"Chú hề" tốt bụng
Bảy năm nay và hy vọng sau này, Vĩnh vẫn vậy, một chú hề làm từ thiện vui vẻ, không mệt mỏi, bền bỉ. Đâu cần, là “chú hề” có mặt.
Trong một chuyến đi phát quà từ thiện ở huyện Đông Giang năm 2013 do Chi hội Từ thiện Nguyện ước xanh tổ chức, lần đầu tiên tôi gặp Trần Công Vĩnh - chàng trai sinh năm 1990, quê Tam Lãnh (Phú Ninh), có biệt danh là “chú hề”. Trong đoàn lúc ấy có rất nhiều tình nguyện viên, nhưng các em nhỏ luôn vây quanh Vĩnh, vì anh là hoạt náo viên, là chú hề, là quản trò, là ảo thuật gia, là tâm điểm của các trò chơi.
Sau chuyến đi ấy, qua thông tin từ bạn bè, người quen, tôi còn biết anh thường xuyên gắn bó không chỉ với Nguyện ước xanh mà còn gắn với nhiều đợt công tác xã hội của các nhóm, đội, hội từ thiện khác trong và ngoài tỉnh. Sau này, dù bận rộn với công việc của một nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (Tam Kỳ) nhưng bất cứ khi nào có dịp, anh đều tham gia các chương trình từ thiện. Hoặc nếu không trực tiếp tham gia để đem niềm vui, tiếng cười đến cho trẻ em nghèo, anh vẫn chung tay đóng góp tài lực cho các chương trình này.
Niềm vui của trẻ em nghèo khi chơi bong bóng nghệ thuật. Ảnh: CHÂU NỮ |
Năm 2009, khi đang học năm thứ hai ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, Vĩnh “bén duyên” với Chi hội Từ thiện Nguyện ước xanh Quảng Nam. Để rồi từ đó, tinh thần thiện nguyện thấm sâu vào Vĩnh như là nghiệp dĩ, như Vĩnh sinh ra là để sẻ chia vậy. Ra trường, công tác ở Công ty Dược Quảng Ngãi, Vĩnh tiếp tục gia nhập Chi hội Từ thiện Nguyện ước xanh Quảng Ngãi. Có công việc ổn định, nhưng Vĩnh luôn trăn trở, làm thế nào để mình luôn giúp được dài hơi và căn cơ hơn cho nhiều người. Thế là Vĩnh nghỉ việc ở công ty dược để theo học lớp đông y tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Vĩnh nghĩ, với công việc của một lương y, Vĩnh có thể khám chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho các trường hợp khó khăn. Dự định của anh là khi đủ điều kiện sẽ mở phòng thuốc từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo, đặc biệt là người già cô đơn, không nơi nương tựa.
Vĩnh luôn biết cho đi và không cần nhận lại nhưng Vĩnh bảo, công việc từ thiện cho anh quá nhiều thứ và cũng đã làm thay đổi cuộc đời anh. Bắt đầu làm thuê để phụ giúp gia đình từ hồi học lớp 5; lớn lên xíu nữa, Vĩnh tự nuôi sống mình, tự trang trải việc học bằng cách vừa học vừa chạy bàn, bưng bê, phục vụ cà phê, tiệc cưới. Học Đông y ra trường, anh có ngay việc làm ổn định. Nên nếu có dịp, anh dành thời gian để tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện để tạ ơn đời. Và Vĩnh đến với nghề làm bong bóng nghệ thuật cũng khởi nguồn từ sự “cho đi” ấy. Khi làm chú hề mang đến niềm vui cho trẻ em, Vĩnh nhận thấy trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em nghèo rất thích chơi bong bóng, nhất là bong bóng nghệ thuật. Thế là Vĩnh mượn 3 triệu đồng để học nghề làm bong bóng nghệ thuật ở Đà Nẵng. Có năng khiếu ảo thuật nên Vĩnh nhanh thạo nghề. Từ đó, trong nhiều chương trình từ thiện ở các cơ sở xã hội, ở miền núi, vùng sâu, xuất hiện “chú hề” Trần Công Vĩnh tay thoăn thoắt làm xiếc với bóng, biến chúng thành những con vật, đồ vật hay hình người ngộ nghĩnh, được nhiều trẻ em say mê. Vào ngày nghỉ cuối tuần hay buổi tối, hình ảnh một chú hề áo quần, đầu tóc sặc sỡ đứng bán bong bóng vẫn thường xuất hiện ở các quán cà phê, siêu thị hoăc các khu vực có nhiều người lui tới. Đó chính là Vĩnh. Anh âm thầm dành dụm tiền từ việc bán bong bóng rong để làm từ thiện và để trang trải thêm cuộc sống. Mùa Trung thu năm nào Vĩnh cũng vào vai chú Cuội đi phát quà cho trẻ em nghèo. Trong chương trình “Chung một tấm lòng” do Hội Từ thiện tỉnh tổ chức tuần này, Vĩnh cũng tổ chức một gian hàng bong bóng nghệ thuật và dành toàn bộ số tiền bán được để gây quỹ hỗ trợ quà cho đồng bào nghèo ở Nam Giang.
Trong các chương trình từ thiện, Vĩnh đến đâu, niềm vui dâng đến đấy bởi anh luôn biết làm cho người khác vui vẻ. Những chuyến gùi hàng từ thiện lên vùng cao, nhờ có “chú hề” Vĩnh nên bước chân tình nguyện viên đỡ mệt nhọc hơn. Bảy năm qua và hy vọng sau này, Vĩnh vẫn vậy, một chú hề làm từ thiện vui vẻ, không mệt mỏi, bền bỉ. Đâu cần, là “chú hề” có mặt.
CHÂU NỮ