Không chỉ là chuyện mất rừng pơ mu

HỮU PHÚC 25/07/2016 09:08

Rừng pơ mu ở biên giới Việt - Lào bị tàn sát không chỉ cho thấy những lỗ hổng về quản lý nhà nước, “tắc trách” của cán bộ mà còn dấy lên mối quan ngại về sự phối hợp giữ rừng giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, cũng như giữa 2 tỉnh Quảng Nam với Sê Kông (Lào).

  • Phê bình nghiêm khắc Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang
  • Giả mù, giả điếc
  • Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Không có vùng cấm trong điều tra vụ phá rừng pơ mu!"
  • Xử lý đến cùng vụ tàn phá rừng pơ mu ở Nam Giang
  • Tạm đình chỉ công tác Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang
  • Phát hiện thêm 60 phách gỗ pơ mu tại biên giới Nam Giang
  • Cục Hải quan tỉnh: Xác minh vụ phát hiện 115 phách gỗ trong trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang
  • Xâm phạm ngay tại khu vực "bất khả xâm phạm"
  • Tiếp tục phát hiện lượng lớn gỗ pơ mu tại Hải quan cửa khẩu Nam Giang
  • Phát hiện thêm 2,4m3 gỗ pơ mu tại khu vực biên giới
  • Khởi tố vụ án phá rừng pơ mu ở Nam Giang
  • Kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm vụ phá rừng pơmu quy mô lớn tại Nam Giang
  • Rừng pơ mu Nam Giang bị tàn phá nghiêm trọng
  • Phát hiện vụ tàn phá nghiêm trọng rừng pơmu quý hiếm tại Nam Giang
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thị sát hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh:  CÔNG - NGƯỚC.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam thị sát hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: CÔNG - NGƯỚC.

Chủ rừng... bù nhìn!

Thời điểm này, kẻ chủ mưu phá rừng pơ mu ở vùng biên Nam Giang (Quảng Nam) với huyện Đắc Chưng (Sê Kông - Lào) vẫn chưa lộ diện. Trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan và các cá nhân đang được xem xét xử lý theo luật định. Những người đứng đầu Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (thuộc Bộ Quốc phòng) và Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) đã tiếp cận hiện trường. Tổng số gỗ hơn 44m3 mà người dân, cơ quan chức năng phát hiện nằm ở nhiều vị trí, địa điểm khác nhau, trong đó có nhiều khối lượng nằm tại Trạm Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và sát Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang. Đã có 4 cán bộ bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Số cây bị triệt hạ và gỗ tập kết đều nằm trong lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (chủ rừng), nhưng lại thuộc đất quốc phòng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào vai trò quản lý hiện nay của đơn vị chủ rừng này thì chỉ thấy “hữu danh vô thực”. Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tuấn - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung bức xúc về khó khăn trong tuần tra bảo vệ rừng ở khu vực biên giới. Ông Tuấn cho hay, mỗi lần lực lượng đi tuần tra phải có giấy giới thiệu của Bộ đội Biên phòng và đến thời điểm này vẫn chưa có quy chế phối hợp giữa đơn vị với các cơ quan khác. Dự thảo quy chế phối hợp cũng đã gửi cho đơn vị biên phòng từ tháng 8.2015 nhưng đến nay chưa được phản hồi với lý do: phải chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên.

Tuy nhiên, chiều 22.7, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, nói gì thì nói, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung với tư cách là chủ rừng phải chịu trách nhiệm, cùng với Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Trước mắt, chi cục yêu cầu lãnh đạo Ban quản lý và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý, thực hiện chức trách nhiệm vụ phối hợp quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản của các đơn vị trên địa bàn thời gian qua; để xảy ra tình trạng khai thác gỗ khối lượng lớn nhưng không phát hiện kịp thời; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan; đề xuất hình thức kỷ luật theo quy định.

Hợp thức hóa gỗ lậu?

Vụ phá rừng pơ mu đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên dư luận không khỏi bất ngờ trước việc ông Lê Trung Thịnh (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang) giải trình về 115 phách gỗ pơ mu nằm trong khuôn viên đơn vị là “lâu lâu các bạn Lào cho vài cục”. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan hải quan, ông Thịnh hiểu quá rõ về những quy định chặt chẽ trong việc kiểm tra xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa. Giả sử như số gỗ phía nước bạn “tặng” là có thật, thì ông Thịnh cũng không thể dễ dàng nhận “món quà” đó. Bởi lẽ, theo luật định cán bộ hải quan phải nắm rõ nguồn gốc xuất xứ gỗ (trong đó có việc xác nhận số gỗ đó khai thác ở đâu). Thêm nữa, quy định về thủ tục nhập khẩu gỗ hiện nay rất chặt chẽ. Số gỗ đưa về phía Việt Nam phải đáp ứng đủ nhiều điều kiện, trong đó có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu; giấy phép kiểm dịch thực vật xuất khẩu... Không rõ số gỗ mà phía nước bạn “tặng” cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang gồm những loại giấy tờ gì? Trong trường hợp phía Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang nhận quà kiểu “ngoại giao” này sao không báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên là Cục Hải quan Quảng Nam biết?

Rồi các cơ quan chức năng sẽ làm rõ về số gỗ “bất minh” nằm trong Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, nhưng dư luận xã hội đều cho rằng, cách giải thích của ông Thịnh là không thể chấp nhận được, chẳng khác gì để... hợp thức hóa gỗ lậu.

Trong quá trình kiểm tra thực địa, lực lượng chức năng phát hiện thêm gỗ pơ mu nằm trong nhà kho trên địa phận Lào nhưng của người Việt Nam thuê. Cả số gỗ chứa trong nhà kho được xác định của người Việt. Tại một xưởng cưa gần đó cũng có rất nhiều gỗ pơ mu. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, cho biết: “Ở vùng biên giới, có tình trạng người dân khai thác gỗ để làm nhà. Tuy nhiên, số gỗ pơ mu vừa qua anh em đi tuần tra không phát hiện. Thời gian đến, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ củng cố lại nội bộ, đề cao trách nhiệm bảo vệ biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền bên phía nước bạn”. Trả lời câu hỏi “từ sự cố phá rừng, ông có lo ngại về an ninh biên giới không?” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lâu nay khu vực đường biên rất ổn định, kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sắp tới biên phòng sẽ cùng với phía bạn sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hơn, không để vụ việc xảy ra tương tự như phá rừng pơ mu. Được biết, khu vực biên giới Quảng Nam - Sê Kông cắt qua 14 xã thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang. Trong đó, Tây Giang có 8 xã, Nam Giang có 6 xã biên giới. Mỗi lần tuần tra song phương, hai bên cơ cấu 24 người.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC