Tri ân và trách nhiệm
Càng gần đến ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân... có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với người có công - thân nhân người có công cách mạng. Đó là tấm lòng, xuất phát từ sự tri ân để sẻ chia với những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống, vì độc lập dân tộc. Thế nhưng, làm thế nào để sự tri ân không sáo rỗng, các hoạt động không phải “đến hẹn lại lên” mà sâu sát đời sống đối tượng người có công, sẻ chia, hỗ trợ kịp thời những khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống, không phải là chuyện dễ.
Một trong những chính sách thiết thực nhất của Nhà nước trong vấn đề này là hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người có công cách mạng. Từ sự trợ giúp này, rất nhiều ngôi nhà xuống cấp được sửa sang, khang trang và cơ bản là kiên cố hơn để gia đình người có công yên tâm mỗi khi mưa bão đến. Hoặc các chế độ, chính sách khác như chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, chế độ trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng... Có thể thấy, Nhà nước rất quan tâm đến đời sống của người có công - thân nhân người có công cách mạng và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế. Thế nhưng, không phải đối tượng được hưởng chế độ ai cũng nắm rõ các quy định liên quan. Thực tế, họ rất cần sự hướng dẫn, tận tâm của cán bộ LĐ-TB&XH tại cơ sở. Có thể nói, đây là đầu mối quan trọng để mọi chính sách ưu đãi của Nhà nước đến với người có công một cách nhanh chóng, chuẩn xác. Trong khi đó, để khắc phục hạn chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công cách mạng; trong đó cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.
Còn nhớ năm ngoái, trước khi qua đời, ba tôi còn nói con cái hỏi tình hình hồ sơ chất độc da cam, bởi hồ sơ gửi đi cách đó vài năm nhưng không thấy phản hồi. Chưa kể, sau khi ba mất hơn 7 tháng, cán bộ LĐ-TB&XH vẫn không chi trả chế độ liên quan, cho đến khi bài báo “Chậm chi trả chế độ vì cán bộ tắc trách?”, mới sâu sát giải quyết. Đáng buồn là cách ứng xử của chính những người được giao làm công tác đền ơn đáp nghĩa, khiến thân nhân của họ không khỏi chạnh lòng. Khi gia đình tôi tìm hiểu sự việc, một cán bộ trưởng phòng cấp sở to tiếng khó chịu, trong khi đó, cán bộ trẻ cấp huyện lại ứng xử kiểu “cơ chế xin - cho”, mẹ tôi già yếu đến chốn công sở thì cán bộ trẻ ngọt nhạt kiểu “Nhờ bà mà phòng tôi nổi tiếng”. Nói như vậy để thấy rằng, văn hóa ứng xử của cán bộ LĐ-TB&XH mới là sự ghi nhận, trân trọng một cách thiết thực, để thân nhân của họ cảm thấy ấm lòng hơn. Nay ba tôi không còn nữa, nhưng hàng ngàn đối tượng người có công rất cần đến sự hướng dẫn từ các ngành liên quan. Sự đón tiếp, tận tình của cán bộ là món quà quý để chuyển tải tinh thần nhân văn của chính sách về người có công mà Nhà nước ban hành.
TÂY BÌNH