Trăm năm, nhìn lại... - Kỳ 1: Có phải cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội?

VU GIA 04/08/2016 09:20

LTS: Ngày mai (5.8), Sở VH-TT&DL phối hợp với Viện Sử học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và UBND TP.Tam Kỳ tổ chức hội thảo khoa học “100 năm khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội tại phủ Tam Kỳ - Quảng Nam (1916 - 2016)”. Dịp này, Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Vu Gia - một người con của xứ Quảng - với góc nhìn mới của cuộc khởi nghĩa được đánh giá là đã khơi dậy tinh thần yêu nước của dân tộc và để lại dấu ấn sâu sắc trong truyền thống cách mạng chống Pháp của xứ Quảng.

Dấu xưa phủ lỵ Tam Kỳ - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa năm 1916.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Dấu xưa phủ lỵ Tam Kỳ - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa năm 1916.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

KỲ 1: CÓ PHẢI CUỘC KHỞI NGHĨA VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI?

Một trăm năm đi qua, không ít tư liệu cho rằng cuộc khởi nghĩa tại phủ Tam Kỳ và một số địa phương ở miền Trung vào năm 1916 là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội. Với tôi chưa hẳn là vậy.

Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, “Thượng tuần tháng 5 Nhâm Tý (1912), trong cuộc “Đại hội nghị” tại từ đường nhà Lưu Vĩnh Phúc, có đông đủ đại biểu khắp ba kỳ đã quyết định thủ tiêu Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang phục hội. Vấn đề gay go nhất được nêu ra thảo luận là theo quân chủ hay dân chủ. Cụ Phan Bội Châu là người đầu tiên đề ra và cũng là người tranh luận hăng hái nhất để bảo vệ chủ nghĩa dân chủ, cuối cùng đã được đa số chấp thuận. Chương trình hành động do Phan Bội Châu thảo ra cũng được toàn thể hội viên thừa nhận. Tôn chỉ duy nhất của Hội là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam”.

Cuộc khởi nghĩa năm 1916 tại phủ Tam Kỳ và một vài địa phương khác ở miền Trung có vua Duy Tân tham dự. Nếu khởi nghĩa thành công, Lê Cơ sẽ giữ chức “Ngự tiền hộ giá đại tướng quân kiêm Tổng đốc Nam Ngãi lưỡng Quảng; Phan Thành Tài giữ chức Kinh lược”. Nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại. “Trước khi chết, Thái Phiên và Trần Cao Vân viết 1 bản trần tình khẳng khái nhận hết tội lỗi về mình và đề nghị thực dân Pháp tha tội chết cho vị vua trẻ Duy Tân. Bài trần tình có câu: “Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt! Trời còn đó! Đất con đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho Thánh Thượng sinh toàn!”.

Qua những chi tiết này, chúng ta có thể thấy nếu cuộc khởi nghĩa (1916) thành công thì chính phủ của nước Việt Nam mới không phải là chính phủ của thể chế “Cộng hòa Dân quốc” như tôn chỉ của Việt Nam Quang phục hội. Do vậy, cuộc khởi nghĩa này không thể gọi cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội. Đại cương Lịch sử Việt Nam còn cho biết để tạo tiếng vang, “Việt Nam Quang phục hội quyết định tiến hành một số cuộc ám sát, xử trí một số tên thực dân đầu sỏ và tay sai đắc lực của chúng. Cuối mùa thu năm 1912, Việt Nam Quang phục hội cử về nước một số người để thi hành các bản án trên. Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Trọng Thường theo đường Lạng Sơn về Bắc kỳ; Hà Đương Nhân và Đặng Tử Vũ theo đường Xiêm về Trung kỳ; Bùi Chính Lộ cũng theo đường từ Xiêm về Nam kỳ, tất cả đều có mang tạc đạn để hành động. Hai nhóm Trung và Nam kỳ không hoàn thành được nhiệm vụ”. Điều này cho thấy ảnh hưởng Việt Nam Quang phục hội chưa nẩy mầm, bén rễ ở miền Trung và Nam kỳ.

Trước sự tồn vong của dân tộc thì cuộc khởi nghĩa yêu nước nào cũng đáng quý, đáng trọng. Nếu ai ai cũng có tư tưởng cầu an “mặc kệ nó, có họ cùng mình”, thì đất nước này, dân tộc này không được như ngày hôm nay. Tròn 100 năm trước (1916 - 2016), nhân dân Tam Kỳ cùng một số địa phương khác ở miền Trung đã nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Dẫu cuộc khởi nghĩa của họ đã bị dìm trong biển máu, nhưng tinh thần ấy được lớp người sau ghi nhận và phát huy. Nói như Tố Hữu sau này là “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Và tròn 100 năm trước, suy nghĩ cùng hành động của những người con của đất Tam Kỳ là như thế!

Nhưng theo sách Chí sĩ Trần Cao Vân (1866 - 1916), thì sau khi “Đưa vợ con vào Bình Định, Trần Cao Vân trở ra Quảng Ngãi để gặp hai đại biểu của Quang phục hội vừa nhận huấn lệnh của Việt Nam Quang phục hội từ Xiêm về và triệu tập hội nghị các thủ lĩnh ở địa phận Quảng Ngãi, đề ra chương trình hoạt động. Trần Cao Vân giao cho Thừa Phong (Nguyễn Đức Đạt) quán làng Miếu Bông (Hòa Vang) và Thái Hòa (Kim Bồng, Hội An) là hai môn đồ tin cẩn vào Nam kỳ quyên góp tiền bạc, tổ chức lực lượng tạo thế lực, bắt nhịp với hoạt động của Quang phục hội ở hải ngoại của cụ Phan Sào Nam (lúc này ở Trung Quốc) dự kiến sẽ đưa quân về theo 3 đường: Đông Hà - Móng Cái; Long Châu - Lạng Sơn; Hà Khẩu - Lào Cai hợp sức với lực lượng trong nước khởi nghĩa đánh đuổi thực dân Pháp giành lấy chính quyền. Tuy nhiên, 3 đội quân của Quang phục hội ở hải ngoại do nhiều nguyên nhân không về được, chỉ có một toán lính mộ chừng vài chục người do Võ Đình Mẫn chỉ huy, xâm nhập đánh phá một đồn lính Pháp ở Tà Lùng gần Lạng Sơn, không gây tiếng vang lớn. Vì vậy các lực lượng cách mạng của Quang phục hội ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi do Trần Cao Vân lãnh đạo, ở Quảng Nam do Thái Phiên thống lãnh đành nằm yên chờ thời cơ vận hội”. Tài liệu này, theo tôi không chuẩn xác, bởi Trần Cao Vân ngồi tù ở Côn Lôn năm 1909, được tha vào cuối năm 1913, về tới đất liền đầu năm 1914, và ngày đó cũng không có điện thoại di động làm sao “bắt nhịp với hoạt động của Quang phục hội ở hải ngoại” nhanh thế, và thời điểm ấy, Việt Nam Quang phục hội xem như đã hết sinh lực.

Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, ngày 13.4.1913, các thành viên Việt Nam Quang phục hội mới bắt đầu tiến hành kế hoạch ám sát để gây tiếng vang. Tiến hành được hai vụ, thì “thực dân Pháp lùng sục khắp nơi, bắt 254 người tập trung về Hà Nội. Ngày 5.9.1913, Hội đồng đề hình tuyên án tử hình 7 người: Nguyễn Khắc Cần, Phạm Văn Tráng, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiên. Cường Để, Phan Bội Châu ở nước ngoài cũng bị kết án tử hình vắng mặt”. Khoảng thời gian ấy, ngày 8.7.1913, Cường Để bị bắt, sau đó trốn sang châu Âu; ngày 24.12.1913, Phan Bội Châu bị bắt, mãi đến tháng 2.1917, cụ mới được giải thoát. Trước đó, “ngày 16.6.1913, cảnh sát Anh đã vây một ngôi nhà ở Cửu Long (Hương Cảng) bắt 9 hội viên Việt Nam Quang phục hội. Họ đến đây mở một xưởng bí mật làm thuốc nổ, chế tạo vũ khí, trong số đó có Nguyễn Thần Hiến, Huỳnh Hưng”. Như vậy, có thể nói Việt Nam Quang phục hội chết từ khi mới chập chững vào đời, thì còn sinh lực đâu để vươn tới cuộc khởi nghĩa 1916 ở phủ Tam Kỳ?

Trong những tài liệu để lại, Huỳnh Thúc Kháng chưa một lần nói cuộc khởi nghĩa năm 1916 ở phủ Tam Kỳ là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội. Qua Thi tù tùng thoại, Huỳnh Thúc Kháng cho hay trong vụ Dân biến Trung kỳ (1908), Châu Thơ Đồng bị kết án chung thân đày đi Lao Bảo. Ông tuyệt thực cho đến chết. Trước khi rời nhà ngục Hội An, ông nói với Huỳnh Thúc Kháng: “Mính Viên quân, tôi làm cái dễ, còn anh em gắng lấy sự khó”. Hai giờ chiều hôm ấy, Châu Thơ Đồng đến Huế và chết ở nhà lao Phủ Thừa. Huỳnh Thúc Kháng có viếng Châu Thơ Đồng câu đối. Trần Cao Vân cũng có câu đối viếng: Ngã bất năng xã sinh! Nại hà tai Trung thiên dịch sơ khai, dữ lý thất niên tiền vị diễn; Quân nãi năng tựu nghĩa! Nan đắc giã vạn thế kinh độc thủ, Thú Dương nghìn thuở vẫn còn nghe. Câu đối này được Huỳnh Thúc Kháng ghi vào Thi tù tùng thoại, và dịch ra quốc ngữ. Huỳnh Thúc Kháng viết: “Trần Bạch Sĩ sau đày ra Côn Lôn được tha về, chết vì nạn Duy Tân năm 1917. Câu đối trên đủ thấy định kiến của Trần đã định hy sinh từ lâu”. Huỳnh Thúc Kháng nghĩ như thế, vì vế đối, Trần Cao Vân có nhắc tới “Thú Dương” (Thú Dương ngàn thuở vẫn còn nghe). Theo Huỳnh Thúc Kháng, đó “là núi mà Bá Di, Thúc Tề không ăn cơm nhà Châu chết đói trên núi ấy”. Vế xuất của câu đối viếng này, Trần Cao Vân có nhắc tới “dịch Trung thiên” (ngặt vì dịch Trung thiên mới mở đầu), và được Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Trần có diễn bộ sách dịch gọi là Trung thiên dịch, tự sánh với dịch Thiên tiên của Phục Hy, dịch Hậu thiên của Văn Vương, cũng bạo gan nhỉ! Người tầm thường đâu có gan ấy”.

Đọc Thi tù tùng thoại, thấy qua vụ Duy Tân 1916, Quảng Nam không có ai bị đày ra Côn Lôn. Cụ Tú Chẩm (Phạm Xuân Phổ, người Quảng Ngãi), bị đày ra Côn Lôn năm 1908, được tha về năm 1913, cùng một lần với Trần Cao Vân; năm 1917 lại bị đày ra Côn Lôn vì can vụ Duy Tân. Nhờ đó, anh em tù ở Côn Lôn mới biết rõ vụ này. Huỳnh Thúc Kháng ghi lại có một người (vô danh) làm 10 bài tứ tuyệt, trong đó có một bài viết về Trần Cao Vân: “Hy tiên Văn hậu thử chân thuyên/ Biệt tự trung gian tạo nhứt thiên/ Học thuyết năng tương tiên huyết nhiễm/ Nam phương tân dịch tích vô truyền”. Huỳnh Thúc Kháng dịch: “Văn sau Hy trước vẫn kinh này/ Riêng giữa trung thiên đứng một tay/ Học thuyết đem bầu tâm huyết nhuộm/ Trời Nam dịch mới tiếc hông thầy”, và chú thích: “Trần quân tự xưng có dị nhân truyền bản sách “Trung thiên dịch để nối dịch”. Trần chết về quốc sự, sách ấy không ai truyền”.

Nhưng cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn ở Thái Nguyên thì cụ Huỳnh Thúc Kháng viết đó là cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội: “Cuộc tù biến ở Thái Nguyên (1917) rung động toàn quốc, vì trong tù có mấy tay thủ hạ cựu bộ ông Đề Thám, có tay Đông học như Lương Ngọc Nham và mấy người võ biền làm chủ động, phá ngục Thái Nguyên chiếm giữ được 7 ngày sau việc hỏng, có mấy người bị đày ra Côn Lôn: đội Giá, đội Trường, đội Lư và binh Thiều, nho Địch…

Thiều và Địch là người Quảng Ngãi. Thiều chưn lính còn Địch là một cậu học trò, 2 người này can án Duy Tân bị đày ra Thái Nguyên, sau ra Côn Lôn, Địch thuật chuyện như dưới: Tấn kịch Duy Tân xảy ra, y mới 17 tuổi, đương học với ông thầy là Tú Ngung, nhân cớ thầy mà trò bị lụy, sau này Tú uống thuốc chết, cậu cùng bọn đồng tội 25 người – cả lính và dân – bị đày ra Thái Nguyên, bị đau và chết dọc đường hết 21 người. Đến Thái Nguyên chỉ còn 4 người, tức Thiều, Địch và 2 người nữa. Ở ngục Thái Nguyên được một năm, vì ngục quan ngược đãi, bọn tù khởi biến, chiếm đồn Thái Nguyên cùng quan quân chống cự được 7 ngày, duy đồn lính không lấy được. Sau quan binh đến đánh riết quá, không chống lại nổi, mới tan vào rừng. Rồi kẻ bị bắt, kẻ ra thú, lãnh tụ là ông đội Cấn – có tên là Trịnh Đạt cũng chết trong tù, Địch cùng Thiều cũng bị bắt, còn 2 người Quảng Nghĩa nữa lưu lạc đâu không biết (Địch năm 1925 được tha về rồi cũng tạ thế).

Nhân nghe chuyện trên, cụ Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) có chép làm bài ký gọi là “Thái Nguyên thất nhật Quang phục ký”.

Những người can vụ Thái Nguyên đày ra Côn Lôn đều là tay đóng vai trong tuồng ấy nên thuật chuyện được tường tận. Gia dĩ ngòi bút ký sự sở trường của cụ Tập Xuyên tả được linh động, ai đọc cũng sanh mối cảm xúc, nhân có đề 6 bài”. Trong 6 bài này, có bài nhắc tới vụ Duy Tân: “Cự sưu hoạt kịch tái vô văn/ Tạc đạn thanh trầm Đế đảng phân/ Hảo vị hà sơn nhứt thổ khí/ Cường nhân ý thị Thái Nguyên quân”. Huỳnh Thúc Kháng dịch: “Tấn kịch xin xâu đã hạ màn/ Quả bom ngòi tắt đảng vua (Duy Tân) tan/ Non sông còn có mùi sinh khí/ Tuồng Thái Nguyên lưa một tiếng vang”.

Trong tài liệu khác, khi nói về lịch trình cách mạng Việt Nam trong thời kỳ thuộc Pháp, thời kỳ 1900 - 1920, Huỳnh Thúc Kháng có nhắc tới cuộc khởi nghĩa năm 1916: “Vua Duy Tân ám thông Dân đảng (Trần Cao Vân, Thái Phiên…) diễn ra cuộc Duy Tân năm 1916”.

Qua những tài liệu đã dẫn, tôi nghĩ nên gọi cuộc khởi nghĩa năm 1916 tại phủ Tam Kỳ, cùng một số địa phương khác hồi ấy là cuộc khởi nghĩa Duy Tân, nghe được chính danh hơn.
___________
Kỳ 2: Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ có phải do Phạm Liệu?

VU GIA

VU GIA