Việt Nam chính thức cho chuyển nhượng địa chỉ IP từ nước ngoài về
(QNO) - Để hỗ trợ các thành viên địa chỉ trong giai đoạn cạn kiệt IPv4, Việt Nam đã chính thức cho phép nhận địa chỉ IP/số hiệu mạng từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội để các tổ chức, thành viên tiếp nhận IPv4 từ các tổ chức quốc tế qua con đường chuyển nhượng.
Hội nghị giao ban thành viên địa chỉ năm 2016 được Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, kết hợp 2 điểm cầu trực tuyến tại Đà Nẵng và TP.HCM. |
Thông tin nêu trên vừa được ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết tại Hội nghị giao ban thành viên địa chỉ năm 2016 được tổ chức tại Hà Nội, kết hợp 2 điểm cầu trực tuyến tại Đà Nẵng và TP.HCM.
Năm nay, sự kiện thường niên này có sự tham gia của ông Paul Wilson- Giám đốc Trung tâm Thông tin mạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNIC), bà Joyce Chen - đại diện Tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế (ICANN) cùng sự tham gia của hơn 260 thành viên địa chỉ IP tại Việt Nam.
Trong thông tin cập nhật các chính sách mới về quản lý tài nguyên địa chỉ Internet, đại diện VNNIC cho biết, ngày 18/8/2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 24/2015/TT-BTTTT quy định quản lý tài nguyên Internet. Ngoài các nội dung mới trong công tác quản lý tên miền Internet, công tác quản lý thúc đẩy địa chỉ IP/ ASN (số hiệu mạng - PV) chặt chẽ và hiệu quả hơn, một số chính sách mới chính thức được triển khai, hỗ trợ thành viên địa chỉ trong giai đoạn cạn kiệt IPv4 và góp phần thúc đẩy triển khai IPv6.
Theo đó, điểm nhấn là Việt Nam chính thức cho phép nhận địa chỉ IP/ASN từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội để các tổ chức, thành viên tiếp nhận địa chỉ IPv4 từ các tổ chức quốc tế qua con đường chuyển nhượng IPv4. “Đây là nguồn tài nguyên quý giá đối với một số thành viên khi một phần hệ thống chưa hỗ trợ thế hệ địa chỉ IPv6. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời. Các thành viên cần từng bước đăng ký IPv6, thiết lập lộ trình và chuyển đổi sang hỗ trợ song song IPv4/IPv6 theo đúng lộ trình quốc gia, hướng tới mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Điểm b khoản 5 của Thông tư 24 quy định rõ: “Việc nhận địa chỉ IP trực tiếp từ các tổ chức quốc tế phải tuân thủ theo quy định của các tổ chức quản lý tài nguyên địa chỉ quốc tế và quy định tại Điều 27 Thông tư này. Vùng địa chỉ IP quốc tế sau khi hoàn tất các thủ tục tiếp nhận vào Việt Nam theo quy định sẽ được coi là tài nguyên Internet và chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên Internet”.
Đại diện VNNIC cũng cho biết thêm, với chính sách mới này, Runsystem là thành viên địa chỉ đầu tiên thực hiện tiếp nhận tài nguyên IPv4 từ nước ngoài về Việt Nam theo phương thức chuyển nhượng.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhận địa chỉ IPv4 từ nước ngoài về Việt Nam, ông Phạm Thế Hùng, Trưởng bộ phận dịch vụ Internet của Runsystem cho biết: có một số yêu cầu khi thực hiện chuyển đổi IP như: 2 thành viên chuyển đổi IP đều thuộc thành viên của APNIC; đơn vị nhận IP có nghĩa vụ chứng minh nhu cầu và hệ thống hoạt động của mình; sau khi chuyển đổi IP, đơn vị được cấp IP có nghĩa vụ đóng phí và sử dụng IP theo đúng quy định của pháp luật tại quốc gia sở tại; và IP sau khi chuyển đổi sẽ thuộc quyền quản lý của thành viên quốc gia tiếp nhận IP đó và không thu hồi lại được. “Thời gian để thực hiện các thủ tục chuyển đổi địa chỉ IP là khoảng 30 ngày”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo thống kê của VNNIC về phát triển tài nguyên địa chỉ Internet, tính từ tháng 7/2015 cho đến nay, lượng IPv4 được cấp mới là 123.904 địa chỉ, nâng lượng IPv4 tại Việt Nam tính đến ngày 17/7/2016 là 15.823.616 địa chỉ, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 8 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 28 toàn cầu.
Thống kê của VNNIC cũng cho hay, từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016, đã phát triển mới 60 thành viên địa chỉ, nâng tổng số lượng thành viên địa chỉ lên 276 thành viên. Trong số các thành viên địa chỉ này, đa số thành viên có mức sử dụng địa chỉ IPv4 ở mức 1 (/22) và mức 2 (/21). Ba thành viên có mức độ sử dụng lượng địa chỉ IPv4 trên mức 10 là VNPT, Viettel và FPT với số lượng địa chỉ lần lượt là hơn 7,7 triệu, hơn 5,4 triệu và hơn 1,4 triệu địa chỉ.
Đối với công tác thúc đẩy triển khai IPv6, ông Trần Minh Tân nhấn mạnh, theo lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, năm 2016 có vai trò đặc biệt quan trọng, là năm mở đầu cho Giai đoạn 3 - Giai đoạn chuyển đổi (2016-2019) trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Mục tiêu của giai đoạn này là cung cấp chính thức dịch vụ trên nền IPv6, đảm bảo hoạt động bền vững của Internet Việt Nam trên nền công nghệ IPv6.
Để triển khai thúc đẩy chuyển đổi IPv6 hiệu quả, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Theo đó, các thành viên Ban công tác, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nội dung, di động và tất cả các thành viên địa chỉ tham gia, chung tay trong công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam.
Riêng với các thành viên địa chỉ, trong Kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2016, thành viên địa chỉ có nhiệm vụ xin cấp và sử dụng địa chỉ IPv6 tại Việt Nam; đồng thời yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ kết nối quảng bá vùng địa chỉ IPv6 đã được cấp.
Thống kê của VNNIC cho hay, trong 1 năm trở lại đây, đã cấp mới 4 khối/32 và 8 khối /48 địa chỉ IPv6, nâng lượng địa chỉ IPv6 tại Việt Nam tính đến ngày 17/7/2016 lên 25 khối /32 và 34 khối /48. Trong 276 thành viên địa chỉ, đã có 50 thành viên được cấp địa chỉ IPv6, đạt tỷ lệ 18%; như vậy vẫn còn tới 82% thành viên chưa đăng ký IPv6.
Theo ictnews.vn