Ứng dụng nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp huyện
(QNO) - Ngày 25.7, tại Nông Sơn, Sở Khoa học công nghệ tổ chức hội nghị “Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện”, thu hút sự tham dự của đội ngũ cán bộ phụ trách KH&CN của 18 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. H.L |
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, năm 2015, các địa phương trên địa bàn Quảng Nam đã triển khai 38 nhiệm vụ KH&CN cấp huyện, thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã có sự gắn kết với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần hỗ trợ trong việc xây dựng một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại địa phương. Nhiều đề tài có tính khả thi và có khả năng nhân rộng như: “Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng không chủ động nước vụ hè thu trên địa bàn 2 xã nông thôn mới huyện Hiệp Đức”, “Xây dựng mô hình nuôi ghép các loại thủy sản nước ngọt theo hướng sinh thái, tiết kiệm chi phí thức ăn tại các xã vùng cao” của huyện Nam Giang, “Thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn trên địa bàn huyện Thăng Bình”, “Xây dựng mô hình và sơ chế cây mật nhân trên địa bàn huyện” ở Đông Giang…
Những năm qua, hoạt động xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Một số địa phương đã bố trí lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để đủ nguồn lực thực hiện một số đề tài có nội dung và quy mô tương đối lớn, tác động rõ nét đến sản xuất như Núi Thành, Tam Kỳ, Hiệp Đức...
Năm 2015, Quảng Nam có 5/7 nhiệm vụ KH&CN được hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Các nhiệm vụ đang được triển khai thực hiện, điển hình như các đề tài “Xây dựng mô hình vườn sinh thái nông lâm kết hợp tại xã miền núi Tam Trà, huyện Núi Thành”, “Nghiên cứu sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp hữu tính tại huyện Nam Trà My”…
Xây dựng vườn ươm giống cải thiện chất lượng bưởi trụ Đại Bình. Ảnh: H.L |
Trong năm 2016, các đề tài KH&CN cấp huyện, thị xã, thành phố tập trung vào các tiến bộ phục vụ sản xuất như: "Xây dựng mô hình thí điểm nuôi bò khép kín trên địa bàn huyện Nông Sơn", "Xây dựng mô hình trồng và chăm sóc cây bản địa (ngô Li’oon, lúa Xươn, nếp Prong) tại xã A Xan, huyện Tây Giang"… Bên cạnh đó còn có một số nhiệm vụ liên quan đến việc bảo tồn giống cây bản địa, cây dược liệu cũng như việc ứng dụng các nhiệm vụ KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Căn cứ vào tình hình thực tiễn từ các địa phương, năm 2016, Sở Khoa học công nghệ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ cấp tỉnh khác.
Bên cạnh thành quả đạt được, theo đánh giá chung, hoạt động KH&CN cấp huyện còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: công tác quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện tại một số nơi còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên trách, đội ngũ cán bộ liên tục thay đổi, dẫn tới hiệu quả không cao. Nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN hằng năm do tỉnh bố trí cho các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, do đó, các địa phương cần có sự bố trí lồng ghép các nguồn khác của địa phương để triển khai hiệu quả các đề tài KH&CN, bố trí kinh phí nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống...
HOÀNG LIÊN