Thuở ấy, phim bãi làng!

(PHAN VĂN MINH) 07/08/2016 15:13

  • Nhớ rạp chiếu bóng xưa

Làng quê, một trong những ký ức khá “dễ thương” của thời bao cấp, đó là xem phim bãi. Khoảng vài ba tháng một lần, mỗi thôn lại được đội chiếu bóng trên huyện về chiếu phim phục vụ miễn phí.

Thời đó xe gắn máy là thứ xa xỉ, mà chở bằng xe đạp thì sợ đường ổ gà làm hỏng máy chiếu nên các anh trong đội thường phải khiêng, vác hoặc cõng trên lưng. Mỗi lần thấy các anh lỉnh kỉnh  khuân máy về là cả làng vui như hội, nhà nhà lo ăn cơm tối cho sớm để kéo nhau đi xem phim. So với các loại hình nghệ thuật khác, phim ảnh có vẻ hấp dẫn hơn với mọi đối tượng già trẻ trai gái, nhất là tầng lớp thanh niên trong làng. Các cặp đôi đang phải lòng nhau lại có dịp để hẹn hò, anh nào còn “solo” thì  đây là “cơ hội vàng” để trổ tài… tán gái. Bãi chiếu thường là những khu đất trống có không gian thoáng mát như sân trường, cơ quan thôn hoặc trước đình làng. Tất cả khán giả đều ngồi bệt dưới nền đất. Các em thiếu nhi được ưu tiên ngồi phía trên nhưng nhiều cậu nhóc lại ưa dự khán từ trên… các chạc cây cổ thụ. Một vài mẹ chị siêng năng còn bưng theo cả thúng đậu phụng vừa ngồi xem vừa tranh thủ bóc vỏ rôm rốp.

Đêm vừa buông cũng là lúc tiếng máy phát điện phành phạch nổ giòn. Một bóng đèn tròn bật sáng lên vừa đủ lờ mờ nhận ra mặt người. Khán giả ngồi túm tụm thành từng nhóm đang chuyện trò rôm rả chợt im bặt khi giọng nói quen thuộc của anh đội trưởng cất lên với những câu chữ tròn trịa, tiết tấu nhịp nhàng: “Kính thưa đồng chí, đồng bào và các bạn! Đêm nay đội chiếu bóng huyện nhà về đây phục vụ bà con làng ta với bộ phim… Kính mời đồng chí, đồng bào và các bạn sắp xếp công việc gia đình, kịp thời đến bãi làng để thưởng thức bộ phim đêm nay của đội chúng tôi…”. Rồi một vệt sáng từ máy chiếu rọi thẳng lên tấm màn rộng đã được căng lên từ khi chiều, được điều chỉnh vài ba lần cho vừa vặn khuôn hình. Lúc này, mấy cặp đôi liệu bề khó tự tình ở chỗ đông người liền nảy ra một cách khá thông minh là dắt nhau ra phía sau, xem phim từ… mặt lưng của màn ảnh. Và hình ảnh đầu tiên là những cái bóng li ti của đủ loại… côn trùng từ ngoài đồng ruộng bay vào, nhiều khi láng cháng cái đầu của ai đó đang lom khom tìm chỗ ngồi phía trước bàn đặt máy. Vài cậu nhóc nghịch đưa tay lên làm trò múa bóng trên màn hình liền bị người lớn cốc cho mấy cái nên thân. Đèn tắt. Buổi chiếu thường mở đầu với một tập phim tài liệu dài khoảng 15 phút rồi mới đến phim chính.

Phim truyện Việt Nam được chiếu ở bãi làng những năm đầu hầu hết là những bộ phim cũ đen trắng được sản xuất ở miền Bắc từ trước năm 1975. Và có lẽ khán giả ngoài ấy đã xem đến mòn cả… nhựa rồi. Nhưng không sao, cũ họ mới mình! Bà con vẫn rơi nước mắt với cô bé Nga trong phim Con chim vành khuyên, với đôi vợ chồng lỡ làng ngày cưới ở hai bên bờ sông Bến Hải trong phim Chung một dòng sông; cũng hồi hộp nín thở với cảnh đôi trai gái Hmông cứu nhau rồi cùng đưa nhau bỏ trốn trong phim Vợ chồng A Phủ…

Tuy nhiên, những bộ phim được sản xuất sau 1975 có nhiều yếu tố hấp dẫn hơn, cả về kịch bản lẫn kỹ thuật dàn dựng. Với phim Cánh đồng hoang, người lớn tuổi có dịp hồi tưởng lại ký ức chiến tranh ác liệt mà mình đã trải qua. Còn các cô gái đang ngồi bên bạn trai thì ngượng chín người với cảnh Chí Phèo vồ lấy ngực Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, một cảnh “nóng” được cho là khá táo bạo trong phim Việt thời đó. Dù sao, cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, số lượng phim sản xuất trong nước vẫn còn quá ít, quanh đi quẩn lại chỉ có khoảng hai chục bộ phim. Đám thanh niên ham vui nhiều khi kéo sang xem ké làng bên lại gặp bộ phim đã chiếu ở làng mình, chỉ còn việc ngồi tán dóc. Cho nên phim nước ngoài là một nỗi mong đợi lâu lâu được “đổi món”.

Phim ngoại thời ấy chủ yếu là phim các nước xã hội chủ nghĩa, được “thải” về từ các rạp phim ở thành phố. Chưa nói đến kịch bản và kỹ thuật, chỉ riêng khung cảnh sống động ở những xứ sở xa lạ trên màn hình cũng đã mở tầm mắt cho người dân quê về thế giới trong thời buổi ti vi vẫn còn là của hiếm. Ngoài ra, tập quán văn hóa lạ lẫm của các dân tộc một phần nào cũng tác động vào nếp nghĩ cố hữu của bà con trong làng. Trong phim “Mặt trời trắng trên sa mạc” do Liên Xô sản xuất, riêng mỗi động tác tốc váy lên che mặt của các cô gái vùng Trung Á khi gặp đàn ông lạ cũng thành đề tài bàn tán suốt nhiều ngày sau đó. Hay cảnh làm tình lồ lộ của đôi tình nhân trên bãi biển trong phim “Tháng tư có ba mươi ngày” do Tiệp Khắc sản xuất đã khiến cho nam nữ thanh niên bớt e ngại hơn khi nói về tình yêu và… những thứ liên quan. Nhìn chung, phim nước ngoài được chiếu ở bãi làng thời ấy cũng gồm đủ dạng đề tài: Phim chiến tranh như Khi đàn sếu bay qua; phim trinh thám như Viên đạn cuối cùng; phim cổ tích như Truyền thuyết tình yêu, Ruslan và Ludmila; phim khoa học viễn tưởng như Người cá, Hoa Adela chưa ăn bữa tối… Và dường như phim nào cũng cuốn hút người xem.

(PHAN VĂN MINH)

(PHAN VĂN MINH)