Bộ Y tế ra công điện khẩn tăng cường phòng chống dịch bạch hầu

(Theo VTV, Cục Y tế dự phòng) 15/07/2016 12:17

(QNO) - Về việc xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Bình Phước khiến 3 người tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa ra công điện khẩn về triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Tiêm vắc xin bạch hầu tại xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) vào tháng 7.2015 sau khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại địa phương này. Ảnh: VĂN HÀO
Tiêm vắc xin bạch hầu tại xã Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) vào tháng 7.2015 sau khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại địa bàn vùng cao này. Ảnh: VĂN HÀO

Công điện của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bình Phước tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu; phát hiện sớm các trường hợp mắc mới; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ cao; triển khai các biện pháp xử lý kịp thời ổ dịch nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong.

Ngoài ra, Sở Y tế Bình Phước cần phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; tăng cường tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống giúp người dân chủ động phòng tránh.

Cũng trong chiều 13.7, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức họp khẩn với Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhằm triển khai các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu. Theo đó, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh sẽ cử cán bộ của Viện nằm vùng ở tỉnh Bình Phước, giúp đỡ, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật. Ngày 14.7, Sở Y tế Bình Phước đã tổ chức họp báo công bố dịch bạch hầu tại địa phương này.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vacxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

(Theo VTV, Cục Y tế dự phòng)

(Theo VTV, Cục Y tế dự phòng)