Đại Lộc: Truy điệu và cải táng 5 hài cốt liệt sĩ

HOÀNG LIÊN 21/07/2016 15:09

(QNO) - Chiều 20.7, xã Đại Thạnh (Đại Lộc) tổ chức lễ truy điệu và cải táng 5 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã. 

Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh, nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ, trong đó có nhiều liệt sĩ vô danh. Ảnh: Hoàng Liên
Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh, nơi yên nghỉ của hơn 300 liệt sĩ, trong đó có nhiều liệt sĩ vô danh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Được biết, trong số 5 hài cốt trên thì có 4 hài cốt được tìm thấy tại khu vực Khe Hoa, dưới chân Dốc Gió A, thuộc địa phận xã Đại Thạnh; còn 1 hài cốt được cải táng từ Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Minh về Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh. Danh tính liệt sĩ được cải táng là liệt sĩ Ngô Phô (SN 1921, trú thôn An Bằng, xã Đại Thạnh). Ngô Phô tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp giai đoạn 1945-1947 và bị địch phục kích bắt về đồn Gia Cốc, xã Đại Minh. Dưới nhiều đòn tra tấn dã man của địch, đến 17.5.1947, ông hy sinh. Còn 4 bộ hài cốt còn lại trải qua nhiều lần điều tra, xác minh song vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán, đơn vị. Tại thời điểm khai quật ở Khe Hoa, lực lượng tìm kiếm còn phát hiện nhiều quân trang, quân dụng, đồ dùng cá nhân của các liệt sĩ trên.

Đưa các liệt sĩ về nơi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh. Ảnh: Nhật Duy
Đưa các liệt sĩ về nơi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh. Ảnh: NHẬT DUY

Theo ông Phan Thành Dũng - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh, cựu chiến binh thuộc D1, Mặt trận 44 Quảng Đà, khu vực Khe Hoa, Dốc Gió A, Dốc Gió B, hòn Cối, xã Đại Thạnh có độ cao trên 700m. Nơi đây là địa bàn tác chiến của Mặt trận 44 Quảng Đà; E 38, Sư 2, Bộ Quốc phòng; Đoàn Pháo binh 577… Nơi đây có bệnh viện Y 10, Bệnh viện B2 Đại Lộc, có nghĩa trang dã chiến… Tuy nhiên, đây là nơi đóng quân lâu dài của E 38, Sư 2, Bộ Quốc phòng, nay vẫn còn nhiều dấu vết về bệnh viện dã chiến, hầm hào công sự, bếp Hoàng Cầm… ở khu vực này. Để đến được khu vực này không dễ dàng, phải mất nhiều ngày lặn lội trong rừng sâu, vách cao, dốc cao hiểm trở. Đơn vị E 38, Sư 2, Bộ Quốc phòng từng nổi danh với những trận đánh nổi tiếng ở Gò Cấm, đánh địch phục kích ở Gò Rèn thuộc xã Đại Thạnh, Đại Chánh, bên cạnh những trận phối hợp tác chiến ở vùng B nói riêng, Đại Lộc nói chung.

Long trọng lễ truy điệu liệt sĩ. Ảnh: H.Liên
Long trọng lễ truy điệu liệt sĩ. Ảnh: H.LIÊN

Phát biểu tại buổi lễ, chính quyền xã Đại Thạnh bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, khẳng định những chiến công của các liệt sĩ đã góp phần làm thắm trang sử vẻ vang của quê hương. Được biết, sắp tới đây, tại khu vực Gò Cấm, xã Đại Thạnh, nơi tập trung đóng quân của đơn vị E 38, Sư 2, Bộ Quốc phòng sẽ được xây dựng một bia chiến tích để tưởng niệm những người đã ngã xuống trên quê hương, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng nơi thế hệ trẻ. 

Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh được xây dựng từ năm 1985, đến nay đã quy tập được 311 liệt sĩ an táng tại đây. Nhiều năm qua, chính quyền, nhân dân xã Đại Thạnh cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thân nhân liệt sĩ tổ chức tìm kiếm, hỗ trợ đưa hơn 100 hài cốt liệt sĩ có gốc từ miền Bắc về quê hương an táng. 

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN