Cái bẫy
Nóng tróc trán. Phụ huynh xúm lại dưới gốc phượng trước cổng chờ con ra. Mới công bố điểm được 4 ngày, lại phải đi vào học ngay, vì trường chuyên nên học trước chương trình.
Phụ huynh kẻ lau mồ hôi, người vồn vã. Đậu vào trường này, là căng như dây đờn, 15 lấy 1, sinh tử gang tấc, hễ đậu, miễn thấp cao, là cao thủ, võ công hơn hẳn quần hùng. Đó là lời tự sướng của hai người đứng gần mình. Chủ đề tiếp theo là học môn chuyên chi, sau ni thi cái chi. Cha mẹ bây giờ chứ không phải xa xưa, càng không phải cái thời mới mở cửa, ngành nghề nào lắm tiền mà bắt cho bằng được con vào đó. Tóm lại, nhất hô bá ứng, là tới lớp 12 rồi hay, con nó chọn chứ không phải mình, nhưng ưu tiên chọn ngành sướng.
Mình nghe không nhịn được cười. Khi con mình đi thi, nó nói con phải vào được trường đó. Mình nói, hãy dự phòng phương án nếu rớt thì yếu tố tâm lý là hàng đầu, đánh trận có thắng có thua, nhưng tuyệt đối không nản, trường đồ tri mã lực, không trường này thì trường khác, đây mới là bước đầu tiên, còn xa lắm. Nó thì cứ khăng khăng phải cho được, rồi phác họa tương lai ngành này nghề nọ. Nhớ lại mình hồi lớp 12, đi đập lúa về, tối đó ông già hỏi mi thi đại học mô, mình đáp, hỏi cái nớ làm chi, lại đáp, ổng à, văn khoa cũ ngoài Huế, hồi đi lính tau có đi qua chỗ nớ, nói rứa xong lên giường hút thuốc thở dài. Mình không quan tâm, cứ thi, chả biết học trường đó là học cái chi, bứt ra khỏi nhà giang hồ cái đã, tính sau. Ra trường cũng chẳng biết làm chi, thầy giáo nói mi ở lại dạy không, dạ không, cái thứ chuyên uống rượu đánh lộn, không bao giờ lên giảng đường, bị đuổi học vì cãi cô giáo, tư cách bỏ không đầy lá mít như em, cả ký túc xá cả khoa biết, dạy dỗ ai được. Ông cười hà hà, viết cho cái thư gửi tổng biên tập một tòa soạn, không biết ông viết chi trong đó, mình đưa thư mà chẳng hồi hộp âu lo, đọc xong, ông nói xuống hành chính lấy giấy đi làm. Mình cầm tờ giấy giới thiệu phóng viên về đưa cho ông già coi, ông bỏ gánh lúa xuống khỏi vai, đọc xong, e hèm: “Ủa , tau nghe nói xin việc tốn nhiều tiền lắm”. Mình cười tủm tỉm, xem ra oách lắm, dằng dặc khốn nạn với nghề tới chừ, mỏi lắm rồi. Nghề mình làm, được thiên hạ nói là sướng, cứ đi như đồ khùng, có quyền trong tay, sống không giờ giấc, ăn nói bỗ bã, nhưng ai làm thật sự với biết, chảy máu mắt chứ chẳng chơi. Nhớ có đêm biên tập bài đến 10 giờ đêm mới xong quy trình đưa in, thư ký tòa soạn nhắn tin: Giờ xách xe về cách nhà 15km, thằng nào nó cầm dao xin tí huyết, chắc đưa luôn thẻ nhà báo cho nó! Mình nghe, nghẹn tim, xã hội ba đào, chuyện chi cũng xảy ra, vì áo cơm mà mất mạng, âu cũng là khốn nạn lắm thay, nhưng biết làm sao bây giờ.
Ngành nào nghề nào là sướng, có trời mới biết, nhưng thi vô trường này, là đảm bảo tương lai. Đó là lời của nhiều người nói với mình, khi biết tin con bé đạt được như ý. Nó mừng nhảy nhót hát hò cả ngày. Nói thẳng, mình cũng mừng vì con không bị cú sốc tâm lý, lại học đúng trường đúng lớp nó thích, nhưng mình thấy mệt. Sóng lớn thuyền lớn, cuộc chơi nào cũng có luật của nó. Hôm qua chở nó về, nó chép miệng trầm trồ không ngớt: Cô dạy phần văn học hậu chiến về số phận người nữ thanh niên xung phong, hay nổi da gà! Mình nghe, sợ nổi da gà. Tương lai là đây, hay là sẽ khác, cơn ớn lạnh nổi dọc sống lưng, nhưng cố trấn tĩnh. Dấn thân vào học, nghĩa là mở ra cánh cửa khác, như trận đồ Khổng Minh bày, khó mà đoán định, nhưng thảy đều xuất phát từ những bước đi đầu tiên. Tuổi trẻ của mình cũng từng như nó, mong này ước nọ, nhưng rồi vỡ hết, giờ muốn truyền lại nó, cũng đâu có được, bởi nó chưa như mình bây giờ và không phải là mình.
Có người nói, cháu tôi đậu trường chuyên, nhưng tôi không muốn nó học, bởi mệt lắm, nó thích thì học thôi, chứ học trường đại trà khỏe hơn, học chi rồi cũng phải đi làm, còn tương lai phụ thuộc hai điều, là kiến thức và số mệnh. Mình gật, mà số mệnh lại chiếm choán nhiều hơn. Một người bạn, mình coi là giỏi trời thần, mình chưa gặp ai như thế, nói rằng tau cho rằng con học tốt, ham học là hay, còn không thì học bình thường, nghĩ bình thường, sống bình thường, làm chủ được số phận mình mới là quan trọng chứ không phải học thấp học cao, giỏi hay dốt, làm chủ được số phận mình là hạnh phúc, con người ta ở đời mưu cầu hạnh phúc chứ có gì đâu, chi đi nữa mà không hạnh phúc thì cũng bỏ, mà hạnh phúc lớn nhất là làm được điều mình nghĩ mình muốn, đơn giản vậy đó. Mình gật, nhìn bạn xót xa, đời nó buồn như vại dưa muối hỏng, ngó lại mình cũng chẳng hơn chi.
Con vào trường chuyên là đặt chân vào cái bẫy ngọt ngào. Từ cái bẫy đó mà thoát ra, bay lên, là mừng, nhưng hãy coi chừng, ngập trong đó là chết luôn, bởi hào quang là thứ luôn bội phản, lật lường. Học hết rồi cũng đi thi đi làm việc, chuyên hay không cũng chỉ là ký ức, nên bây giờ nói vô cái bẫy này là sướng, là đảm bảo tương lai, mình thấy như trò hề. Tương lai là chi, có trời mới biết, còn lấy tương lai là học trường chuyên sẽ đảm bảo thi đậu đại học, thì ôi thôi, đại học có quyết định được tương lai không?
TRUNG VIỆT