Vai trò của già làng, trưởng bản

ALĂNG NGƯỚC 26/07/2016 09:48

Vai trò và vị thế của già làng, trưởng bản được phát huy đã trở thành cầu nối giúp chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao.

“Quan tòa” của làng

Xác định vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng cao, những năm qua huyện Đông Giang tích cực phát huy “tiếng nói” của già làng trong cộng đồng và xem đó là cơ hội để địa phương chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Khi vai trò của các già làng được phát huy, tinh thần cố kết cộng đồng vùng cao thêm phần được thắt chặt, giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Được biết đến với cái tên “già làng trẻ tuổi”, ông Bh’riu Nga, người có uy tín ở thôn Aliêng (xã A Ting, Đông Giang) không chỉ là tấm gương vượt khó trong lao động sản xuất, nghệ nhân điêu khắc tài hoa, mà còn là “quan tòa” của làng. Tiếng nói của ông ngày càng có trọng lượng trong đời sống của đồng bào, trong mọi công việc chung của dân làng.  Vì thế, nhiều năm trở lại đây, ông luôn là một trong những “hòa giải viên” tích cực của xã A Ting, giúp địa phương trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ, giáo dục con cháu. Ông Nga tâm sự, năm 2009 tại thôn Aliêng xảy ra nhiều biến cố, chính ông đã trực tiếp giải thích và vận động đồng bào không nghe về “cái chết xấu”. Sau đó, ông được địa phương chỉ định làm trưởng thôn, rồi được dân làng bầu làm già làng khi mới bước sang tuổi 47. Dù còn khá trẻ nhưng già làng Nga vẫn phát huy hết vai trò của mình, giúp đồng bào địa phương ổn định cuộc sống, xây dựng thôn bản văn hóa ở vùng cao. “Muốn tiếng nói của mình luôn được đồng bào nghe, trước hết phải nghe tiếng nói của đồng bào. Chỉ khi mình thấu hiểu được nỗi niềm của họ thì việc giải quyết sẽ mở thêm cơ hội suôn sẻ. Người vùng cao rất ít mâu thuẫn, va chạm, vì thế nếu không hiểu được tâm tư của họ, tính cách của họ thì rất khó giải quyết vấn đề. Mình nói, mình làm, mình lắng nghe dân làng. Việc đầu tiên của người có uy tín chính là phải uy tín với bản thân mình trước” - già làng Bh’riu Nga bộc bạch.

Các già làng với lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các già làng với lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khác với già làng Nga, các cụ cao niên ở xã Arooih giải quyết các vấn đề trong làng chỉ bằng… câu lý truyền thống. Khi trong làng có mâu thuẫn xảy ra, bất kể thời điểm nào các thành viên của câu lạc bộ nói lý - hát lý của xã cũng đều có mặt, cùng tìm hướng giải quyết. Ông Hốih G’ong - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nói lý - hát lý xã Arooih tâm sự, đã có hàng chục vụ việc xảy ra tại địa phương được các ông giải quyết bằng lý. Bởi khi câu hát lý được cất lên, đồng nghĩa với việc mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng câu chuyện của làng, bằng nghệ thuật “ăn nói” của các bậc cao niên, khiến đối phương phải “mềm lòng”. Đó cũng chính là cái hay, cái độc đáo ẩn chứa trong nói lý - hát lý của đồng bào Cơ Tu. “Năm ngoái, cũng bằng nghệ thuật nói lý hát lý, các già làng đã vận động được rất nhiều hộ dân cùng hiến đất cho địa phương thực hiện các công trình phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - ông G’ong chia sẻ.

Khẳng định vai trò

Đại tá Nguyễn Đình Hùng - Trưởng Công an huyện Đông Giang, cho hay, thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao, Công an huyện đã kịp thời tuyên truyền những chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo và phòng chống tội phạm trên địa bàn. Để công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả, lãnh đạo Công an huyện đã linh hoạt cử các cán bộ, chiến sĩ công an là người Cơ Tu phụ trách địa bàn, xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, nhờ vậy, góp phần giữ gìn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đời sống của đồng bào địa phương. “Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi cũng phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đặc biệt, là trong việc giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi trong cộng đồng dân cư, vận động đồng bào chấp hành tốt luật lệ an toàn giao thông” - Đại tá Nguyễn Đình Hùng cho biết thêm.

Tại buổi gặp mặt các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số mới đây, ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, đánh giá rất cao những đóng góp của các già làng, người có uy tín trong đời sống của đồng bào địa phương, đảm bảo theo tinh thần Chỉ thị 06 và Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hươm cho biết, những năm qua địa phương rất quan tâm và luôn phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng đến với đồng bào, cũng như tạo điều kiện giúp địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu. “Sự quyết tâm, nỗ lực của các già làng, người có uy tín trong thời gian qua một lần nữa khẳng định vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động, trở thành câu nối thiết thực trong việc truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. Điều đó cũng tiếp tục được khẳng định thông qua kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới,  trong công tác bảo tồn văn hóa và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện” - ông Hươm nói.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC