tên khác nhau nhưng vấn đề quan trọng là cuộc khởi nghĩa đó đã đánh thức lòng yêu nước, tập hợp được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Điều đó cho thấy giá trị, ý nghĩa lịch sử sâu sắc của cuộc khởi nghĩa. Hội thảo lần này một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước của người dân Tam Kỳ nói riêng, Quảng Nam nói chung, sẵn sàng đứng lên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ cách đây tròn 100 năm thể hiện rõ tinh thần ấy. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan Trung ương đưa cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ năm 1916 - cuộc khởi nghĩa duy nhất nổ ra - vào nội dung trong bộ quốc sử Việt Nam”. |
Theo PGS-TS. Nguyễn Duy Bính (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Quảng Nam là vùng đất có phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX khá mạnh mẽ và sôi nổi. Từ phong trào Duy tân (1906) đến chống thuế (1908), Quảng Nam đều là nơi khởi phát của các phong trào. Sau khi viện dẫn quá trình chuẩn bị và diễn ra cuộc khởi nghĩa đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4.5.1916 tại Tam Kỳ, PGS-TS. Nguyễn Duy Bính kết luận: “Cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội diễn ra năm 1916 tại phủ Tam Kỳ là một trong những cuộc khởi nghĩa quan trọng, là đỉnh cao của phong trào yêu nước nửa đầu thế kỷ XX ở Quảng Nam và là trọng tâm của phong trào yêu nước ở miền Trung vào đầu thế kỷ XX”.
Trong khi nhà nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn có phần dè dặt khi bảo “cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ năm 1916, còn được gọi là cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân hay cuộc khởi nghĩa Duy Tân” thì nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Quy Nhơn - TS.Nguyễn Văn Phượng lại khẳng định: “Thực tiễn cho thấy, phủ Tam Kỳ là trung tâm và là địa bàn duy nhất có cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội nổ ra”. Theo TS.Nguyễn Văn Phượng, từ trước tới nay, nhiều nhà nghiên cứu, giáo trình và sách giáo khoa đều dùng các tiêu đề như “Vụ mưu khởi nghĩa ở Huế”, “Cuộc khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân” hay “Cuộc vận động khởi nghĩa ở miền Trung”… Nhận định này chỉ đúng với Huế và các địa phương khác, còn với riêng Tam Kỳ thực tiễn lại khác. “Cuộc nổi dậy vũ trang diễn ra vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4.5.1916 tại phủ Tam Kỳ là một thực tế lịch sử, đây là một cuộc khởi nghĩa với đầy đủ tính chất của nó do Việt Nam Quang phục hội lãnh đạo. Do đó, đã đến lúc định danh cho cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ năm 1916 là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội” - TS. Phượng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng đồng tình với nhận định của TS. Phượng. Theo ThS. Nguyễn Văn Biểu (Viện Sử học), vua Duy Tân không có vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa này và mới chỉ tham gia khoảng thời gian từ tháng 2 - 3.1916 sau khi được Thái Phiên và Trần Cao Vân đưa ra lời mời. Do đó, có đủ cơ sở khẳng định đó là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ. Từ kiến nghị của TS.Phượng và các nhà nghiên cứu khác, PGS-TS. Đinh Quang Hải cho biết sẽ nghiên cứu để đưa vào nội dung bộ quốc sử do Viện Sử học đang chủ trì soạn thảo.
Những bài học lịch sử
Cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội năm 1916 tại các tỉnh Trung kỳ do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo với sự tham gia của vua Duy Tân diễn ra vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4.5.1916. Tuy nhiên, kế hoạch bị bại lộ nên chỉ có Tam Kỳ là địa phương duy nhất diễn ra cuộc khởi nghĩa. Nghĩa binh đã chiếm phủ đường Tam Kỳ nhưng cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Sau đó, nhiều chí sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp bắt giữ, giết hại. Tên tuổi những sĩ phu yêu nước gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tam Kỳ như Trần Huỳnh, Trần Ni, Trầm Tùng Vân, Lê Ngạn, Võ Dương, Trần Thu, Lương Đình Thự, Nguyễn Thược, Trịnh Uyên… |
Nhiều tham luận và ý kiến tại hội thảo đều có chung nhận định, cuộc khởi nghĩa đã để những bài học giá trị và mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Theo GS-TS. Trương Sỹ Hùng (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Tam Kỳ diễn ra vào rạng sáng 4.5.1916 là một sự kiện lịch sử, tô đậm truyền thống cách mạng, góp phần ghi nhận một trang sử ngời sáng, khẳng định ý chí kiên trì đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ nước ngoài của người dân Tam Kỳ. Còn TS.Trương Thị Dương (Trường Đại học Quy Nhơn), sau khi lý giải “những nguyên nhân tạo nên sự khác biệt của cuộc khởi nghĩa Tam Kỳ 1916” đã kết luận: “Cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội thất bại ở kinh đô Huế và một số tỉnh khác nhưng nó vẫn nổ ra tại Tam Kỳ - Quảng Nam, có tác dụng to lớn, động viên phong trào kháng Pháp của nhân dân ta. Cùng với các phong trào trước đó, Tam Kỳ luôn giữ được vị thế là trung tâm của phong trào yêu nước của Quảng Nam và khu vực miền Trung lúc bấy giờ”.
Nhìn nhận về bài học lịch sử của cuộc khởi nghĩa tại Tam Kỳ, theo PGS-TS. Nguyễn Duy Bính, đó là “đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, các sĩ phu yêu nước, các hào phú ủng hộ tiền của, tổ chức đấu tranh, giữ gìn lực lượng, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân tham gia”. Đồng quan điểm này, PGS-TS.Trần Thuận (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cuộc khởi nghĩa Trung kỳ 1916 tuy bị thất bại và chỉ nổ ra ở Tam Kỳ đã thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc và mang đậm tính nhân dân. Nhân dân Tam Kỳ tích cực tham gia, các sĩ phu yêu nước ở các làng thành lập các đội nghĩa binh. Đặc biệt, nhiều công nhân mỏ vàng Bồng Miêu và đồn điền chè Đức Phú của Pháp đã bỏ nơi làm việc về quê tham gia các đội nghĩa binh. “Tuy thất bại nhưng ít có cuộc khởi nghĩa nào có quy mô rộng lớn, huy động được lực lượng đông đảo gồm nhiều tầng lớp nhân dân và cả binh lính của đối phương” - PGS-TS. Trần Thuận đúc kết.
NGỌC ÁNH