Ngược xuôi dọc chợ ven sông
Hai dòng sông lớn Thu Bồn và Vu Gia cùng những phụ lưu của chúng đã tạo nên một hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi giữa miền ngược và miền xuôi ở Quảng Nam. Dọc đôi bờ sông này, một hệ thống chợ đã được tạo dựng từ nhiều thế kỷ trước và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Hệ thống chợ này thu mua sản phẩm của miền ngược và đem đến sản phẩm dưới miền xuôi cho các thương lái/các lái (k’lai), là những người trực tiếp điều hành mạng lưới giao thương giữa người Cơ Tu và người Kinh, mà trước kia, là với thương nhân Chàm. Cho đến những năm cuối của thế kỷ trước, người miền Trung vẫn gọi nghề buôn này là “buôn Thượng”.
Bến Giằng, bến Hiên
Có hai trung tâm trao đổi chính ở miền ngược tọa lạc tại thượng nguồn của sông Vu Gia, đó là Bến Giằng (huyện Nam Giang) và Bến Hiên (huyện Đông Giang).
Người Cơ Tu ở vùng thấp, đặt biệt những làng tiếp giáp với đồng bằng, thường giao thương trực tiếp với thương lái người Kinh; và chính những làng Cơ Tu ở vùng thấp đã giữ vai trò trung chuyển hàng hóa đến những làng Cơ Tu ở vùng cao. Trong lịch sử, hệ thống trao đổi dựa theo địa hình từ thấp lên cao này, đã tạo nên một mạng lưới giao thương năng động và thường xuyên giữa miền xuôi và miền ngược, từ vùng đồng bằng của Quảng Nam lên đến tận miền Nam Lào.
Bãi Trầu - địa danh lưu lại đậm nét nơi giao thương giữa miền ngược và miền xuôi trên thượng nguồn sông Vu Gia. Ảnh: T.K.P |
Những làng Cơ Tu tọa lạc ở các vùng thấp hơn, nhất là gần Bến Hiên và Bến Giằng có được nhiều lợi thế trong việc trao đổi hàng hóa với thương lái người Kinh ở miền xuôi. Theo ông Ka Phú Thương (82 tuổi, thôn Bà Dồn, xã Ca Dy, huyện Nam Giang), vào khoảng đầu những năm 1950, người Cơ Tu ở vùng cao hơn thường xuống trao đổi hàng hóa với người Cơ Tu ở vùng thấp hơn, chứ người Cơ Tu ở vùng thấp hơn rất hiếm khi đi ngược lên để đổi hàng. Còn thương lái người Kinh thì không dám đi sâu vào các làng Cơ Tu vì sợ tục “săn máu”. Cho nên sách Phủ biên tạp lục có chép rằng, “Nguồn Ô Da [Vu Gia] không có lệ thuế, sản xuất vàng rất nhiều, nhưng đầu nguồn đường xa, nhiều ác man, người buôn chỉ lấy ở sông, không dám lấy ở núi”.
Vì thế, Bến Giằng và Bến Hiên là hai nơi trao đổi hàng hóa chủ yếu giữa người Cơ Tu và người Kinh ở trong vùng. Về giá cả trao đổi, cũng theo ông Ka Phú Thương, vào khoảng đầu những năm 1950, tại Bến Giằng, một cái ché mới có thể đổi bằng 20 gùi trầu, hoặc bằng 20 lít mật ong; còn một cái ché xưa thì phải đổi đến hai con trâu.
Bến Trầu
Cách Bến Giằng khoảng 30km trên sông Cái, thượng nguồn của sông Vu Gia, có một địa danh gọi là Bãi Trầu nay thuộc thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, đối diện với làng Hội Khách bên kia sông. Đây là một bãi cát lớn ven sông, trước kia là nơi trao đổi trầu và các loại lâm sản khác giữa người Cơ Tu và người Kinh. Ngày nay, ở đây vẫn còn một làng nhỏ gọi là Vạn Hữu Vinh, làng này trước đây đã tham gia tích cực vào việc trao đổi hàng hóa trên sông nước trong vùng. Ông Trần Lăng, sinh năm 1930, hiện sống tại đây cho biết thêm, trước năm 1945, gia đình ông vốn sinh sống bằng nghề chuyên chở hàng hóa trên sông Vu Gia cho đến Hội An bằng “ghe trường”, một loại ghe buồm nhỏ chạy trên sông. Ông Lăng cho biết trao đổi hàng hóa ở Bãi Trầu chủ yếu là những mặt hàng thông dụng, như mắm muối, chiếu, vải… để đổi lấy trầu (gọi là trầu nguồn), mật ong, vỏ cây chay (để ăn trầu)...; còn ché, chiêng, nồi đồng, mâm đồng thì người Cơ Tu thường phải xuống các chợ vùng trung du như Hà Tân, Hà Nha, Ái Nghĩa để mua hoặc đổi. Trước kia, trầu là mặt hàng có thị trường lớn, vì vậy trầu đã đem lại lợi nhuận rất cao trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi. Người Cơ Tu có thể đổi trầu để lấy trâu bò hoặc các mặt hàng cao cấp khác như ché, chiêng, nồi đồng, mâm đồng. Chính địa danh Bãi Trầu cũng đã phản ánh phần nào tầm quan trọng của mặt hàng này trong giao dịch thương mại.
Việc trao đổi hàng hóa tại nơi đây diễn ra quanh năm, trừ những lúc mưa to và lũ lụt vào các tháng Mười và Mười Một; mùa trao đổi nhộn nhịp nhất trong năm là từ cuối tháng Mười Hai đến tháng Ba, theo dương lịch. Đây cũng là thời gian sau những vụ mùa cho nên người Cơ Tu thường tổ chức đi lại, thăm viếng và trao đổi hàng hóa. Người Cơ Tu ở vùng thấp thường gùi hàng đi bộ xuống Bến Giằng, rồi từ Bến Giằng đi tiếp xuống Bãi Trầu để đổi hàng, từ Bến Giằng xuống Bãi Trầu mất khoảng một ngày. Tôi nhớ ông Ka Phú Thương nói rằng, “… vào mùa mưa hàng hóa thường đắt đỏ hơn mùa nắng, vì thương lái người Kinh chuyển hàng lên miền ngược khó khăn hơn; còn người Cơ Tu thì cũng ít đi rừng vì nguy hiểm hơn…”.
Cái ché lên nguồn
Sau chiến tranh, từ năm 1975, việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi đã được nối kết lại sinh động hơn. Hồi còn sống, già làng A Tùng Vẽ ở làng Gừng, thị trấn Prao, cho biết vào những năm 1980, ông thường đi đổi hàng ở chợ Hà Tân, huyện Đại Lộc, thường đi thành nhóm vài ba người, men theo suối, đoạn nào gặp sông, có ghe, thì xin đi theo ghe; từ làng của ông đi theo sông Kôn xuống đến chợ Hà Tân chỉ mất hai hoặc ba ngày. Vợ chồng ông Abing Lắm, sinh năm 1946, và bà Hốih Thị Aru, ở làng Pr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang (trước năm 2003 là huyện Hiên, tiếp giáp vùng biên giới Việt - Lào) thì cho biết, vào khoảng những năm đầu 1980, họ thường cùng bà con trong làng, gùi lâm thổ sản xuống chợ Hà Tân, cả đi lẫn về mất hết hai tuần lễ, để đổi ché, chiêng, mắm muối và các vật dụng cần thiết; vào thời kỳ đó chưa có đường lớn nên phải đi ven suối qua nhiều làng Cơ Tu khác nhau để xuống tới đồng bằng.
Việc trao đổi hàng hóa giữa người Cơ Tu ở vùng thấp và Cơ Tu vùng cao, theo bà Aru, trước đây, khoảng những năm 1980, người Cơ Tu bên Lào thường xuống đổi hàng ở làng Pr’ning chứ người Cơ Tu ở vùng thấp ít khi đi ngược lên vùng cao để đổi hàng. Hàng hóa bên Lào mang xuống để đổi chủ yếu là vải dệt thổ cẩm (azuông), vì người Cơ Tu bên Lào rất giỏi nghề dệt. Vì “azuông” cũng được xem là tài sản cho nên họ có thể đổi nó để lấy ché, chiêng và các sản phẩm cao cấp khác mà người Cơ Tu ở vùng thấp hơn mua về từ miền xuôi.
Vì ché là mặt hàng cao cấp, cho nên muốn trao đổi ché, thông thường phải qua người trung gian. Họ là những người có thể giao tiếp bằng tiếng Cơ Tu hoặc tiếng Kinh. Người Cơ Tu gọi người trung gian là “ador lướt dal” nghĩa là người đi bán hàng. Người trung gian có thể là người Kinh hoặc là người Cơ Tu. Người Cơ Tu ở vùng cao thường phải xuống các làng Cơ Tu ở vùng thấp hơn để tìm mua ché; còn người Cơ Tu ở vùng thấp, nhất là những làng tiếp giáp với đồng bằng thì họ xuống trực tiếp các chợ lớn ở vùng trung du như Hà Tân, Hà Nha, Ái Nghĩa, Túy Loan, để mua ché. Mỗi gia đình Cơ Tu đều có nhu cầu sưu tập nhiều ché, cho nên, họ có những mối buôn bán thân quen riêng được xem như bạn bè/anh em (di nor/pr’di nor) để thường xuyên trao đổi sản vật này. Vào giữa những năm 1950, có một vài thương lái lớn, nổi tiếng trong vùng, vì giữ được mối quan hệ mật thiết với người Cơ Tu, họ được người Cơ Tu tôn xưng một cách kính trọng là “cha” hay “bác”, như, cha Lạc, cha Bốn ở chợ Ái Nghĩa; cha Sương, cha Lâu, cha Trường ở chợ Hà Tân và Hà Nha; bác Đề ở chợ Túy Loan, những thương lái này, ngày nay, vẫn còn được nhắc đến một cách kính phục bởi những già làng Cơ Tu.
“Nền thương mại quốc tế”
Trong lịch sử, hệ thống trao đổi hàng hóa ở xứ Quảng đã được hình thành và phát triển liên tục từ thời tiền sử khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN; sau đó nó được củng cố bởi các vương triều Chăm-pa, trong suốt nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15; cho đến sau này, vào các thế kỷ 16 - 18, là thời hoàng kim của cảng - thị Hội An dưới thời các chúa Nguyễn.
Hệ thống giao thương giữa miền ngược và miền xuôi đã tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng cho miền Trung suốt nhiều thế kỷ kinh qua những vương triều khác nhau được thiết lập ở vùng duyên hải, từ [các] vương quốc Chăm-pa cho tới xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Đối với người Cơ Tu, cái ché là một “phẩm vật uy tín”, vì vậy, nó đã tạo nên một thị trường lớn và thường xuyên; và là mặt hàng có giá trị cao, cho nên ché đã mang lại lợi nhuận lớn cho thị trường trao đổi này của cư dân bản địa. Vào thế kỷ 17 - 18, gốm sứ được đề cập trong sử liệu là một trong những mặt hàng chính yếu được nhập khẩu từ vùng Hoa Nam vào thị trường xứ Quảng qua phố - cảng Hội An. Sách Phủ biên tạp lục chép rằng, “Các thứ hàng từ Trung Quốc… bán đi chạy lắm, hàng bán nhiều lời, không có ế đọng. Hàng mang đến thì sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ, đồ sành cùng nhau đổi chác, không ai là không thỏa được sở thích”.
Nhờ vậy, chính cư dân miền Trung, cả miền ngược lẫn miền xuôi, đã điều hành một mạng lưới giao thương rộng khắp, đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia vào con đường hải thương quốc tế trên biển Đông, như James Scott, một nhà lịch sử về các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa từng nhận định: “...Thật ra, cư dân vùng biên [miền ngược] đã luôn luôn liên kết một cách bền vững mang tính kinh tế đến miền xuôi và đến thương trường thế giới. Trong vài trường hợp, họ đã xuất hiện để cung cấp hầu hết những mặt hàng giá trị cho nền thương mại quốc tế”.
Ký của TRẦN KỲ PHƯƠNG