Y đức và dịch vụ

TÂY BÌNH 21/07/2016 08:59

Ngành y tế đang rốt ráo thực hiện chủ trương “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Chuyện y đức vốn không mới nhưng luôn thời sự, bất cứ lúc nào, ở đâu. Nay, thêm chuyện thuê, khoán dịch vụ bệnh viện càng làm “nóng” hơn vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm.

Năm ngoái, ba tôi đau nặng phải chuyển tuyến bệnh viện lớn nhất Đà Nẵng. Tuổi già, bệnh nhiều, thêm việc gãy xương khiến bác sĩ quyết định cho ba tôi xuất viện, vì không thể can thiệp được. Ba tôi lúc ấy rất yếu, nhưng nghe bác sĩ thông báo xuất viện, bỗng tươi hẳn lên. Hôm ấy là chiều thứ Bảy, bệnh viện thông báo hết xe cứu thương chuyên dụng để chuyển ba tôi về nhà. Tôi đoán chắc ba nóng lòng vì đã xuống sảnh nhưng không có bóng một chiếc xe nào. Hỏi thăm một chị y tá, lập tức một vài số điện thoại, chủ xe “cứu thương dịch vụ” được cung cấp. Cả nhà tôi mừng quýnh, nhưng gọi số nào cũng bận. Chủ dịch vụ bảo muốn có xe phải chờ vì quá nhiều khách đã gọi đặt chỗ từ trước. Chợt nghĩ, một bệnh viện quy mô thuộc top khu vực, nhưng lại không có xe cho trường hợp bệnh quá nặng xuất viện. Hơn tiếng đồng hồ sau, xe dịch vụ đến, họ nhanh chóng đẩy ba lên sàn xe, hối thúc người nhà sắp xếp đồ nhanh gọn rồi nhấn ga vụt đi. Đoạn đường dài mấy chục cây số bỗng ngắn lạ thường. Xe chạy nhanh như gió, bất chấp cái thân già yếu của ba. Ngồi trên xe, tôi thót tim với những cú nhấn ga, phanh gấp. Quá lo lắng, tôi nhiều lần nhắc khéo bác tài đang chở bệnh nhân nặng nhưng dường như xe chạy quá nhanh nên họ không nghe thấy. Xe về đến nơi, mọi người cùng nhau đỡ ba vào nhà. Chưa kịp quay ra, xe đã chạy mất hút.

Vài ngày sau xuất viện, ba tôi mất, nhưng chuyến xe cuối đưa ba từ bệnh viện về vẫn mãi ám ảnh tôi. Phát triển dịch vụ bệnh viện là quá tốt, bởi không thể đáp ứng đủ nhu cầu bệnh nhân, trong khi mỗi ngày có biết bao người nhập - xuất. Nhưng có thể nói, đây là dịch vụ đặc biệt, cũng cần chút chuyên môn, ít nhất là chạy xe với tốc độ như thế nào để giảm xóc, hạn chế đau đớn đến bệnh nhân. Nếu dịch vụ xe cứu thương chỉ chạy với hình thức chở người thông thường, xem ra không hợp lý.

Luật Khám chữa bệnh đã có, nhưng việc thực thi vẫn chưa theo kịp. Từ sau vụ bảo vệ bệnh viện nhi chặn xe cứu thương chấn động dư luận, các nhà chức trách, cơ quan chức năng liên quan mới giật mình yêu cầu chấn chỉnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh ở Trung ương và địa phương chấn chỉnh, xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng với các tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp dịch vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và chất lượng hoạt động khám chữa bệnh. Công văn cũng nêu rõ, các cơ sở y tế tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho các nhân viên đang thực hiện dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp với người bệnh, người nhà người bệnh. Phân công đơn vị của bệnh viện là đầu mối chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra các hoạt động dịch vụ thuê khoán do tổ chức, cá nhân cung cấp; xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh… Có thể thấy, nội dung chỉ đạo khá sát sườn, cụ thể, nhưng làm sao để các tiểu tiết ấy hiện thực hóa không phải dễ; bởi ai cũng hiểu kinh doanh trước hết phải là lợi nhuận.

TÂY BÌNH

TÂY BÌNH