Một chút, bán mua với tranh
Ở Hội An, trên những tuyến phố chính như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… du khách dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng bán tranh nằm san sát.
Một cửa hàng bán tranh tại Hội An. Ảnh: N.H.H.S |
Phòng tranh “Sắc màu châu Á” (Couleurs d’asie) của nhiếp ảnh gia người Pháp ReHahn, trưng bày đủ loại tranh, ảnh, postcard đủ loại kích cỡ lớn nhỏ. Những tác phẩm nhiếp ảnh của mình được ReHahn phóng lớn, trang trọng lồng trong khung kính sáng ngời. Vốn là nhà kinh doanh trong lĩnh vực in ấn và sau này chuyển sang lĩnh vực nhiếp ảnh nên ReHahn biết cách làm cho những bức ảnh của mình trở nên sống động đẹp mắt qua kỹ thuật in ấn. Vì vậy tranh ảnh của ReHahn được nhiều du khách nước ngoài chọn mua. Bức ảnh chụp em bé đang chắp hai tay tỏ vẻ sợ hãi trước chú voi được ReHahn chú thích với 15 bản copy và có giá bán 2.500USD (hơn 55 triệu đồng Việt Nam). Ngoài ra, ReHahn còn in hai tập sách ảnh mang tựa đề VietNam Mosaic of contrasts (Việt Nam những góc nhìn tương phản tập 1 & 2) và bán rất chạy mặc dù giá một cuốn sách khá cao 1,2 triệu đồng/cuốn.
Trở lại con phố đi bộ thuộc đường Trần Phú, trung tâm phố cổ Hội An, tôi bắt gặp nhiều cửa hàng tranh nằm cạnh nhau. Mỗi phòng tranh bày bán nhiều bức tranh với màu sắc rực rỡ và bố cục khác nhau. Có điều những người chủ bán tranh ở trên con đường này trở nên rất dè dặt khi nói về cửa hàng tranh của mình, thậm chí trước nhiều cửa hiệu còn trưng bày những tấm bảng in bằng giấy A4 với dòng chữ: No photo (Không được chụp ảnh). Có những tấm bảng này, theo những người bán tranh ở Hội An là bởi nạn ăn cắp bản quyền các tác phẩm tranh ảnh bày bán tràn lan khiến chủ cửa hiệu luôn trong tình trạng đề phòng.
Họa sĩ Trương Bách Tường cho biết: “Dòng tranh thị trường có những đặc thù như màu sắc tươi sáng và bố cục cân đối, nội dung rõ ràng, dễ hiểu. Cũng có một số tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng bán chạy do được khách hàng đồng cảm và yêu thích”.
Trước đây, anh Tường cũng theo đuổi dòng tranh này và mỗi ngày anh vẽ nhiều bức tranh giống nhau và bán rất chạy. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẽ và bán tranh theo thị hiếu của khách hàng và đặt hàng của các chủ tiệm tranh, anh Tường dừng lại và vẽ tranh theo đam mê, cá tính của mình. Và anh vẫn sống được bằng tranh, với phòng tranh ở số 57 Trần Phú, dù tranh được bán rất chậm.
Nghệ thuật tranh, ảnh ở Hội An phát triển tương đối mạnh và bạn dễ dàng mua được một bức tranh, ảnh trên các tuyến phố chính và trong lòng phố cổ của thành phố Hội An.
Lê Đắc Tú, một sinh viên hội họa hiện làm nghề vẽ tranh dạo trên các con đường ở Hội An cho biết: “Mỗi tháng trung bình tôi cũng bán được trên mười bức tranh vẽ phong cảnh phố cổ Hội An với giá 400 – 500 nghìn đồng/bức”.
Nghề vẽ tranh, bán tranh, ảnh dạo, tại các gallery, phòng tranh ở Hội An vẫn phát triển dầu mức độ tiêu thụ tranh ảnh có giảm đi so với những năm trước và các họa sĩ theo nghề vẫn sống được.
Tuy nhiên theo họa sĩ Trương Bách Tường, nghệ thuật vẽ tranh đòi hỏi những sáng tạo riêng biệt, độc đáo và phong cách sáng tạo của mỗi họa sĩ. Có những bức tranh của họa sĩ vô danh trong hiện tại nhưng biết đâu sẽ là những bức họa sáng giá của những họa sĩ danh tiếng trong tương lai. Sáng tạo nghệ thuật luôn đồng hành với thử thách, trả giá. Không nên dùng kinh tế để đo giá trị sáng tạo nghệ thuật mà nghệ thuật có tiếng nói riêng, giá trị riêng của nó.
NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN