Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần IX - 2016: Quy tụ nhiều giải pháp về môi trường

HOÀNG LIÊN 03/08/2016 09:10

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (viết tắt: cuộc thi) lần thứ IX, 2016 đã đem lại nhiều giải pháp, mô hình giàu tính sáng tạo và ứng dụng, trọng tâm là lĩnh vực môi trường.

Tính ứng dụng cao

Sau một năm phát động, trải qua các vòng chấm chọn, trao giải ở cấp huyện/thành phố, ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tiếp nhận tổng cộng 186 đề tài/mô hình/sản phẩm đến từ 14/18 huyện/thành phố trên địa bàn tham gia dự thi. Đáng chú ý, sản phẩm thân thiện với môi trường năm nay xuất hiện nhiều đề tài/mô hình/sản phẩm mang tính sáng tạo, thể hiện sự đầu tư về trí tuệ. Có thể kể đến “Hệ thống tự động đóng mở nguồn nước” của em Huỳnh Phương Khuê và em Nguyễn Ngọc Khoa (Trường THCS Chu Văn An, Tam Kỳ); “Đèn đường thông minh” của Phạm Xuân Tuấn (Trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ) có chức năng chiếu sáng đường giao thông một cách thông minh… Một số sản phẩm/mô hình có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống như: “Cây chổi quét trần nhà” của Nguyễn Hồng Bảo Trân (Trường Tiểu học số 1, Duy Phước, Duy Xuyên) với thiết kế đơn giản, giá thành rẻ hơn so với thị trường; “Nhà sử dụng năng lượng mặt trời” của Trần Văn Huy và Nguyễn Phi Trường (Trường THCS Phan Bội Châu, Hiệp Đức) cũng rất giàu ý tưởng.

Một mô hình/sản phẩm trình diễn tại Cuộc thi Sáng tạo lần V. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Một mô hình/sản phẩm trình diễn tại Cuộc thi Sáng tạo lần V. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trao đổi về mùa giải năm nay, ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh nhận xét, trải qua các vòng chấm chọn, Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo đánh giá cao về chất lượng, tính sáng tạo và tính thiết thực của các đề tài mô hình, sản phẩm tham dự cuộc thi lần này. Trong số 186 sản phẩm/mô hình gửi dự thi ở cuộc thi cấp tỉnh thì số sản phẩm/mô hình thuộc lĩnh vực thân thiện với môi trường chiếm tỷ lệ 2/3 so với sản phẩm dự thi. Điều đó cho thấy, các em có sự chú trọng lớn đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thành công đến từ công tác tuyên truyền, định hướng ngay từ ban đầu của ban tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh trước vấn đề ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng hiện nay. Nhiều sản phẩm của các em giàu tính thiết thực, có thể ứng dụng ngay trong thực tế, như “Bếp nấu củi đa năng tiết kiệm nhiên liệu”; “Chổi quét rác trần nhà”… Tuy rằng, đây chưa phải là những sản phẩm/mô hình đạt giải cao nhất tại cuộc thi lần này.

Một nét mới nữa của cuộc thi lần này, theo ông Nguyễn Văn Diệu, là công tác tổ chức rất chu đáo từ cấp cơ sở. Đơn cử, hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình đã tổ chức được lễ tổng kết và trao giải cuộc thi cấp huyện. Bên cạnh đó, năm nay, ban tổ chức còn mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học tham gia chấm chọn, như TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm), các giảng viên của Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam để có sự đánh giá toàn diện, sát thực hơn. “Trước khi quyết định trao giải, chúng tôi còn trực tiếp mời các em lên thuyết minh về ý tưởng của mình, đó là cơ sở để ban tổ chức xem xét sự đầu tư, nỗ lực tự thân nơi các em cũng như sự trùng khớp giữa thuyết minh ý tưởng và mô hình gửi dự thi” - ông Diệu nói.

Nâng tầm thương hiệu cuộc thi

Có 37 giải được trao tại lễ tổng kết cuộc thi sắp tới đây. Bao gồm: 1 giải đặc biệt (5 triệu đồng/giải); 4 giải nhất (3 triệu đồng/giải); 8 giải nhì (2 triệu đồng/giải); 8 giải ba (1,5 triệu đồng/giải), 16 giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải). Ban tổ chức cũng trao giải cho 7 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức tốt cuộc thi; trao giấy khen cho tác giả nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi.
TS. Chu Mạnh Trinh - Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành viên ban giám khảo cuộc thi nhận xét:
“Khi làm việc trực tiếp với sản phẩm và các em, tôi thấy các em quá giỏi, những ý tưởng quá xuất sắc so với độ tuổi. Tất nhiên là chúng tôi đánh giá cao về ý tưởng, về tính sáng tạo hơn là khâu gọt giũa ở mỗi sản phẩm. Mong rằng những cuộc thi như thế này nên tiếp tục duy trì để khích lệ, động viên sự sáng tạo, hình thành ý thức bảo vệ môi trường nơi các em”.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh đã trải qua 9 mùa giải, bên cạnh những thành quả nổi bật, vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc tuyên truyền, phổ biến cuộc thi chưa sâu rộng. Nhiều trường học còn thiếu quan tâm đến cuộc thi, việc hướng dẫn hưởng ứng cuộc thi của huyện đoàn, phòng GD-ĐT ở một số nơi còn hạn chế. Cuộc thi chỉ dừng lại ở cấp tiểu học, THCS, THPT, trong khi các trường đại học, cao đẳng hầu như không tham gia. Nhiều địa phương chưa thành lập được ban tổ chức cuộc thi cấp huyện và chưa tổng kết, trao giải ở cấp huyện. Một vấn đề nữa là sự thiếu đồng đều trong việc hưởng ứng cuộc thi ở các vùng, miền. Cụ thể như, học sinh khu vực miền núi cao như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My tham gia cuộc thi chưa nhiều, chưa tích cực… Ngoài ra, kinh phí dành cho cuộc thi cấp huyện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức gây khó cho công tác tổ chức… Chín mùa giải trôi qua, dù mỗi năm có nhiều sản phẩm/mô hình đạt giải cao cấp tỉnh và trung ương, song đến nay, việc hỗ trợ những mô hình/sản phẩm đó trong thực tế chưa được chú trọng, vẫn chưa có sự thống kê, đánh giá cụ thể về hiệu quả của những mô hình sáng tạo trẻ trong thực tiễn…

Về giải pháp nâng thương hiệu cuộc thi, ông Nguyễn Văn Diệu cho hay: Năm nay là năm cuối của hành trình 10 năm tổ chức cuộc thi. Hướng tới tổng kết 10 năm cuộc thi (2017), ban tổ chức sẽ làm công tác thống kê, đánh giá lại công tác phối hợp giữa các sở ban ngành liên quan, các hội/đoàn thể, các huyện/thành phố/thị xã, tìm giải pháp nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, định hướng ý tưởng nơi các em tốt hơn. Việc khuyến khích đội ngũ sáng tạo trẻ cũng được chú trọng. Ngoài việc đồng hành với cuộc thi cấp tỉnh, Liên hiệp hội sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ các sản phẩm/mô hình đạt giải cao ở trung ương, đề nghị UBND tỉnh trao tặng bằng khen và giới thiệu xét tặng giải thưởng Ươm mầm tài năng đất Quảng do Báo Quảng Nam tổ chức. Liên hiệp hội còn đồng hành với các thành viên CLB Sáng tạo trẻ tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robodnic tại Đà Nẵng vào 8.2016 này. Với CLB Thiên văn học, Liên hiệp hội sẽ phối hợp với Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm kêu gọi nguồn lực xã hội hóa tạo quỹ để mua kính thiên văn phục vụ nghiên cứu, đam mê của giới trẻ tỉnh nhà.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN