Đánh thức Kỳ Anh
Một đề án với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng đã được TP.Tam Kỳ đề xuất triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ tại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh (gọi tắt là Di tích địa đạo Kỳ Anh; xã Tam Thăng, Tam Kỳ) nhằm biến nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn phía nam của tỉnh.
Trong lòng địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: V.LỘC |
Ưu tiên hạ tầng, dịch vụ
Theo dự thảo của UBND TP.Tam Kỳ về thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích địa đạo Kỳ Anh (đang được gửi lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành trong tỉnh), từ nay đến năm 2020 sẽ có 6 hạng mục công trình chính tại khu di tích được đề xuất đầu tư tôn tạo gồm: địa đạo Thạch Tân; đình Thạch Tân; các quần cư di tích địa đạo Thạch Tân; các quần cư di tích cơ sở cách mạng Vĩnh Bình; khu bảo tồn sinh thái Bãi Sậy - Sông Đầm; đường giao thông hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể, sẽ trùng tu lòng địa đạo với tổng chiều dài 1.200m, phạm vi chiều ngang khoảng 5m; tái tạo hệ thống cảnh quan phía trên địa đạo, các cửa hầm, lối vào tham quan cho khách; phục chế đình Thạch Tân, hầm cứu thương; tái tạo cảnh quan khuôn viên đình; xây mới nhà trưng bày, đón tiếp; bãi đổ xe…. Riêng khu bảo tồn sinh thái Bãi Sậy - Sông Đầm, dự án sẽ phục hồi nhóm thực vật thân đốt (tre, trúc, hóp); nhóm hoa màu, lúa; nhóm lau sậy, thủy trúc, thực vật thủy sinh; nhóm thực vật ngập nước thân gỗ; thảm thực vật mới. Đồng thời xây dựng nhà đón tiếp, nhà trưng bày, bãi đổ xe, sân tập trung, đường tham quan, bến thuyền, sàn ngắm cảnh, công trình hạ tầng, giao thông nội bộ, cảnh quan nền… Tổng mức đầu tư các hạng mục khoảng 63,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu 45 tỷ đồng, ngân sách thành phố 18,5 tỷ đồng).
Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu xây dựng từ tháng 5.1965, đến đầu năm 1968 cơ bản hoàn thành (một số đoạn đến năm 1969 mới đào xong). Địa đạo có chiều dài gần 32km; lòng địa đạo rộng từ 0,8m - 1m, cao từ 1,2m - 1,5m và cứ khoảng 10m có một lỗ thông hơi. Cấu trúc địa đạo khá phức tạp, chạy quanh co uốn khúc với nhiều ngõ ngách, men dưới các lùm cây, xuyên qua nhà dân, giếng nước, gian bếp, trải khắp thôn xóm trong xã, tập trung nhiều nhất ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình. Năm 1997 địa đạo Kỳ Anh được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. |
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, do các hạng mục đầu tư trước đây chủ yếu theo hướng bảo tồn di tích không phục vụ du lịch nên chưa phù hợp với nhu cầu tham quan của du khách. Dự kiến, đầu tháng 8.2016 thành phố sẽ tập trung khởi công 7 hạng mục hạ tầng thiết yếu như mở rộng, chỉnh trang đường vào khu di tích; cải tạo nhà đón tiếp; cải tạo sân vườn phía trước đình Thạch Tân; bố trí hệ thống thông hơi, điện chiếu sáng tại địa đạo; lát gạch bê tông màu đất, phát quang bụi rậm đường vào hầm chỉ huy; bố trí biển chỉ dẫn…, kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, phấn đấu hoàn thành để đưa vào đón khách trong dịp festival di sản Quảng Nam năm 2017. “Khó nhất của du lịch địa đạo Kỳ Anh thời gian qua là công tác quảng bá, nên hiện thành phố tập trung để làm chuyện này. Thứ hai, vì đây là di tích quốc gia nên không thể tác động nhiều (vướng Luật Di sản). Ngoài ra, do khó về nguồn vốn nên từ khi công nhận di tích đến nay chúng ta không đầu tư nhiều vào đây, kể cả ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh. Vì vậy, năm nay sẽ quyết tâm đầu tư để ít nhất có điểm đến cho du khách. Trước mắt, là đầu tư hạ tầng sau đó mới tính đến các sản phẩm du lịch phục vụ cho hoạt động của du khách” - ông Ảnh nói.
Điểm nhấn phía nam
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, khu Di tích địa đạo Kỳ Anh có ý nghĩa khá quan trọng trong quá trình xây dựng tour tuyến tham quan phía nam của tỉnh, nhất là trong kết nối với quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và các điểm khác nhằm tạo nên tour du lịch khép kín. Do đó, việc đầu tư các hạng mục về hạ tầng, dịch vụ là hết sức cần thiết. Đồng thời việc xây dựng sản phẩm lưu niệm gắn với các làng nghề nơi đây cũng cần được tính tới, nhằm không chỉ tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn tạo sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân. “Thành phố cũng phải thành lập ngay ban quản lý du lịch địa đạo kết hợp với cộng đồng để quảng bá và kết nối doanh nghiệp du lịch, hướng tới tạo nguồn thu từ hoạt động bán vé tham quan và hàng lưu niệm sau này” - ông Hài góp ý.
Trong buổi khảo sát Di tích địa đạo Kỳ Anh và làm việc với TP.Tam Kỳ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh khẳng định, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại Kỳ Anh không chỉ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, mà đây cũng là công việc nằm trong chiến lược phát triển du lịch Tam Kỳ nói riêng và du lịch phía nam của tỉnh nói chung. Vì thế, việc hoàn thiện hạ tầng, phát triển sản phẩm cần được xem xét kỹ lưỡng, chi tiết từ cải tạo lối đi, đường xuống địa đạo, bố trí tượng sáp tại hầm chỉ huy đến xây dựng sản phẩm từ nghề dệt chiếu… Tất cả phải được nghiên cứu, tư vấn để không tác động, ảnh hưởng tới di tích gốc nhưng vẫn mang đến cho du khách sự cảm nhận về các giá trị nổi bật của địa đạo. “Nên xây dựng bộ phim giới thiệu về lịch sử hình thành địa đạo Kỳ Anh và các di tích liên quan để chiếu cho khách tham quan, giúp khách cảm nhận được sự gian khổ, gan dạ của người dân trong chiến tranh. Hướng đến xây dựng Di tích địa đạo Kỳ Anh trở thành một trong những điểm nhấn du lịch phía nam của tỉnh thời gian đến” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
VĨNH LỘC