Địa đạo Ngọc Mỹ
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) tự đào địa đạo để đánh giặc giữ làng. Và địa đạo ấy, giờ đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đại diện Chi ủy, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận thôn Ngọc Mỹ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.Ảnh: N.Đ.NGỌC |
Ngọc Mỹ là địa phương có truyền thống cách mạng, có lòng yêu nước nồng nàn. Truyền thống đó được người dân phát huy trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Thời kỳ này, Ngọc Mỹ có nhiều thanh niên không sợ hy sinh, gian khổ tích cực tham gia kháng chiến. Trước đó, người dân địa phương tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam. Những tấm gương trung liệt luôn được các thế hệ người làng Ngọc Mỹ nhắc đến bằng những câu ca: “Đỗ Phòng, Nguyễn Chánh, Trần Châu/ Nguyễn Mại, Đỗ Rạng dẫn đầu chỉ huy/ Kéo nhau lên phủ Tam Kỳ/ Đánh đuổi Pháp, Nhật cứu nguy sơn hà/ Làm cho cuộc sống dân ta/ Thoát vòng nô lệ thật là vinh quang/ Việt Nam độc lập hoàn toàn/ Bác Hồ lãnh đạo dân càng vững tin”.
Sau Hiệp định Genève - 1954, Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam với mưu toan chia cắt lâu dài đất nước ta. Và nhân dân ta lại bước vào chiến tranh giải phóng dân tộc đầy gian khổ hy sinh. Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, nhiều người bị địch giết hại dã man, nhưng với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời” người dân Ngọc Mỹ quyết tâm bám đất giữ làng, đào hầm bí mật, đào địa đạo để nuôi giấu, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng lãnh đạo nhân dân chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Ông Trần Duy Tung - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tam Kỳ - nguyên là Liên đội trưởng Thiếu niên giải phóng kiêm Liên đội trưởng Thiếu niên tiền phong thôn Ngọc Mỹ, nhớ lại: “Trong những năm tháng ấy, các xã vùng đông Tam Kỳ nói chung, thôn Ngọc Mỹ nói riêng, là địa bàn trọng yếu nên địch chiếm đóng, chốt giữ. Với phương châm “đốt sạch, giết sạch”, “thà bắn lầm còn hơn bỏ sót”, bọn chúng biến Ngọc Mỹ thành vùng trắng. Dẫu vậy, người dân Ngọc Mỹ vẫn không nao núng tinh thần, vận động hơn 230 thanh thiếu niên tham gia đào địa đạo, chỉ trong vòng một năm từ tháng 6.1965 đến 6.1966 cả thôn đã đào được 3 đoạn địa đạo với tổng chiều dài hơn 300m.
Đoàn viên thanh niên tham quan địa đạo. |
Địa đạo được đào dưới những bụi tre, dọc theo con đường mòn dẫn vào làng, đây là vị trí thuận lợi nhất bởi không chỉ tránh sự phát hiện của địch mà còn hạn chế sạt lở. “Công việc rất khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước, hàng trăm con em địa phương không ngại hy sinh gian khổ, ngày đêm hăng say đào địa đạo. Do tầng đất dễ bị lún sụt nên nhiều đoạn địa đạo phải dùng tre đan thành tấm phên để dựng hai bên thành địa đạo và phải đào theo hình chữ chi để địa đạo được vững chãi, đồng thời đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ, hạn chế thương vong khi địch phát hiện và dùng lựu đạn ném xuống” - Bà Trần Thị Hoàng - nguyên đội viên Đội thiếu niên giải phóng Ngọc Mỹ, người tham gia đào địa đạo cho biết. Địa đạo đã được hình thành, tạo nên sức mạnh giúp người dân Ngọc Mỹ chiến đấu ngoan cường, đánh bại âm mưu xâm lược của địch, giết và bắt sống được hàng trăm tên địch, thu giữ và làm hư hỏng nhiều vũ khí các loại. Riêng 2 năm (1965-1966), du kích xã Tam Phú phối hợp với du kích thôn Ngọc Mỹ đã đánh gần 10 trận lớn nhỏ, bắn chết 125 tên địch, trong đó có 1 tên ác ôn khét tiếng. Với thành tích đó, sau ngày nước nhà thống nhất, thôn Ngọc Mỹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 43 mẹ, công nhận 323 liệt sĩ và hàng chục người được công nhân là thương bệnh binh. Đặc biệt, cuối năm 1966, cán bộ và nhân dân thôn Ngọc Mỹ được Quân khu 5 tặng Huân chương Kháng chiến thành đồng hạng Nhì.
Để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, từ nguồn xã hội hóa, năm 2014 cán bộ và nhân dân thôn Ngọc Mỹ đã trùng tu được gần 80m địa đạo với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Xét quy mô và giá trị của địa đạo, UBND tỉnh ký Quyết định số 691/QĐ-UB ngày 18.2.2016 công nhận địa đạo Ngọc Mỹ (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Phát huy truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa của địa phương, sáng ngày 24.7, Chi ủy, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận thôn Ngọc Mỹ đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh và gặp mặt kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2016). Dịp này, cán bộ và nhân dân thôn Ngọc Mỹ nêu bật quyết tâm chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc, xây dựng thôn Ngọc Mỹ sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2018.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC