Học trò xứ Quảng tham gia Robodnic 2016

LỮ PHÚC HOÀNG 05/08/2016 09:29

Bước vào năm thứ tư tổ chức, Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng (Robodnic 2016) có chủ đề “Thành phố xanh - Hành tinh xanh”. Đây là lần thứ hai, đại diện của đội robocon xứ Quảng tham gia Robodnic 2016.

Nhiệt huyết

Nhận được lời mời của Ban tổ chức Robodnic 2016, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Quảng Nam, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Quảng Nam hằng năm, đã chọn lựa những em học sinh có năng khiếu và đam mê với công nghệ điện tử, kỹ thuật cơ khí nổi trội trên địa bàn tỉnh tập hợp thành một đội tham dự Robodnic 2016. Và cái tên đội “QN-CKT” ra đời với 4 thành viên: Ung Tấn Đức (lớp 11/5 Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ - Đội trưởng); Trương Duy Nhất và Phạm Anh Khoa (lớp 12 Tin, THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ) và Đoàn Lê Công Khang (lớp 11/2 Trường THPT Phan Châu Trinh, huyện Tiên Phước).

Ông Nguyễn Văn Trí - Đại diện Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho hay, năm nay UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và các điều kiện cần thiết để đội robocon của Quảng Nam làm robot thuận lợi nhất. “Các năm trước xuất phát từ phong trào cũng có thành lập những đoàn đi thi nhưng hiệu quả không cao. Năm nay chúng tôi có mời thêm các thầy cô nhiều kinh nghiệm ở các trường phổ thông và dạy nghề giúp các em hoàn thiện robot này” - ông Trí nói.

Các thành viên Đội QN-CKT chuẩn bị tham gia cuộc thi Robodnic.Ảnh: MINH THƯ
Các thành viên Đội QN-CKT chuẩn bị tham gia cuộc thi Robodnic.Ảnh: MINH THƯ

Tuy là đội khách mời nhưng tinh thần hăng say làm việc, cùng đoàn kết tập trung thiết kế robot của QN-CKT rất cao. Anh Nguyễn Đăng Hùng - Phó ban Truyền thông của cuộc thi, được giao nhiệm vụ quan tâm và hỗ trợ cho đội Quảng Nam. Theo anh Hùng, các em còn gặp khó khăn về luật chơi cũng như bước đầu lên thiết kế robot. Sau thời gian nỗ lực của các em, cộng với sự đầu tư bài bản, đến nay đội đã hoàn thiện 1 con robot và 1/2 con robot còn lại trong vòng 1 tuần. “Tinh thần, thái độ làm việc của các em phải nói là tuyệt vời, minh chứng cụ thể là chỉ trong một ngày các em mày mò làm mạch đến khuya để kịp cho ngày sau hoàn thiện chú robot đầu tiên” - anh Hùng nhận xét.

Đầu tư bài bản

Năm 2014, Quảng Nam tham gia cuộc thi với đội QN-Lightning gồm 8 thành viên thì năm 2016 tuy chỉ có 4 thành viên nhưng được đầu tư bài bản, hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ cho Robodnic 2016. Hiện danh sách chính thức có 19 đội và 1 đội khách mời Quảng Nam. Dự kiến cuộc thi sẽ diễn ra 19 -  21.8.2016 tại nhà đa năng Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đà Nẵng).

Lần đầu tiên được mời làm huấn luyện viên và hỗ trợ kỹ thuật cho QN-CKT, ThS. Trần Hưng Thư - Trưởng khoa Điện -  Điện tử Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, được giao phân công hướng dẫn các em thiết kế và lắp đặt hai con robot điều khiển hoàn toàn bằng tay. Theo đó, robot của đội sử dụng vật liệu cơ khí bằng inox có tính bắt mắt, đẹp; sử dụng nguồn năng lượng điện, ắc quy và nguồn năng lượng khí nén. Cơ cấu điều khiển khí nén rất linh hoạt và nhanh, nó sử dụng để gắp vật, gắp khối kiện. Robot gồm hai tay gắp trước và sau, hai bánh xe chuyển động đa hướng và một động cơ nâng hạ gắp vật. “Hạn chế năm nay là luật chơi quy định không cho sử dụng vi điều khiển và lập trình. Toàn bộ điều khiển phải bằng hệ thống khí cụ điện đơn giản và thông dụng. Do ở xa nên đến với sân chơi này đội QN-CKT gặp nhiều khó khăn như thể lệ tham gia, quy cách, không có điều kiện tìm hiểu thực tế chính xác sân chơi ví dụ về khoảng cách, kích thước cấu kiện, kích thước của chiều cao vòng quay mặt trời. Thứ hai nữa là người ta còn giới hạn chiều cao của robot chỉ 1,5m trong đó cấu kiện cần đặt lên tháp mặt trời cao hơn nên cần có nhiều cơ cấu kết hợp lại” - anh Thư nói.

Đoàn Lê Công Khang (lớp 12/1 THPT Phan Châu Trinh, Tiên Phước) phụ trách kỹ thuật mạch điện tử và cơ khí nhận định, so với năm 2014 robot năm nay được cải tiến vượt trội, có hệ thống điều khiển bằng rờ - le được tối ưu hóa hơn, hộp trượt cứng cáp và không bị rung, động cơ mạnh mẽ, có thêm bánh xe đa hướng OMI loại lớn chạy ổn định. Ưu điểm khác ở robot là có cánh tay có thể tăng chiều cao cho robot khi hoạt động. Bình thường robot hoạt động hành trình cánh tay 1,4m - 1,45m; thêm cánh tay thì robot có thể nâng lên 1.5m - 1,55m. “Năm nay, quy định không được dùng vi điều khiển để lập trình robot nên mình phải dùng rờ - le để điều khiển đảo chiều động cơ. Phần này rất phức tạp và cần tập trung cao độ thì động cơ mới hoạt động trơn tru” - Ung Tấn Đức, đội trưởng QN-CKT nói. Hiện 80% khối lượng công việc đã hoàn thành, còn lắp ráp phần điện cho tay cầm điều khiển để đấu nối. “Em cảm thấy rất may mắn được thi cuộc thi robocon như thế này. Hy vọng với tất cả thành viên trong đội sẽ hoàn thành robot đúng tiến độ” - Trương Duy Nhất và Phạm Anh Khoa (lớp 12 Tin, THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) thành viên lần đầu tham gia phấn khởi.

LỮ PHÚC HOÀNG

LỮ PHÚC HOÀNG