"Sóng ngầm" thủy nội địa

SÁU CÒI 02/08/2016 12:52

1. Chiều cuối tháng 7, thuyền chở đầy khách từ bến Kiểm Lâm (Duy Xuyên) ngang qua sông Thu Bồn để tiếp cận bến Giao Thủy (Đại Lộc). Con đò chưa đến nỗi tròng trành, song không có ai mặc áo phao, cả người điều khiển phương tiện. Phía bờ Giao Thủy, một phương tiện khác xuất bến theo chiều ngược lại. Cảnh tượng không khác biệt, áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh treo trên thuyền… làm cảnh. Một chủ bến thủy nội địa Giao Thủy (bến này có 3 chủ), cho hay có nghe phong thanh rằng, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7, quy định hành khách không mặc áo phao sẽ bị xử phạt 100 -  200 nghìn đồng. “Thấy bóng dáng Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT), hay cảnh sát giao thông tỉnh hoặc huyện tại đây thì họ mới mặc. Nếu không, chúng tôi năn nỉ “rớt răng” mà khách đâu có hợp tác. Nhưng lực lượng chức năng đâu phải lúc nào cũng thường trực, nhất là Thanh tra Sở GTVT còn đi nhiều nơi khác” - ông này bộc bạch.

Người đi đò Giao Thủy - Kiểm Lâm không mặc áo phao.Ảnh: SÁU CÒI
Người đi đò Giao Thủy - Kiểm Lâm không mặc áo phao.Ảnh: SÁU CÒI

Theo chủ bến, vào mùa hè, lòng sông cạn và bị thu hẹp đáng kể nên nỗi lo vơi hơn. Còn mùa mưa, đường di chuyển trên sông nước sẽ khó lường, nếu không dùng thiết bị cứu sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn, một khi sự cố đáng tiếc xảy ra. Phương tiện từ Kiểm Lâm đã cập bờ Giao Thủy, đang đón khách để tiếp tục xuất bến. Nhìn thấy Sáu tôi ghi hình, lái thuyền lôi vội mấy áo phao, phát nhưng hành khách xua tay nên ông ta để trên yên xe máy của họ. “Ban ngành chức năng và địa phương phải tuyên truyền nhiều hơn nữa, đồng thời xử phạt răn đe theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì mới “lay chuyển” được ý thức của người tham gia giao thông. Cạnh đó, xử phạt thật nghiêm chủ bến, chủ phương tiện và người lái cứ để người dân đi đò không mặc áo phao. Câu chuyện này còn khó khăn hơn nhiều so với khi mới bắt đầu xử phạt đội mũ bảo hiểm” - một lái đò giãi bày.      

2. Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2, Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho hay, hai bến khách ngang sông Tam Hải -  Tam Quang (Núi Thành) và Trà Linh (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) cứ tiếp diễn bao tồn tại nhức nhối. Đội nhiều lần phát hiện, xử lý người vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động bến Tam Hải và có văn bản đề nghị UBND xã Tam Hải (đơn vị quản lý trực tiếp bến) có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đáng buồn, hành vi vi phạm cứ tái diễn. Vào ngày 12.7 vừa qua, đội kiểm tra đã phát hiện ông Lê Tấn Thấn (trú thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) sử dụng phương tiện thủy nội địa, BKS: QNa-0875, công suất 115CV chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật. Thanh tra Sở GTVT lập biên bản vi phạm hành chính và tạm đình chỉ hoạt động phương tiện trên. Còn tại bến Trà Linh, đội nhiều lần kiểm tra, phát hiện ông Phạm Văn Bích, ở tại thôn 2 (xã Hiệp Hòa) không có bằng thuyền trưởng và chứng chỉ chuyên môn vẫn vận chuyển khách sang sông. Điều đáng nói là phương tiện thủy nội địa, BKS: QNa-0904, công suất 15CV chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật. Thanh tra Sở GTVT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị UBND huyện Hiệp Đức, UBND xã Hiệp Hòa song sự việc đâu lại vào đó. Điều đáng lo ngại là tại bến sông Trà Linh có lưu vực và độ chảy dốc lớn, nước chảy xiết và thường xảy ra lũ ống khi có mưa dông, đe dọa độ an toàn của đò.

Sau lần lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hành vi tái phạm diễn ra vào ngày 4.7 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh trực tiếp ký văn bản gửi UBND huyện Hiệp Đức đề nghị quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo xã Hiệp Hòa tạm dừng hoạt động bến cho đến khi khắc phục xong vi phạm; khẩn trương bố trí phương tiện, người điều khiển đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định để sớm đưa bến vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Ông Lê Văn Sinh đề nghị UBND huyện Núi Thành chỉ đạo xã Tam Hải hoàn thành công tác kiểm định cho phương tiện QNa-0875. Nếu không, “sóng ngầm” đường thủy nội địa Trường Giang có độ sâu lớn sẽ “nổi lên”, đe dọa an toàn tính mạng của lưu lượng lớn hành khách qua lại.

SÁU CÒI

SÁU CÒI