Phán quyết lịch sử của PCA - Kỳ 2: Phản ứng của cộng đồng quốc tế

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 15/07/2016 10:16

Có thể nói chưa bao giờ, một phán quyết mang tính pháp lý của một tổ chức quốc tế lại được cộng đồng và toàn bộ cơ quan truyền thông quốc tế chờ đón như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

  • Phán quyết lịch sử của PCA - Kỳ 1: Diễn biến vụ kiện lịch sử

Sở dĩ có tình trạng đó bởi ngay từ đầu, Trung Quốc đã tỏ ra thách thức luật pháp quốc tế, chẳng những đã từ chối tham gia vụ kiện mà còn bêu riếu PCA, gọi việc xét xử này là “trò hề”. Nay thì “trò hề” đó đã làm Trung Quốc choáng váng bởi những âm mưu bá quyền của họ ở Biển Đông đã bị phơi bày qua một bản án mà giá trị phán quyết và tính pháp lý của nó khiến cho không một quốc gia nào dám coi thường.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng

Một điều cần nhớ là không một quốc gia nào được phép coi thường phán quyết của tòa quốc tế. Có thể ngay khi phán quyết vừa đưa ra, họ tỏ ý phản đối hoặc không công nhận nhưng dần dần rồi họ cũng tìm cách thể hiện sự tuân thủ.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila sau phán quyết của tòa trọng tài ở La Haye.  Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila sau phán quyết của tòa trọng tài ở La Haye. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay khi phán quyết chiều 12.7 được tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Perfecto Yasay của Philippines đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của PCA. Ông cho rằng phán quyết này đã đóng góp vào việc nỗ lực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, khiến các quốc gia thành viên biết tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông cũng cảnh báo các công dân Philippines đang làm việc và sinh sống tại Trung Quốc “hành xử thận trọng”.

Trong khi chờ đợi tuyên bố chính thức của Chính phủ Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12.7. Ông nói: “Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5.12.2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gởi Tòa trọng tài”. Ông tái khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với vùng nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hoàn toàn phù hợp Công ước UNCLOS 1982, bao gồm tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố ca ngợi phán quyết của PCA là “một đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby bày tỏ hy vọng và mong muốn các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với các phán quyết có tính ràng buộc pháp lý này. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các bên hữu quan tự kiềm chế và tránh những hành động căng thẳng.

Cùng ngày 12.7, ông Dan Sullivan - thành viên Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, phát biểu trong hội thảo thường niên về Biển Đông nhận định rằng Trung Quốc đang thách thức luật pháp quốc tế. Ông nói: “Nhiều bằng chứng diễn ra trong những năm gần đây cho thấy Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng có tranh chấp với họ. Bắc Kinh đã thực hiện bồi đắp nhiều thực thể” (các bãi đá ngầm - NV). Ông cho rằng những người lãnh đạo Trung Quốc miệng thì nói không quân sự hóa các tranh chấp ở Biển Đông nhưng thực tế họ rất hung hăng. Điều này đang đe dọa quyền tự do hàng hải của Mỹ và Chính phủ Mỹ cần hành động để bảo vệ các quyền lợi của mình.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố gọi phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc pháp lý cao, do vậy các bên hữu quan phải tuân thủ và tôn trọng phán quyết này.

Bộ Ngoại giao Singapore ra tuyên bố yêu cầu tất cả các bên tôn trọng đầy đủ quy trình pháp lý và ngoại giao, tự kiềm chế và tránh tất cả các hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố kêu gọi các bên liên quan giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông. Thái Lan cho rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết thông qua các nỗ lực phối hợp và bằng mọi cách dựa trên lòng tin tưởng lẫn nhau cũng như các lợi ích công bằng phản ánh bản chất mối quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố đang nghiên cứu nội dung phán quyết của PCA và sẽ có tuyên bố chính thức.

Tiến thoái lưỡng nan

Philippines sẽ hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA
Ngày 14.7, Philippines đã hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời cho biết Manila sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tới đây.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Ngoại trưởng nước này Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEM diễn ra trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 15.7, tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, trong đó có sự tham gia của cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.  Thông báo nêu rõ trong chương trình nghị sự của Hội nghị ASEM, Ngoại trưởng Yasay sẽ thảo luận về “cách tiếp cận hòa bình và dựa trên các nguyên tắc của Philippines” đối với vấn đề Biển Đông và sự cần thiết các bên phải tôn trọng phán quyết mới đây của PCA. T.B (theo ttxvn/tintuc)

Trong khi đó với những luận điệu cũ rích, Trung Quốc vẫn lớn tiếng phản đối phán quyết của PCA. Theo nhiều chuyên gia, sự thực là họ rất sợ phiên tòa này bởi hơn ai hết, họ biết rằng những cái gọi là “bằng chứng lịch sử” do họ đưa ra để bào chữa cho hành vi bá quyền của họ trên Biển Đông là hoàn toàn bịa đặt. Điều mà họ ngán ngại nhất là Tòa nhận thụ lý đơn kiện của Philippines sau khi những nỗ lực vuốt ve của họ đối với Philippines “cùng hợp tác để khai thác tài nguyên biển ở vùng đá Scarborough” thất bại. Tuy nhiên “lỡ phóng lao thì phải theo lao” nên khi các phiên xét xử diễn ra cũng như trước và sau khi PCA tuyên án, Trung Quốc vẫn phải một mực phản đối.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 11.7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc “cam kết duy trì hòa bình và ổn định” nhưng sẽ không chấp nhận phán quyết. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị thì đưa ra phản thuyết rằng phán quyết của PCA “sẽ khiến tình trạng căng thẳng và đối đầu ở Biển Đông càng tệ hại hơn”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng, dù PCA có phán quyết thế nào đi nữa thì vẫn “không ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc”.

Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, Bắc Kinh đã gọi phán quyết này là “hồ đồ”. Các cơ quan truyền thông thông tin Trung Quốc được huy động để phản đối phán quyết của PCA. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận ra rằng Bắc Kinh đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, chịu một áp lực nặng nề từ phán quyết của PCA và việc họ lên tiếng phủ nhận hay bất chấp nó chỉ là một tình thế gặm gân gà; bỏ đi thì tiếc mà ăn thì không trôi được.

Dưới mắt các nhà bình luận quốc tế, phán quyết của PCA là “một đòn giáng mạnh vào đường lưỡi bò”. Ông Ernest Bower - Giám đốc chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định rằng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục dùng tàu chiến hoặc tàu phi quân sự để yêu sách đường lưỡi bò thì “Chẳng khác nào Trung Quốc tự thừa nhận mình đang chà đạp luật pháp quốc tế”. Theo ông, đây là lúc Trung Quốc “tự xét lại mình để chọn vị thế làm kẻ đứng ngoài luật pháp quốc tế hay chịu tiếp cận để có vị thế của một cường quốc trong khu vực”.

Ông Kazianis - chuyên gia thuộc Quỹ Potomac, Hoa Kỳ cho rằng, Bắc Kinh nên có vài ngày để nghiên cứu kỹ phán quyết. Ông nói: “Hy vọng rằng sau vài ngày nghiên cứu, Trung Quốc sẽ lặng lẽ hướng tới một giải pháp thỏa hiệp mà các quốc gia quanh Biển Đông có thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Giáo sư James Homes ở Trường chiến tranh hải quân Hoa Kỳ nhận định, Trung Quốc có thể chọn một trong 4 cách: (1) Thực hiện theo phán quyết, (2) Leo thang căng thẳng, (3) Giảm nhẹ hoạt động để vuốt ve phản ứng quốc tế và (4) Ngoại giao kết hợp với đe dọa phi quân sự. Có thể Trung Quốc chọn cách thứ 4, bởi họ là “nhà nghề” của lá bài này.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

VŨ ĐỨC SAO BIỂN