Biên phòng chịu trách nhiệm cao nhất vụ phá rừng pơ mu

THÀNH CÔNG  - ALĂNG NGƯỚC 21/07/2016 09:24

  • Kiểm tra vụ phá rừng pơ mu khu vực biên giới Nam Giang: Không loại trừ có tổ chức
  • Tạm đình chỉ công tác Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang
  • Phát hiện thêm 60 phách gỗ pơ mu tại biên giới Nam Giang

(QNO) - Ngoài chỉ đạo xử lý quyết liệt vụ việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh với đại diện các cơ quan chức năng và huyện Nam Giang "nóng" với nhiều câu chuyện về công tác quản lý, bảo về rừng và bảo vệ vùng biên giới.

Hện trường vụ rừng pơ mu bị phá tại khu vực biên giới Nam Giang - Đắc Chưng. Ảnh: C.N
Hện trường vụ rừng pơ mu bị phá tại khu vực biên giới Nam Giang - Đắc Chưng. Ảnh: C.N

Sáng 20.7, vượt hơn một tiếng rưỡi băng rừng theo con đường tuần tra cột mốc của lực lượng biên phòng, phóng viên Báo Quảng Nam online đã bám chân đoàn kiểm tra của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; cùng Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Viết Lợi và Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức trực tiếp đến hiện trường vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng xảy ra tại khu vực biên giới Nam Giang - Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). 

"Lâm tặc phá rừng quá ghê gớm!"

Chứng kiến hiện trường hàng chục gốc pơ mu bị xẻ nằm ngang dọc, nhiều phách gỗ vẫn chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng, nhiều người không giấu được cảm xúc. Đau xót hơn, nhiều gốc pơmu bị lâm tặc cắt gốc, phát hiện mục ruỗng thân rồi bỏ lại. Nhiều gốc gỗ có đường kính lên đến 0,8m - 1m. Cơ quan kiểm lâm nhận định, phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có một rừng pơ mu dày và lớn như ở đây, nhưng đã bị lâm tặc triệt hạ gần như toàn bộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bày tỏ bức xúc trước sự tàn phá của lâm tặc. “Lâm tặc tàn phá quá ghê gớm. Thậm chí còn tràn sang địa bàn của nước bạn Lào để phá rừng”, ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo tại cuộc họp với đại diện cơ quan chức năng và lãnh đạo huyện Nam Giang, vào sáng 20.7, Ảnh: C.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo tại cuộc họp với đại diện cơ quan chức năng và lãnh đạo huyện Nam Giang, vào sáng 20.7, Ảnh: C.N

Rời khỏi hiện trường vụ phá rừng, lập tức ông Thanh dẫn đoàn liên ngành đến các địa điểm phát hiện gỗ pơ mu tập kết quanh khu vực cửa khẩu. Nhiều điểm nằm ngay sát vách cơ quan biên phòng, trong khuôn viên hải quan và nhà dân. Trước đó, đoàn kiểm tra đã ập vào một nhà kho nằm trong khu vực biên giới phía nước bạn Lào, nhưng các đối tượng đã tổ chức tẩu tán tang vật ngay trước đó. 

Tại cuộc họp với các bên liên quan ngay trong chiều 20.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh một lần nữa  nhấn mạnh sẽ  tập trung quyết liệt, làm cho ra vụ việc. Theo ông Thanh, cách đây không lâu, tại Tây Giang mới làm buổi lễ công bố và đón nhận quyết định công nhận rừng di sản pơ mu, là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân Quảng Nam. Mới đây, cả hai nước Việt Nam và Lào đang tập trung chỉ đạo bảo vệ, quản lý rừng sau khi đóng cửa rừng ở cả hai bên. Thế nhưng, ngay tại nơi chịu sự quản lý chặt chẽ của các lực lượng, đặc biệt là biên phòng, giữa một lực lượng kiểm soát quy mô lại xuất hiện gỗ ở khu vực sát biên phòng là điều nhạy cảm cần suy nghĩ. “Các phách gỗ lâm tặc cưa ra, với 60 cây ở phía Việt Nam, chưa tính những cây dang dở chưa hạ xuống và phía nước bạn Lào, lâm tặc lại rọc những phách lớn, vận chuyển ra khỏi rừng cất giấu, chứng tỏ đây là những đối tượng hành động rất liều lĩnh, , hành động quá tự tin. Bao nhiêu tai mắt, lực lượng lại để xảy ra vụ việc, nhất là ngay tại khu vực của biên phòng, hải quan?”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Ông Thanh trực tiếp kiểm tra và bàn phương án tại khu vực nghi có tập kết gỗ pơ mu. AEnh: C.N

Ông Thanh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại khu vực nghi có tập kết gỗ pơ mu. Ảnh: C.N

Do vậy, ông Thanh yêu cầu các đơn vị phải nhận trách nhiệm một cách trung thực, không quanh co. "Lần này làm quyết liệt đến nơi đến chốn và nếu để cho vụ án kéo dài sẽ xem xét tình tiết tăng nặng để xử lý nghiêm", ông Thanh nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị công an huyện Nam Giang cần vào cuộc với lực lượng tinh nhuệ nhất, với ý thức tinh thần trách nhiệm cao nhất, để truy xét đến cùng vụ việc. Trong quá trình phá án ,có thể xem xét các tình tiết mới để điều tra mở rộng, không dừng lại ở vụ án này, đồng thời khẩn trương thành lập ban chuyên án để có thể tìm ra những vụ việc khác để xử lý trong thời gian sắp tới.

Theo thông tin phóng viên nhận được, ngay trong chiều hôm 19.7, trinh sát nắm địa bàn vẫn phát hiện ra gỗ tại một điểm khu vực giáp ranh, nhưng sáng nay (20.7) khi ập vào thì số gỗ trên đã bị tẩu tán đi.

Đoàn kiểm tra liên ngành vượt hơn 1 giờ đồng trên đường tiếp cận hiện trường. Ảnh: C.N
Đoàn kiểm tra liên ngành vượt hơn 1 giờ đồng trên đường tiếp cận hiện trường. Ảnh: C.N

Ở một diễn biến khác, vào sáng 20.7, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đã ký công hàm gửi Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông đề nghị phối hợp điều tra làm rõ vụ việc. Trong khi đó, các lực lượng phía tỉnh Sê Kông cũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị quyết liệt truy quét, phối hợp làm rõ.

Và, ngay trong buổi sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã điện đàm trực tiếp cho người đồng cấp để tìm hướng xử lý. “Tôi đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ lên kế hoạch làm việc giữa hai tỉnh trong thời gian sắp tới để bàn việc xử lý vụ việc, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vùng biên giới”, ông Thanh cho hay.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng thành viên đoàn kiểm tra bàn phương án xử lý ngay tại hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: C.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng thành viên đoàn kiểm tra bàn phương án xử lý ngay tại hiện trường vụ phá rừng pơ mu. Ảnh: C.N

Trong quá trình điều tra, ông Thanh đề nghị, đây là khu vực cấm vùng biên giới, đề nghị lực lượng biên phòng phải cử lực lượng phối hợp tích cực với anh em cảnh sát điều tra để cùng nhau tìm ra gốc gác vấn đề, không để lọt tội phạm, làm trong sạch lực lượng của mình. “Phải tìm cho ra các phần tử thoái hóa, biến chất để xử lý”, ông Thanh nói. Và cho biết, sau cuộc họp sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh để tìm ra cơ chế phối hợp để tìm cách phá án nhanh nhất.

Biên phòng chịu trách nhiệm cao nhất 

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, lực lượng biên phòng phải tăng cường bám sát địa bàn, gương mẫu hướng dẫn nhân dân chấp hành đúng pháp luật, kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng cần có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhận có liên quan đến vụ việc. 

Rất nhiều thân cây pơ mu đang chết khô do bị lâm tặc chặt phá, khoét sâu để
Rất nhiều thân cây pơ mu đang chết khô do bị lâm tặc chặt phá, khoét sâu để "thăn dò" trước khi khai thác. Ảnh: C.N

Ông Đức đề nghị sớm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhận có liên quan trong vụ vi phạm rừng pơ mu nghiêm trọng khu vực biên giới. "Biên phòng là lực lượng chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng, cần tổng rà soát lại vụ việc để làm rõ ràng, minh bạch. Cần tăng cường lực lượng tuần tra dày hơn, nếu cần thiết sở sẽ tham mưu điều chỉnh chế độ chính sách phù hợp đối với lực lượng giữ rừng”, ông Đức nhấn mạnh. 

Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, đơn vị này đã nhanh chóng chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm làm rõ kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan. "Về phía vụ án, Chi cục sẽ hỗ trợ về chuyên ngành, cán bộ để thẩm định nguồn gốc gỗ, giá trị gỗ hoặc giới thiệu cơ quan có thẩm quyền thẩm định để có thể làm rõ nhanh nhất vụ việc nếu cơ quan điều tra có yêu cầu", ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bên một gốc cây pơ mu bị lâm tặc chặt hạ. Ảnh: C.N
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bên một gốc cây pơ mu bị lâm tặc chặt hạ. Ảnh: C.N
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, tinh thần của hai địa phương liên quan đến khu vực rừng pơ mu là Quảng Nam và Sê Kông sẽ phối hợp làm quyết liệt, không chỉ việc phá rừng pơ mu, bởi đây là khởi đầu của công tác tuần tra phối hợp trong thời gian sắp tới. Trong quá trình điều tra, cơ quan biên phòng phải tích cực giúp đỡ, chủ động hỗ trợ cơ quan điều tra để khẩn trương phá án. Nhiều vấn đề theo kế hoạch nhưng cũng nhiều vấn đề ngoài kế hoạch, nếu cứng nhắc trong quản lý sẽ rất khó khăn trong điều tra. Do vậy, cần có cơ chế đặc biệt cho việc ra vào biên giới để phục vụ công tác điều tra. "Cần làm quyết liệt, không khoan nhượng, cần thiết ứng kinh phí để tổ chức triển khai ngay" Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang cho biết, có 8,191m3 gỗ được phát hiện nhưng chỉ có 7,76m3 nằm trong khuôn viên Chi cục Hải quan. Trong khi đó, Chi cục hiện nay đang đóng tạm trên đất của khu thương mại, chỉ có trụ sở, ngoài ra là bãi thuộc quản lý của khu kinh tế. Trụ sở rất tạm bợ, do vậy số gỗ do một số doanh nghiệp nhập khẩu và bạn Lào quan tâm hỗ trợ. "Có một số gốc do doanh nghiệp nhập khẩu, sau khi nhập khẩu cho đơn vị một ít. Hải quan Lào và người Lào thường xuyên qua lại cũng cho “vài cục”. Cán bộ công chức có người cũng đã mua về, một số đã dùng, một số để lại cửa khẩu. Gỗ không theo quy cách, phần lớn để rất lâu, trong đó có những tấm gỗ để từ năm 2012. Do chưa có đièu kiện triển khai sửa sang lại nhà cửa, đóng tủ bàn nên số gỗ này vẫn để công khai trước hiên nhà, một số để trong phía sau nhà nhưng không mua bán, chủ yếu có nguồn gốc từ Lào" - ông Thịnh giải bày.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí ngay sau buổi kiểm tra hiện trường. Ảnh: C.N.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí ngay sau buổi kiểm tra hiện trường. Ảnh: C.N.

Ông Thịnh cũng khẳng định gỗ đã phát hiện tại khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan không trùng khớp với nhóm gỗ đã khai thác trong vụ án. Là người đứng đầu đơn vị, ông Thịnh nói vụ việc đã ảnh hưởng đến đơn vị nơi ông đang công tác. “Chúng tôi chủ quan, không nghĩ là có vấn đề gì lớn”, ông Thịnh cho biết thêm.

Phóng viên Báo Quảng Nam online sẽ tiếp tục cập nhật, thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng này.

THÀNH CÔNG  - ALĂNG NGƯỚC

THÀNH CÔNG  - ALĂNG NGƯỚC