Đội "xe ôm tóc dài" trên đảo
Lượng khách đến Cù Lao Chàm tăng cao trong những năm gần đây đã thúc đẩy nhiều loại hình dịch vụ du khách trên đảo phát triển. Và dù mới hình thành nhưng đội “xe ôm tóc dài” đã đáp ứng nhu cầu đi lại và tạo ấn tượng tốt đẹp với nhiều du khách.
Một số thành viên trong đội “xe ôm” tự quản. Ảnh: Q.H |
Tâm tình của Phụng
Sau những ngày biển động, Cù Lao Chàm hiện ra vẻ nguyên sơ trong buổi sớm sương tan. Phụng cài lại số rồi tăng ga cho chiếc xe máy trèo quãng dốc từ Bãi Làng lên tuyến đường quốc phòng nằm vắt ngang hòn Lao xanh lá. Chị dìu chiếc xe máy ôm cua rất “ngọt”, vượt qua đoạn đường quanh co giữa những vách đá với vực biển rồi thả dốc xuôi vào Bãi Hương mát rượi dưới những tán dừa. Ngồi sau, thấy khả năng điều khiển xe leo núi của Phụng khá tự tin nên tôi tò mò hỏi thì mới biết chị tên là Nguyễn Thị Phụng, dân Bãi Làng. Giọng nói của chị nghe ra thật thà, pha một chút phát âm rõ chữ nên dễ nghe hơn so với giọng của người địa phương: “Em đi xe cách đây 7 năm rồi, nhiều cái vui lắm, nhiều cái cũng buồn. Nhiều du khách lần đầu tiên đến đây chưa biết chi nên họ cũng sợ; mình nói anh chị cứ an tâm, khỏi lo vì dân trên đảo người ta thật thà lắm!”.
Chị Phụng kể, 7 năm trước, thấy chị là phụ nữ đầu tiên trên đảo nhập đội “xe ôm”, bà con hay nói tới nói lui vì… lạ. Chị bảo thường thôi, chở khách đi tham quan trên đảo kiếm thêm vài đồng nuôi con chứ có chi mà sợ. Mưu sinh chính đáng thì làm, du khách ra đảo có nhu cầu thăm thú thì đâu chỉ đàn ông mới có thể chở họ đi được. Mỗi lần đi xe, dù lên thôn Bãi Ông, xuống thôn Bãi Hương hay đi quanh đảo Phụng đều trao đổi thẳng với du khách rằng chị chở đi đúng nơi, đúng điểm, du khách vừa lòng thì về mới gửi tiền. Có dạo, do không nhớ đường, khách yêu cầu chị chở xuống Bãi Xếp, đi gần đến thì khách sực nhớ là Bãi Ông nên chị phải quay ngược trở lại. Khách thấy xa nên gửi chị 100 nghìn đồng, chị bảo, dù đường xa nhưng tính từ nơi xuất phát là cảng cá lên thì chỉ lấy 20 nghìn đồng thôi. Vị khách này cảm kích trước sự chân tình của Phụng nên đã bày tỏ sự cảm ơn của mình với chính quyền địa phương. “Nói chung đi xe hồi nào tới giờ chưa bao giờ khách phàn nàn và khách yêu cầu thì mình nhiệt tình thêm một tí. Hồi trước sống bằng nghề biển, chồng đi biển vợ ở nhà thì không đủ, từ khi du lịch phát triển đến bây giờ mình làm thêm cũng đỡ. Nếu không có du lịch thì ở đây mình không nuôi con nổi” - chị Phụng tâm sự
Cùng với Phụng, đội “xe ôm” du lịch trên đảo hiện có hàng chục người, riêng đội “xe ôm tóc dài” mỗi ngày một đông thêm. Ban đầu chỉ có Phụng nhưng 2 năm trở lại đây, đã có thêm 15 “bóng hồng”, chuyên phục vụ nhu cầu đi lại của du khách mỗi khi đặt chân lên đảo. Những người như chị Trần Thị Hiền, Nguyễn Thị Thanh Lan, Ngô Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Thu Huệ, Dương Thị Kim Hồng hay Huỳnh Thị Hạnh… giờ đã “quen mặt” với bà con và cả những du khách bởi chiếc áo đồng phục màu xanh, xe máy dán bảng số của đội.
Hoạt động quy củ
Sinh năm 1988, Huỳnh Thị Hạnh có lẽ là người trẻ nhất trong đội “xe ôm tóc dài”. Chị cho biết, mỗi ngày một thành viên trong đội kiếm được từ 1 đến 2 “cuốc”. Nếu chở quanh làng chài gồm 7 điểm (giếng cổ, âu thuyền, sân bay trực thăng, chùa cổ, bãi ngô đồng, làng chài, về lại khu bảo tồn biển) thì giá 100 nghìn đồng. Bảng giá được quy định cụ thể, đi từ cảng cá lên Bãi Ông 20 nghìn, xuống Bãi Chồng 50 nghìn, Bãi Hương 70 nghìn đồng/chuyến. Hạnh nói: “Trước đây, hầu hết chị em đều làm nhân viên phục vụ trong các nhà hàng hay sơ chế hải sản, làm cả ngày mới về. Bây giờ chuyển sang “xe ôm”, chỉ đi từ 8 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều là có thể thu nhập được trên 100 nghìn đồng, có ngày 200 nghìn đồng, thời gian còn lại chăm sóc con cái, gia đình”.
Để quản lý và hỗ trợ đội “xe ôm” hoạt động có quy củ, nền nếp, UBND xã Tân Hiệp phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng các cơ quan chuyên ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa và giá trị sinh quyển cho các thành viên. Nhiều người làm nghề “xe ôm”, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn viên và học sinh ở 4 thôn tại xã đảo cũng thường xuyên được tham gia các lớp học tiếng Anh do Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức, trong đó chú trọng kiến thức giao tiếp, các câu đàm thoại thông thường và thực tế công việc của mỗi người. “Tôi được một nữ “xe ôm” chở đi thăm thôn Bãi Hương, chị này có kiến thức về bảo vệ môi trường lắm, cả về các rạn san hô và cứu hộ trên biển nữa. Thật thú vị!” - ông Trần Thanh Tiến (du khách Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm) cho biết.
Trong những ngày đầu mới vào đội “xe ôm”, hầu hết thành viên đều không biết giao tiếp bằng tiếng Anh. Khi chở du khách nước ngoài, nhiều chị bí quá phải điện nhờ chị Hương (trước đây công tác ở lĩnh vực du lịch, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp) nói giúp. Bây giờ mỗi người phải tự học mỗi ngày để giao tiếp với du khách. “Cù Lao Chàm hiện có đội xe ôm tự quản không chỉ nam giới mà cả nữ giới. Việc này là mưu sinh trên đảo, chị em tham gia có nguồn thu nhập nhất định và giải quyết được việc làm. Du khách đến đây muốn có dịch vụ hướng dẫn viên thì các chị “xe ôm” sẽ tham gia. Họ được tập huấn rất kỹ càng, vừa có chứng chỉ “xe ôm” và hướng dẫn tại điểm du lịch” - bà Phạm Thị Mỹ Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp nói.
QUỐC HẢI