Lớp dạy hè miễn phí tại Đại Sơn
Dịp hè này, hàng chục sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng đã lặn lội lên mở lớp dạy hè miễn phí cho trẻ em nghèo thôn Tam Hiệp, xã Đại Sơn (Đại Lộc).
Cứ mỗi tuần, hàng chục “áo xanh tình nguyện” đến từ các trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học thể thao Đà Nẵng, Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng đều đặn dành hai ngày cuối tuần vượt gần 70 cây số từ Đà Nẵng về tận thôn Tam Hiệp (xã Đại Sơn, Đại Lộc), nơi trước kia từng được biết đến với “nhiều cái không” để dạy hè miễn phí cho trẻ. Do nhà cửa trong thôn phần lớn chật chội nên các bạn mượn tạm hội trường thôn để mở lớp. Đến thứ Bảy, Chủ nhật, các em nhỏ trong thôn tụ tập tại hội trường để chờ thầy cô giáo đến. Lớp chỉ dạy cho các em độ tuổi từ lớp 4 tới lớp 8, song có khá nhiều em nhỏ cũng đến để “học lóm” các anh chị. Dường như không khí đông vui và những chiếc bánh, kẹo từ những thầy cô “áo xanh” lại trở thành niềm vui ngày hè của sắp nhỏ. Sách vở, bút, phấn, bảng, thậm chí quần áo mới dành cho chúng đều được các bạn trẻ vận động quỹ để mua. Giờ giải lao của trò còn có thêm chút bánh kẹo. Tuy nhiên, với nhiều đứa trẻ, niềm vui cũng giảm dần khi thường lệ, vào dịp hè chúng thường theo cha mẹ lên rẫy hay trở về làng cũ để cha mẹ tiện trông coi. Những đứa lớn thì giúp cha mẹ chăn trâu, chăn bò trên rẫy.
Dạy hè cho trẻ em Tam Hiệp. Ảnh: T.Nhan |
Những “áo xanh tình nguyện” đến với Tam Hiệp lần này vốn là những thành viên của Câu lạc bộ Chung một ước mơ được thành lập hơn một năm nay. Trần Thành - sinh viên năm 4 Đại học Thể thao Đà Nẵng là người khởi xướng. Các thành viên của câu lạc bộ đã lên tới 20 người, phần lớn đến từ các trường đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng. “Tham gia tình nguyện vì cộng đồng thì khá vất vả nhưng vui vì khi mình làm được điều gì đó có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiệm vụ chính của tụi em là việc học nên hoạt động tình nguyện chưa nhiều, chưa kêu gọi được nhiều nguồn lực vì cộng đồng” - Thành nói. |
Tổ chức lớp dạy hè miễn phí ở Tam Hiệp cũng lắm gian nan. Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh viên năm nhất, Trường Đại học Kỹ thuật Đà Nẵng, quê Quảng Bình) tâm sự, 2 tháng nay, tuần nào tụi em cũng đều đặn đến đây nhưng không phải bữa nào cũng đông các em theo học. Mới đầu các em tới lớp rất đông nhưng rồi thưa vắng dần. Có những trẻ khi chúng em tìm đến nơi thì được biết em đã theo cha mẹ lên rẫy ở lại vì ba mẹ em có khi 2 - 3 ngày mới về nhà một lần, có em lớn hơn thì lên rẫy chăn bò, chăn trâu đỡ đần cho cha mẹ. “Do việc đầu tư cho con cái học tập không được cha mẹ chú trọng nên các em thiếu kiến thức căn bản nhiều lắm. Những em này chúng em phải kèm rất kỹ nhưng cũng rất lo” - Bình nói. Bùi Xuân Thế, sinh viên năm 4, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho hay, năm nay là năm học bận rộn nhưng bạn vẫn tích cực tham gia tình nguyện để có cơ hội nắm bắt thực tế, hiểu được cuộc sống khó khăn của trẻ em miền núi. “Có những bữa tụi em đến lớp mà người đứng lớp lại đông hơn trẻ, nhưng hoàn cảnh của các em vậy biết làm sao. Dù cho lớp có hôm chỉ còn 2 - 3 trẻ theo học thì chúng em vẫn cứ dạy để giúp đỡ các em được phần nào. Bên cạnh những trẻ thiếu kiến thức căn bản nghiêm trọng vẫn có em rất siêng học, lanh lợi và yêu cầu em ra bài tập về nhà nữa. Đó là động lực để tụi em tiếp tục đến tận nhà vận động các em đến lớp” - Thế nói.
Ngoài Đại Sơn, trước đó, nhóm của Thành còn đến xã Trà Nam, huyện Nam Trà My để tình nguyện, vận động, kêu gọi hỗ trợ làm trường học nhỏ lợp tôn, cột gỗ, nền xi măng cho các em mẫu giáo, tiểu học tại thôn nóc Loan Mu 3 của xã. Không dừng lại ở đó, nhóm còn đi bán kẹo, bán hoa gây quỹ, kêu gọi, vận động mạnh thường quân để mua quà trao tặng người già neo đơn một số nơi. Các bạn còn đứng ra vận động quyên góp quần áo cũ để mang tới hỗ trợ cho những trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, hay trao quà bánh cho các em thiếu nhi nhân 1.6.
TRIÊU NHAN