Sự học ở làng quê Quảng Nam xưa

DUY HIỂN 06/08/2016 08:21

Cụ Hà Ngại quê Gò Nổi - Điện Bàn, làm quan triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc nên am hiểu lắm điều thú vị về giới quan lại. Đó là những chiêu thức ăn hối lộ, tìm kiếm mối quan hệ để thăng quan tiến chức, chuyện chơi bời, tiêu khiển của những kẻ có quyền thế… Tất cả được cụ kể lại trong tập hồi ký Khúc tiêu đồng(*) với nhiều tư liệu quý về làng quê Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.     

Làng quê Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Khi tác giả Khúc tiêu đồng lớn lên, nền Nho học ở Việt Nam đã bước vào buổi hoàng hôn bởi nền tân học dần thay thế. Tuy nhiên Nho giáo chưa mất hẳn vai trò vì ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, triều Nguyễn vẫn còn được phép tổ chức các khoa thi nên nhiều người vẫn theo Nho học. Cụ Hà Ngại kể lại: “Lúc tôi bảy tuổi, cha tôi làm lễ khai tâm cho tôi, dùng gà xôi, hoa quả, hương đèn dâng cúng Thánh. Có sắm bút nghiên giấy mực để trên bàn. Cha tôi khấn vái rồi bảo tôi lạy. Cha tôi sai tôi lấy viên mực mài trên nghiên, lấy cây bút mới thấm mực viết vào cuốn vở mới tám chữ: “Thiên tích thông minh, thánh phò công dụng” - nghĩa là trời phú thông minh, thánh giúp làm nên sự nghiệp, rồi dạy tôi học thuộc lòng. Sau đó chọn ngày tốt, cha tôi đem tôi tới trường thọ giáo với thầy”. Đấy là những ngôi trường làng do các ông đồ không đỗ đạt để làm quan, đành sống ở làng, dạy học để kiếm cơm: “Trường học thời ấy không có bàn ghế như bây giờ. Các trường học có học trò lớn ngồi trên phản, còn chúng tôi, lớp đồng ấu, ngồi trên chiếu trải ở nền nhà. Lúc học vì đông, mạnh đứa nào đứa ấy đọc nên ồn ào vô tả”. Còn cách dạy của các thầy đồ và phương tiện học tập thì sao? “Chúng tôi dùng giấy trắng đóng sách vở, còn viết tập thì dùng lá chuối, chỉ có lá chuối sứ mới viết được, còn các loại lá chuối khác thì không ăn mực… Trên mỗi miếng lá chuối, thầy tôi viết một chữ nơi đầu, rồi học trò xem đó viết theo. Khi đi học, trò nào cũng đem lá chuối như mang sách vở và cũng giữ cẩn thận như mang sách vở vậy”.

Cụ Hà Ngại cũng cho biết cách phụ huynh thù lao công dạy dỗ con em mình như sau: “Đến ngày mùng năm (5.5 ÂL), ngày tết, phụ huynh học trò đem gạo nếp, đường đậu và tiền, ít thì vài quan, nhiều thì ba bốn quan đến tết thầy. Số tiền ấy tùy giàu nghèo và tùy hảo tâm. Học trò nghèo thầy không lấy tiền”. Tuy nhiên muốn học thầy giỏi thì công sá phải khá hơn. Thời ấy, nho học dù đã mạt vận nhưng đạo thầy trò vẫn còn nghiêm cẩn. Học trò dù đã đầu bạc, hàng năm vẫn đi Tết thầy, bạn học lớn nhỏ vẫn lập hội đồng môn để chăm lo cho thầy học như mua ruộng để thầy dưỡng già, cư tang và cúng tế khi thầy qua đời… Nho giáo rèn luyện nhân cách con người như thế, giờ nhìn lại vẫn thấy thật đáng nể trọng. Cũng vì trọng cái chữ Thánh hiền nên nhiều người hành động rất hào hiệp, như chuyện ông xã Đoan, vùng Gò Nổi. Khi hai trường ở gần nhau tổ chức thi bình nhật để so tài học trò của mỗi trường, ông xã Đoan “làm heo đãi cơm tất cả học sinh hai trường. Bữa ăn họp mặt đông đủ thầy giáo và học trò hai trường, gây nên một không khí náo nhiệt mà vô cùng thân mật. Chủ nhà vì lòng hiếu học mà không ngại tốn kém chứ không mưu cầu một lợi lộc nào”.

Dĩ nhiên xã hội phong kiến quá trọng khoa bảng cũng sinh ra nhiều hệ lụy. Đó là cảnh những người thi năm lần bảy lượt không đậu nên bị bệnh tâm thần, hàng ngày lang thang trên đường làng, quần áo tơi tả, miệng luôn lảm nhảm những câu chữ trong kinh sách (dại chữ). Buồn cười là có những người học không cốt để làm quan mà để… cưới vợ. Vì nhà giàu thích người có chữ nghĩa, hơn nữa họ cũng hy vọng anh đồ thi đậu để “lọng anh đi trước, võng nàng theo sau”, con cái họ được mở mày mở mặt. Tuy nhiên phần lớn nho sĩ đều không thể vinh quy bái tổ, họ thường chỉ làm ông đồ nghèo ở làng, dạy học, bốc thuốc; thậm chí “nhiều người vì mang lỡ cái danh, không thể làm nghề gì, đành ăn bám mãi vợ con…”. Người thi hỏng thì số phận hẩm hiu vậy, nhưng kẻ thi đậu thì thật vinh hoa phú quý. Chuyện tiếp đón và tiệc tùng chiêu đãi sau khi đỗ đạt cũng được cụ Hà Ngại ghi lại khá tỉ mỉ. Những người thi đỗ từ cử nhân trở lên về tới phủ huyện đã được tiếp đãi rất trọng hậu, dân làng đem cờ xí võng lọng đến chờ chực sẵn. Ai cũng tranh nhau đi vì làng có người đỗ đạt được xem là vinh dự lớn, hơn nữa đón rước cũng là dịp để tham gia chuyện cỗ bàn đang chờ. Để chiêu đãi quan viên, họ hàng và dân làng, gia đình tân cử nhơn Hà Ngại phải sắm cỗ bàn, tiệc tùng, mời đám hát tuồng kéo mấy ngày. Chi phí hết 500 đồng, bằng giá tiền 100 con bò. Vì tục lệ xem đỗ đạt là vinh dự lớn nên gia chủ dù tốn kém mấy cũng phải chi. Tuy nhiên, “nhiều người đỗ tú tài lặng lẽ trốn về, không cho ai biết vì họ sợ đón rước rồi phải đãi đằng tốn kém”. Đỗ cử nhân cũng có nghĩa sẽ được bước vào chốn quan trường nên nhiều người cũng ngấp nghé muốn mai mối hôn nhân để tìm kiếm lợi ích lâu dài.

Liên quan đến sự học, cụ Hà Ngại cũng cho biết các lễ tế ở Văn miếu Điện Bàn: “Chiếu hoa trải phản cao dành cho các bậc đại khoa, đại hoạn. Chiếu trắng trải phản dưới dành cho cử nhân, tú tài. Không phải ai bạ đâu thì ngồi đấy. Tôn ti trật tự rất nghiêm khắc”. Cúng tế, chè chén xong, mỗi văn thân còn được biếu một tợ thịt heo, một tợ thịt bò. Hoa lợi thu được từ ruộng đất do các nhà hảo tâm phụng cúng và ruộng công điền, mỗi làng trích 2 sào loại tốt nhất là nguồn tài chính để duy trì hoạt động của văn miếu này. Gắn với tầng lớp nho sĩ ở làng là các tổ chức mà ở đó họ được hưởng các đặc ân. Cụ Hà Ngại kể về làng mình: “Trong làng có lập Hội Tư văn để tế Khổng Tử. Người nào có biết chữ ít nhiều mới được vào hội. Hội viên phải tập làm lễ như xướng, tán, đọc văn… Những người sáng lập hội ấy được làng kỉnh tợ thịt công đức. Như ông tôi sáng lập hội Tư văn thì làng kính biếu mãi”. Nạn xôi thịt ở đình làng thì sách vở nói đã nhiều, song đọc tập hồi ký của cụ Hà Ngại vẫn thấy thật sống động. Cuối những năm 1920, các khoa thi Hương, thi Hội của triều đình nhà Nguyễn bị bãi bỏ, Nho học thực sự tàn lụi. Vì vậy tập hồi ký Khúc tiêu đồng của cụ Hà Ngại chứa dựng những tư liệu quý về sinh hoạt, phong tục tập quán của làng quê Quảng Nam  đầu thế kỷ XX, trong đó có những tài liệu về sự học rất đắc dụng cho hậu thế trong những công việc nghiên cứu, sáng tạo.

_______
(*) NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2008.

DUY HIỂN

DUY HIỂN