Giữ nghề rèn Quế Châu
Men theo những con đường nhỏ ở xã Quế Châu (Quế Sơn), những tiếng búa đập của các thợ rèn cứ vang lên trầm bổng như những nốt nhạc vui tai. Nghề rèn ở đây nổi tiếng một thời, bây giờ dù không còn hưng thịnh như xưa nhưng quanh năm vẫn luôn đỏ lửa.
Cách đây chừng 10 năm, làng rèn ở xã Quế Châu có khoảng 50 lò rèn hoạt động mỗi ngày, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bà con, bạn hàng từ khắp các vùng lân cận như Quế Long, Quế Phú hay các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên tìm đến mua hàng. Giờ đây, tuy thời vàng son đã hết, nhiều thợ rèn trong làng lần lượt “gác búa” tìm công việc khác sinh sống nhưng vẫn còn một số quyết tâm bám nghề, kế thừa tâm huyết của ông cha, khắc sâu những lời chỉ dạy từ thuở tập tễnh vào nghề. Anh Hà Cảnh, một trong 10 hộ còn giữ nghề rèn trong vùng cho biết: Trước đây, khi nghề nông là nghề chính của bà con trong vùng thì việc rèn nông cụ mang lại rất nhiều lợi nhuận. Những vật dụng thứ yếu như cuốc, xẻng, mác, dao… được đặt hàng rất nhiều và làm không xuể. Bây giờ, với sự xuất hiện của máy móc, dụng cụ hiện đại đã dần thay thế cho nhiều vật dụng truyền thống đã đẩy đưa nghề rèn đến chỗ chóng lụi tàn. “Không những thế, mấy năm gần đây có nhiều người từ miền Bắc vào mở lò rèn ngay trên tỉnh lộ, cạnh tranh gay gắt làm cho sức tiêu thụ giảm. Nhiều người ở đây không trụ nổi buộc phải bỏ nghề, chỉ còn một số ít như hộ tôi là còn gắng bám trụ với nghề” - anh Cảnh trăn trở.
Các dụng cụ được tạo ra từ đôi tay của người thợ rèn đầy tâm huyết. Ảnh: T. QUANG |
Mặc dù sức tiêu thụ không còn mạnh như trước nhưng những sản phẩm của làng rèn Quế Châu vẫn có chỗ đứng vững chắc. Dù số lượng sản phẩm giảm sút, nhưng nhờ nguyên liệu chính để rèn ra từng sản phẩm này chính là các vật liệu từ thời chiến tranh để lại. Đó là những vỏ bom, đạn, vỏ xe, thép quân dụng… được mua về từ các cơ sở phế liệu. Ngày xưa chúng mang đến đau thương, ngày nay lại trở nên gần gũi, theo chân nhà nông bước ra đồng hay lên nương rẫy. Đặc biệt những nông cụ này khi được làm ra sẽ rất chất lượng, cứng hơn, bền hơn và lâu bị gỉ sắt.
Vì là nghề rèn truyền thống nên để hoàn thiện một sản phẩm, người thợ rèn phải thực hiện tám bước khá công phu: Đốt và chấn sắt, đập, lượt phôi, làm nguội, gọt, sửa nguội, mài bằng tay. Anh Cảnh nhấn mạnh, trong những bước này thì khâu làm nguội đòi hỏi độ công phu nhất. Mẫu mã đẹp, độ đồng đều, độ sắc nhiều hay ít, không mẻ bể khi va đập… đều do khâu làm nguội. Và đó cũng chính là khâu quyết định đến sự thành công của người làm nghề. Ngoài ra, để có một sản phẩm tốt, cái khó nhất và cũng là bí quyết của người thợ ở chỗ nhìn độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Ở đây chỉ xác định bằng mắt và cảm giác của người thợ. Chỉ cần non già lửa rèn một chút là sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm sau khi hoàn thiện. Trước đây, nghề này cũng được xem là một nghề nguy hiểm, vì hàng ngày mỗi người thợ phải hít một lượng lớn khí than từ lò lửa, thế nên dần dần các thợ trong làng đều đổ bệnh, nên con cháu ít ai theo nghề. Sau này anh Cảnh sáng tạo được một chiếc máy đặc biệt vừa thổi lửa, vừa hút khói than, từ đó mọi người chuyên tâm vào nghề mà không phải lo sợ nữa. Đây cũng là nghề khá nặng nhọc nên thường chỉ dành cho nam giới đảm đương, còn phụ nữ thì lo việc bán sản phẩm và mua nguyên liệu.
Anh Cảnh cho biết, chỗ của anh hiện nay cung cấp chủ yếu là các loại dao cho các lò giết mổ gia súc và các dụng cụ lao động như rựa, mác, cuốc, xẻng... Mặc dù hiện nay các nông cụ không còn được bán chạy như trước nhưng ngày nào trong làng cũng vang lên tiếng búa đục. Nhất là vào dịp đầu năm, nhiều người trong và ngoài địa phương đến mua và đặt hàng. Anh tâm sự: “Một khi đã là nghề truyền thống trong gia đình thì dù cực nhọc ra sao chúng tôi vẫn cố gắng gìn giữ. Dù cho con cháu chừ không thích theo nghề của cha ông nhưng chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó thế hệ sau sẽ có người nối nghề và nghề rèn truyền thống ở đây sẽ được hồi sinh trở lại”. Cầm một con dao, cái mác từ chính lò rèn ở xã Quế Châu mới thực sự cảm phục tài hoa của người dày công tạo ra nó. Những đường dao sắc bén, mỏng manh đã cho thấy muốn hoàn thiện nó thì người thợ rèn phải đảm bảo sự thận trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ông Hà Hòa - thợ rèn thôn Đồng Thành, xã Quế Châu cho biết: “Hàng tốt hay xấu ăn thua là ở khâu làm nguội, chúng tôi dành nhiều thời gian cho việc này nhất, vì dao rựa có phẳng thì dùng mới mượt. Vì thế, bình quân mỗi ngày ba người thợ thì sẽ cho ra được 10 sản phẩm hoàn thiện, tuy không nhiều nhưng vẫn bán rất chạy”.
Gần 40 năm theo nghề, chứng kiến biết bao nhiêu người “gác búa”, ông Hòa luôn trăn trở, nỗ lực gìn giữ không cho nghề tổ bị mai một. Vì thế, sáng nào ông cũng cố gắng cùng những người anh em thổi lửa làng nghề. Ánh lửa đỏ bừng, tiếng búa đập vào đe inh ỏi cùng tiếng người dồn sức như làm sống lại một thời trai trẻ, một thời huy hoàng của nghề rèn nơi đây. Đất Quế Châu, dẫu thời huy hoàng đã qua nhưng ngọn lửa đam mê trong lòng họ vẫn luốn cháy hết mình, vươn lên giữ nghề.
THIÊN QUANG