Đừng để bình mới rượu cũ

TÙY PHONG 20/07/2016 09:12

Theo thống kê, tại Quảng Nam, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 11,58 tiêu chí/xã, tăng 0,08 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015. Hiện có 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 57 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 87 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Trong 6 tháng đầu năm nay đã công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 54 xã, chiếm 26,4% số xã. Thủ tướng cũng đã công nhận huyện Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Kế hoạch vốn hỗ trợ, đầu tư chương trình nông thôn mới của Quảng Nam từ nguồn ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh năm 2016 gần 270 tỷ đồng. Trong đó đã phân bổ gần 95 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh môi trường, đào tạo, tập huấn và quản lý… Mới đây nhất, trong khi chờ các bộ, ngành thẩm định nguồn vốn từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, UBND tỉnh tạm ứng 155,8 tỷ đồng cho 56 xã thuộc 18 huyện, thị, thành phố được chọn hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 và cấp gần 16,2 tỷ đồng cho 13 xã để thực hiện các dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn. Điều ấy cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc thực thi chương trình này đúng tiến độ. Những động thái đầu tư ấy cho thấy con số nợ hơn 157,2 tỷ đồng xây dựng cơ bản của chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 không phải là chuyện đáng để lo ngại khi có nhiều cách giải quyết. Điều lo ngại hơn cả là một khi các địa phương đầu tư quá nhiều, vượt khả năng ngân sách nhưng thiếu hậu kiểm, để cố đạt cho được những tiêu chí cứng mà quên đi chất lượng sống của người dân. Không ít kế hoạch phát triển xã nông thôn nhiều nơi còn nặng hình thức, đại trà, “nhân bản”, thiếu kết nối nông thôn, đô thị, và phá vỡ không gian nông thôn truyền thống.

Không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội đã chọn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư thực hiện cho giai đoạn năm năm tới (2016 - 2020), thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực như trước đây. Đây là một chủ trương đúng đắn, giải quyết những vấn đề chiến lược, cốt lõi cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước làn sóng cạnh tranh hội nhập. Kế hoạch 5 năm tới, nước ta sẽ đạt 50% số xã nông thôn mới, gấp 2,5 lần so với chỉ tiêu 20% số xã nông thôn mới 5 năm qua là một thách thức rất lớn. Có thể khẳng định việc xây dựng nông thôn mới sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều. Cuộc thay đổi này phải thực sự là một cuộc “cách mạng ở nông thôn”. Tiêu chí phải đạt là yêu cầu bắt buộc để được công nhận theo chuẩn quốc gia. Nhưng trên hết, sự phát triển thực chất kinh tế, tạo ra vật chất, tạo dựng được môi trường nông thôn văn minh, đáng sống và bền vững vẫn là điều cần thiết. Nông thôn mới vẫn phải tiếp tục được “làm mới” để trở thành một môi trường đáng sống, được đo lường bằng sự hài lòng của người dân hơn là những tiêu chí kỹ thuật, không phải chỉ bằng cách đổ tiền vào các dự án đầu tư hạ tầng nông thôn như đã thấy từ nhiều năm qua. Người dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh, thông qua con đường đào tạo nghề, làm giàu trên mảnh đất nông thôn. Đích đến của nông thôn mới vẫn còn đang ở phía trước. Nếu không có những điều chỉnh hợp lý thì việc đầu tư vào nông thôn vẫn chỉ như bình mới rượu cũ, chủ yếu “mới” ở hình thức mà thiếu đi phần hồn cốt và sự đổi thay, phát triển bền vững trong đời sống của người dân!

TÙY PHONG

TÙY PHONG