Bàn cách gỡ khó cho ngư dân và người trồng cao su

HÀN GIANG 19/07/2016 15:00

  • Khai mạc Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX
  • Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa IX: Nhận diện bất cập trong quản lý, điều hành

(QNO) - Sáng nay 19.7, tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 2, các đại biểu HĐND tỉnh khóa IX tập trung thảo luận tại tổ đối với các nội dung tờ trình, đề án do UBND tỉnh trình. Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các đại biểu đã có nhiều góp ý vào các giải pháp phát triển trong 6 tháng còn lại của năm 2016. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng cần phải tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý tài nguyên lâm, khoáng sản, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.

Quang cảnh các đại biểu thảo luận tại tổ sáng nay. Ảnh: HÀN GIANG
Quang cảnh thảo luận tại tổ sáng nay. Ảnh: HÀN GIANG

Gỡ khó cho ngư dân, nông dân

Theo đại biểu Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, những bất cập trong việc thực hiện chính sách của Nghị Định 67/2014/NĐ-CP khiến cho ngư dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng để đóng tàu. Các ngân hàng cho rằng phương án của các chủ tàu không khả thi, hoặc phải chờ đợi để được xét duyệt thủ tục vay tiền đóng tàu. Có trường hợp ngư dân đã bán tàu cũ nhưng đến nay vẫn chưa được ngân hàng xét duyệt cho vay vốn đóng tàu mới. Thăng Bình có 24 hồ sơ đăng ký vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP nhưng đến nay chỉ mới có 8 hồ sơ được xét duyệt vay vốn đóng tàu mới. “Vì vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp tục làm việc với ngân hàng nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản để cho ngư dân được thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn vay này để đóng tàu, vươn khơi sản xuất, góp phần giải quyết lao động biển. Đồng thời, trong quy hoạch phát triển thủy sản thời gian đến cần đưa nội dung phải hoàn thành việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP” - ông Vỹ nói.

Một khó khăn khác cũng được các đại biểu quan tâm đó là tình trạng giá mủ cao su giảm mạnh khiến người trồng cao su tiểu điều của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, diện tích cao su tiểu điền của huyện là 3.000ha, trong đó có khoảng hơn 1.000ha đã thu hoạch nhưng giá mủ cao su quá thấp khiến người trồng cao su tiểu điền gặp rất nhiều khó khăn. Họ rất băn khoăn, không biết phá cao su để trồng cây khác hay giữ lại chờ giá mủ cao su được phục hồi. Người dân mong muốn được nhà nước hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này, giữ vững diện tích cây cao su đã trồng. “Huyện luôn tuyên truyền, vận động bà con giữ vững diện tích cây cao su tiểu điền. Và cũng kiến nghị HĐND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân giữ vững diện tích đã trồng” - ông Tỉnh kiến nghị.

Để giải quyết khó khăn của người trồng cây cao su hiện nay, các đại biểu cũng cho rằng, các ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất dưới tán cây cao su. Mô hình sản xuất này sẽ giúp người trồng cây cao su tiểu điền sống được, bám trụ được khi giá mủ cây cao su thấp như hiện nay. Việc trồng cây cao su phát triển đến nay không phải là chuyện của ngày một ngày hai, chặt phá cây cao su để trồng loại cây mới là một việc làm hết sức tiêu cực. Đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh cần phải có các mô hình, giải pháp ứng phó hữu hiệu để giúp người trồng cây cao su tiểu điền vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đẩy mạnh truyền thông hôn nhân ở miền núi

Tham gia thảo luận tại tổ sáng nay, ông Hồ Thanh Tân - Phó ban Dân tộc tỉnh cho biết, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dù chưa được thống kê đầy đủ, nhưng qua khảo sát tại 6 huyện vùng cao, ngành chức năng đã ghi nhận 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết trong giai đoạn 2010 - 2015. Hệ lụy của tình trạng này là các em lấy vợ lấy chồng rất sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Rồi sinh nhiều con (3 - 4 con), con cái bị suy dinh dưỡng, bệnh tật, trí năng không phát triển bình thường như các trẻ em khác. Nguyên nhân của tình trạng này là do ngoài ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, thì nhiều bậc cha mẹ do nhận thức còn hạn chế đã cưỡng ép con cái mình lập gia đình sớm. Nhận thức về pháp luật trong một bộ phận người dân địa phương còn rất hạn chế. Các em mới 13 - 14 tuổi nhưng nghỉ học sớm, nghe theo cha mẹ để cưới vợ, cưới chồng nhưng chưa định hình được hết những khó khăn mà mình phải gánh chịu khi bước vào đời sống hôn nhân quá sớm.

Để giải quyết hiệu quả tình trạng trên, ông Hồ Thanh Tân đề nghị chính quyền các địa phương miền núi bên cạnh chăm lo thực hiện tốt các chính sách dân tộc thì cần tập trung thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4462/KH-UBND tỉnh ngày 5.10.2015 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số.

Nhìn nhận về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cùng dân tộc thiểu số đang diễn ra ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Đây là một tập tục đã tồn tại từ lâu đời, chúng ta phải chấp nhận nó và từng bước giải quyết thì mới có hiệu quả. Không thể trông đợi vào một thời gian ngắn mà giải quyết ngay được. Chúng ta phải làm kiên trì, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tập trung làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu, thay đổi nhận thức. Giải pháp truyền thông phải là giải pháp lâu dài, với những hình thức đa dạng và hiệu quả”.

HÀN GIANG

HÀN GIANG