Lặng lẽ chăm sóc mộ phần...
(QNO) - Thượng tuần tháng 7, dòng người đổ về viếng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ. Giữa những tấp nập, yên ả thường ngày, vẫn thấy ông - người cựu binh già lặng lẽ tìm kiếm, săn sóc mộ phần, anh linh đồng đội cũ…
Người cựu binh già Phan Thanh Dũng (xã Đại Thạnh) mấy chục năm ròng rã, kể từ ngày trở về từ chiến trường vẫn sát cánh bên đồng đội cũ. Đồng đội ông - những người mặc áo lính ra trận tuổi đôi mươi, người mất kẻ còn, nhưng số trở về từ chiến trường chẳng thể nhiều bằng con số đã vĩnh viễn nằm lại đất mẹ.
Ông Phan Thanh Dũng sau một ngày vất vả tham gia đưa các hài cốt liệt sĩ về bên đồng đội. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Sau giải phóng, ở cương vị Phó Chủ tịch xã Đại Thạnh, rồi Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã, công việc dẫu bận rộn đến mấy nhưng hễ nhận được tin gì về mộ liệt sĩ hay có đồng đội cũ, thân nhân liệt sĩ từ Bắc vào Nam tìm mộ là ông hăng hái băng rừng, lội suối, trèo đèo dẫn đường. Vốn là giao liên của D1, Mặt trận 44 Quảng Đà, ông thuộc nhiều ngõ ngách rừng, thuộc nhiều vị trí đóng quân của các đơn vị như lòng bàn tay. Nhiều ngày lặn lội, ký ức ông thỉnh thoảng lại hiện lên bếp Hoàng Cầm, hầm hào, bệnh viện dã chiến, nghĩa trang dã chiến, lán trại nơi bộ đội đóng quân xưa kia giữa chốn rừng sâu thâm u. Ví như, Bệnh viện Y 10, Bệnh viện B2 của Đại Lộc… Nhờ nắm địa hình, nên sau ngày giải phóng, ông đã tích cực giúp đỡ địa phương trong việc tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang và cả hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được địa phương tạo điều kiện để thân nhân liệt sĩ đưa về quê tận miền Bắc an táng.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh được xây dựng từ năm 1985, đến nay đã có gần 320 hài cốt liệt sĩ được quy tập vào đây, trong đó hơn một nửa là liệt sĩ vô danh từ miền Bắc. Từ ngày hưu trí đến nay, ông càng có thời gian, điều kiện để gần đồng đội hơn khi đảm nhận luôn công việc quản trang. “Còn sống ngày nào, phải vì đồng đội ngày ấy, làm không kể công, để người đời tự biết thôi” - ông tự nhủ. |
Một chiều tháng 7, người cựu binh già ngồi trầm ngâm sau những ngày vất vả băng rừng, vượt núi cùng với chính quyền địa phương quy tập 4 hài cốt liệt sĩ từ đồi Dốc Gió A, Khe Hoa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh. Từ việc bốc mộ, cõng hài cốt đồng đội trên vai đưa ra khỏi rừng sâu, kể cả giây phút tiễn đưa hài cốt đồng đội về trở lại đất mẹ lần cuối, ông đều dự phần. Mồ hôi còn thấm đẫm vai áo, ông nói đau xót: “Trong số 4 hài cốt liệt sĩ lần này, có một nữ bởi còn sót lại một cái vòng tay. Có lẽ, cô đã hy sinh ở cái giai đoạn đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người. Nhưng đau xót hơn là hình hài cô không vẹn nguyên do đất đá xói lở, rửa trôi, khu vực này người dân thường đưa trâu kéo thơm ra khỏi rừng”.
Kinh nghiệm những ngày giao liên ở chiến trường mách bảo ông, khu vực tìm kiếm các liệt sĩ này vốn là địa bàn đóng quân của E38, Bộ Quốc phòng xưa kia. Và một nỗi xót xa trào dâng trong lòng ông là cả 4 liệt sĩ không ai còn sót lại một dòng tên tuổi, quê quán. Thế là dòng chữ “Vô danh” lại được gắn lên các mộ phần mới này, cũng như bao người khoác áo lính ra trận mà chính ông biết vị trí, đơn vị đóng quân nhưng ngặt nỗi không thể nào xác định được tên tuổi. Bởi lẽ, bụi mờ thời gian, sự khắt nghiệt của thiên nhiên, sự khốc liệt của chiến trường ngày ấy đã xóa đi tất cả dấu vết.
Nơi nghĩa trang này, những ngôi mộ vô danh càng nhiều lên theo thời gian. Họ là những người con miền Bắc ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông biết rõ quy luật của chiến trường, giữa những thời khắc giao tranh khốc liệt, sự sống - cái chết chỉ trong nháy mắt, lớp người trước ngã xuống, lớp sau tiến bước, có khi nấm mồ đồng đội được chôn cất vội để kịp hành quân, kịp rút đi khi địch tiến quân làm chủ trận địa. Có những người lính cuối cùng của đơn vị, hy sinh mang theo cả những bí mật về sơ đồ, vị trí chôn cất đồng đội của đơn vị. Nơi hậu phương, người mẹ già ngày đêm ngóng con, mà có lẽ đã khóc cạn nước mắt từ bao giờ bởi những đứa con cứ ra đi biền biệt mà không một dòng tin tức. Nơi chiến trường Đại Lộc ác liệt, biết bao người nằm xuống những ngày giao tranh một mất một còn.
Nghĩa tình với đồng đội, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh. HOÀNG LIÊN |
Mới tuần trước thôi, người đàn ông với đôi vai gầy khẳng khiu này đã cõng một mạch 2 hài cốt đồng đội mình trên vai, vượt rừng sâu để đồng đội từ nay sớm hôm được hương khói nơi nghĩa trang này. Dường như, có một sức mạnh lớn, sức mạnh của tình người, tình đồng đội đã thôi thúc ông. Nỗi đau đáu dấy lên khi đồng đội mình vẫn còn đang nằm lại ở bìa rừng, khe suối, vực thẳm, đỉnh đồi, nơi những nghĩa trang dã chiến đã bị san phẳng, xóa nhòa dấu vết.
Ông Dũng tham gia làm giao liên từ năm 1969, bị thương năm 1971, được điều trị trở lại chiến trường, rồi lại bị thương năm 1973, được đơn vị đưa đi Hà Nội an dưỡng, rồi đưa đi Trung Quốc điều trị mãi tới khi giải phóng. Ngần ấy năm biệt tăm tích, gia đình và người thân đã ngỡ ông hy sinh rồi, bèn lập di ảnh để thờ. Ngày ông trở về quê, ai nấy lặng người, niềm vui, nỗi chua xót xen lẫn. Ông luôn cho rằng, mình vẫn là những người may mắn trở về từ cuộc chiến. Vậy nên, ông chẳng nề hà bất cứ việc gì khi được làm cho đồng đội, nghĩa tử là nghĩa tận. Hàng trăm hài cốt liệt sĩ từ chiến trường đã đoàn tụ cùng người thân kể từ sau giải phóng, có phần rất lớn công sức của ông. |
Bao năm rồi, ông vẫn nhớ như in kỷ niệm đau xót về cái đợt quy tập mộ liệt sĩ Thân Văn Thọ, quê Việt Yên, Bắc Giang. Khi đã xác định được vị trí mộ, ông và thân nhân liệt sĩ, đồng đội cũ còn sống “hành quân” trong rừng mất cả ngày trời, rồi mất cả ngày loay hoay đào bới, bốc mộ để đưa về. Nhưng cũng lúc này ông nhận được tin lũ tràn về từ thường nguồn, vậy là cả đoàn không còn cách nào khác, đành phải dựng tạm một túp lều nhỏ để che chắn mộ, rồi phải lập tức xẻ rừng mà đi để tránh lũ quét và nước dâng cao từ các khe suối. Về tới nhà ông thì lũ cùng vừa tràn vào, thế là lương thực chỉ đủ cho đoàn cầm cự qua mấy ngày. Lũ rút, cả đoàn lại hì hục vào rừng, đưa hài cốt liệt sĩ về mà ai nấy ngậm ngùi, rơi nước mắt. Ông kể, nếu vị trí nơi đóng quân của bộ đội năm xưa, những công sự, hầm hào, bếp Hoàng Cầm… còn dấu vết ở những cánh rừng sâu mà được biết đến, được tôn tạo sẽ là những “địa chỉ đỏ” có vai trò rất lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng nơi thế hệ trẻ. “Tôi sẵn sàng dẫn đi nếu ai muốn tới đó, chỉ sợ không có sức vóc để leo núi vượt rừng thôi” - ông nói.
Người lính già trở về từ cuộc chiến như ông vẫn giữ vẹn nguyên ký ức hào hùng về một thời trẻ tuổi, về những con người gan góc sẵn sàng lao mình vào khói lửa, đạn bom để đất nước có ngày nở hoa. Và ông xem việc săn sóc mộ phần, nhan khói sớm hôm nơi nghĩa trang này là chút nghĩa tình sau cuối với người đã nằm xuống.
TRIÊU NHAN - PHAN VINH