Trăm năm, nhìn lại… - Kỳ cuối: Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ có phải do Phạm Liệu?
Không biết dựa vào tài liệu nào mà lâu nay, nói tới nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa năm 1916 đều quy kết cho Phạm Liệu - một trong “Ngũ phụng tề phi” của xứ Quảng. Gần đây, đọc cuốn sách “Xứ Quảng theo dòng lịch sử” tôi mới thấy… đây là nỗi oan 100 năm cần được chiêu tuyết cho cụ Trường Giang Phạm Liệu.
|
Về đại thể, “Việc mưu sự diễn ra trong toàn cõi Trung kỳ suốt một thời gian dài và được che đậy dưới nhiều hình thức mà chính quyền thực dân bảo hộ không hề hay biết. Tuy nhiên sự sinh hoạt của người trong cuộc thường là điểm yếu nhất để cho người khác nhìn ra. Võ An - một đảng viên Quang phục hội là cai lính khố xanh, người phủ Tư Nghĩa cùng em là Võ Huệ tùng sự tại dinh án sát Quảng Ngãi. Trong một bữa tiệc rượu chia tay với em để vào Phú Yên nhận nhiệm sở mới, Võ An nói: Đến ngày 1 tháng 4 Bính Thìn, em xin phép về quê xa lánh công đường vì bữa ấy có biến!
Sáng ngày 1 tháng 5, Võ Huệ vào dinh án sát Phạm Liệu xin phép về quê, nhưng không nói rõ lý do về làm gì? Án sát Phạm Liệu nghi ngờ vặn hỏi dồn dập. Võ Huệ tái mặt đành nói ra lời anh dặn. Phạm Liệu cho giam Võ Huệ vào ngục và thân hành đến dinh công sứ De Tastes. Hôm ấy, có cả tuần vũ Trần Tiến Hối ở đấy. Phạm Liệu – một tiến sĩ đứng đầu “Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng Nam, nỡ đem tài học vấn của mình giúp cho chính quyền bảo hộ khám phá bí mật của công cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916. Phạm Liệu bẩm báo lại lời Võ Huệ với hai quan. Lập tức Võ An từ Phú Yên bị triệu về công đường Quảng Ngãi và bị tra tấn. Chịu không nổi, Võ An đã khai thêm đồng đảng là Trần Thiềm, người phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi giúp việc tại tòa công sứ De Tastes, cũng là đảng viên Quang phục hội – Trần Thiềm bị tra tấn dã man không chịu nổi đã khai ra bí mật khởi nghĩa của Đảng Quang phục hội. Nhưng không biết nổ ra ở đâu? Án sát Phạm Liệu liền điện báo cho khâm sứ Trung kỳ tại Huế. Đây là đầu mối của khởi nghĩa 1916 bị bại lộ”. (Theo “Chí sĩ Trần Cao Vân” - Trần Trúc Tâm, NXB Đà Nẵng, 1999).
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, T.2, NXB Giáo dục, H, 1998. 2- 100 năm Trường Tân học Phú Lâm và Nhà thực hành duy tân xuất sắc Lê Cơ, Sở Văn hóa – Thông tin và Du lịch tỉnh Quảng Nam, 2006. 3- Xứ Quảng theo dòng lịch sử, Lưu Anh Rô, NXB Đà Nẵng, 2015. 4- Trần Trúc Tâm, Chí sĩ Trần Cao Vân, NXB Đà Nẵng, 1999. 5- Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Nam Cường XB, S, không ghi năm. 6- Bức thư bí mật của cụ Huỳnh Thúc Kháng trả lời cụ Kỳ Ngoại hầu Cường Để năm 1943, NXB Anh Minh, Huế, 1957. |
Chuyện này, tôi không rành và cũng tin như thế, bởi… “nói có sách”, và cũng buồn cho quê mình có bậc danh nho như thế. Gần đây, đọc cuốn sách “Xứ Quảng theo dòng lịch sử” mới thấy… đây là nỗi oan 100 năm cần được chiêu tuyết cho cụ Trường Giang Phạm Liệu.
Theo tài liệu (tiếng Pháp) số 37, Hồ sơ số 65530: Báo cáo ngày 5.5.1916 của Trần Quang Trứ gửi Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 16, về cuộc gặp vua Duy Tân trong đêm khởi nghĩa, do nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cung cấp; Lưu Anh Rô dẫn vào sách của mình: “Trần Quang Trứ, lính chiến số 16.673 thuộc tiểu đoàn lính chiến Đông Dương số 16. Kính gửi Ngài Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16. Thưa Ngài chỉ huy. Tôi rất lấy làm vinh dự để báo cáo với Ngài những sự việc của chiều ngày hôm kia khi tôi và bạn đồng đội số 79 được phép đi thu thập tin tức về những người từ Đà Nẵng ra Huế để tham gia cuộc nổi loạn. Vào sáng hôm qua, bạn đồng đội 79 nói với tôi rằng, anh đã thấy có một vài người anh biết mặt từ Đà Nẵng ra nhằm tham gia cuộc nổi loạn ở Huế. Những người cầm đầu này yêu cầu chúng tôi giúp đỡ để đánh đổ ách cai trị của người Pháp tại xứ Annam… Buổi chiều ngài thông báo cho các cấp chỉ huy đại đội biết về tình hình cũng giống như thế, nên tôi xin phép được cùng đi với đồng đội 79 để thu thập tin tức của những kẻ cầm đầu cuộc phiến loạn. Như chúng ta đã biết, những người này từ Đà Nẵng ra Huế cách đây mấy hôm nhằm kích động binh lính quê Quảng Nam, Quảng Ngãi và số lính thợ ở đồn Mang Cá cùng hợp tác với họ để giết các người Âu châu nhằm giải phóng xứ Annam khỏi ách đô hộ của Pháp. Chúng tôi đến nhà hát tuồng để xem có thể có một vài người trong số họ ở đó không, vì 79 đã nói với tôi là đêm trước đã thấy họ đi lại trong thành phố. Một phu kéo xe cho chúng tôi biết, bọn người ở Đà Nẵng đang trú tại một căn nhà tranh nằm về phía tả ngạn kênh đào Phú Cam, gần đàn Nam Giao. Chúng tôi tìm đến căn nhà đó chỉ cách đàn Nam Giao 50 mét. Chúng tôi vào nhà, nhìn thấy 7 đến 8 người đang ngồi trò chuyện, trong số đó tôi nhận ra một người là Nguyễn Duy Phiên (tức Thái Phiên), người đã làm việc tại Ty Công chính Đà Nẵng vào các năm 1901 - 1902, lúc đó tôi làm việc bên Tòa Thị chính. Chúng tôi được họ đón tiếp vui vẻ, bởi vì chúng tôi nói sẵn sàng giúp đỡ họ, để họ chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn chống lại chính phủ bảo hộ với sự đồng lòng của các chiến binh thuộc Tiểu đoàn 16…”. (Theo “Xứ Quảng theo dòng lịch sử” - Lưu Anh Rô, NXB Đà Nẵng, 2015).
Trần Quang Trứ là ai? Xin thưa, đó là một trong số ít nhân vật có tên trong “Quyết định khởi nghĩa”, với vai trò: “Trần Quang Trứ (Phán Trứ), Phạm Thanh Chương, Lại Hà công phá trấn Bình Đài (đồn Mang Cá)”. Như vậy, giòi trong xương giòi ra chứ chẳng dính dáng gì tới cụ Trường Giang Phạm Liệu.
Một trăm năm đi qua, chúng ta đủ thời gian nhìn lại nhiều việc, trong đó có cuộc khởi nghĩa năm 1916. Và nếu không có tài liệu nào tốt hơn tài liệu do thực dân Pháp để lại về vụ việc này, chúng ta cần phải rửa oan cho cụ Phạm Liệu. Trước mắt, chúng tôi rất mong chính quyền tỉnh Quảng Nam nên đặt tên trường, tên đường mang tên Phạm Liệu – người đỗ Hương nguyên khoa Giáp Ngọ (1894), và là người đỗ đầu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đứng đầu trong “Ngũ phụng tề phi” khoa Mậu Tuất (1898).
VU GIA