Giám định bảo hiểm y tế điện tử: Lúng túng ở cơ sở
Hệ thống giám định bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử đã chính thức được vận hành tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đang gặp khó khăn trong thực hiện giám định theo đúng thời gian quy định.
Khó khăn ở vùng cao
Việc áp dụng phần mềm giám định BHYT điện tử sẽ giúp kết nối giữa BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh trong việc quản lý tài chính, cấp phát thuốc cũng như khám chữa bệnh được minh bạch, rõ ràng, hạn chế tối đa việc lạm dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai vận hành hệ thống phần mềm giám định còn gặp nhiều khó khăn. Ông Chơrum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết: “Sau khi được tập huấn ở tỉnh, trung tâm cùng với BHXH huyện tiến hành tập huấn cho các khoa phòng cũng như trạm y tế xã. Ở mỗi khoa phòng của trung tâm, đều thành lập tổ kiểm soát để chạy chương trình này. Khó khăn nhất là ở các trạm y tế tuyến xã. Đây là huyện miền núi, ở các xã đến điện thắp sáng còn khó huống gì là internet”. Theo ông Vòm, hiện đã có 6/12 xã được tập huấn về chương trình này, tuy nhiên để triển khai thì còn rất nhiều khó khăn. “Theo dự tính của chúng tôi, để phủ sóng được chương trình này cho các xã, phải đầu tư ít nhất 500 triệu đồng để thiết lập hệ thống đường truyền cho đến cập nhật phần mềm. Đây là một việc rất khó” - ông Vòm cho biết thêm.
Phần mềm giám định BHYT điện tử đã được lắp đặt nhưng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa thể triển khai.Ảnh: D.LỆ |
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hữu Long - phụ trách Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho hay, chương trình giám định BHYT điện tử mới được triển khai tập huấn cho các cán bộ trung tâm y tế huyện vào ngày 13.7, còn lại ở 12 trạm y tế trong toàn huyện vẫn chưa thể áp dụng. “Cái quan trọng nhất là đường truyền internet để chạy chương trình này. Đây là huyện miền núi nên rất khó khăn. Nếu dùng mạng 3G thì liệu chương trình có thể chạy nổi hay không. Hơn nữa, trình độ của các cán bộ y tế ở đây vẫn còn hạn chế, việc cập nhật còn chậm nên rất khó để triển khai một cách đồng bộ” - bác sĩ Long cho biết.
Dù khó là vậy, nhưng vì là quy định bắt buộc, trong khi ở các huyện miền núi gần như toàn bộ người dân đều đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nếu không thực hiện giám định điện tử được chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh, nên các huyện miền núi cũng đã quyết tâm bằng mọi cách phải làm bằng được.
Chưa thể triển khai
Không riêng gì ở miền núi, ngay cả các cơ sở khám chữa bệnh ở vùng đồng bằng dù đường truyền, máy tính đã được Viettel lắp đặt nhưng vẫn đang lúng túng trong ứng dụng phần mềm giám định BHYT điện tử. Theo bác sĩ Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện vẫn đang dùng theo cách cũ để làm việc, còn áp dụng phần mềm chương trình này phải đến cuối năm mới có thể tiến hành. Bác sĩ Vinh cho biết: “Hiện nay bệnh viện dùng phần mềm quản lý của VNPT, trong khi đó phần mềm giám định lại là của Viettel cài đặt nên chưa tương thích được. Chúng tôi phải chờ VNPT viết một phần mềm quản lý tương ứng với chương trình này mới có thể đồng bộ và khớp khi trích xuất các báo cáo”.
Các cơ sở y tế tư nhân cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Có rất nhiều lý do khiến chương trình giám định BHYT điện tử vẫn chưa thể hoàn thành. Bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cho biết: “Bệnh viện đang gấp rút triển khai chương trình giám định điện tử này, tuy nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là các mẫu báo cáo giữa BHYT và Bộ Y tế đã có sự thay đổi, chênh lệch so với trước, ngay cả trong chẩn đoán bệnh cũng đã có thay đổi lớn. Chính vì vậy phải viết lại phần mềm cho tương thích với những thay đổi này thì mới kết xuất lên hệ thống dùng chung, rồi mới giám định. Trong khám chữa bệnh có hơn 10 nghìn danh mục thuốc, vật tư y tế…, mỗi một danh mục phải gắn với một mã cố định nên việc thay đổi này đòi hỏi có nhiều thời gian hơn để triển khai các công tác liên quan”.
Đến thời điểm này, theo Chi nhánh Viettel Quảng Nam, tổng số đơn vị đã được lắp đặt đường truyền và máy tính là 267/271. Bốn cơ sở y tế còn lại chưa triển khai lắp đặt cả đường truyền lẫn máy tính được gồm Trạm Y tế xã Tam Phước (huyện Phú Ninh) do cơ sở chưa hoàn thiện việc xây dựng nên khi xây xong sẽ triển khai lắp đặt; các trạm y tế cách quá xa trạm viễn thông không triển khai được gồm xã Trà Cang, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Trà Đốc (huyện Bắc Trà My). Đối với các xã quá xa này, ông Đồng Xuân Minh - Giám đốc Chi nhánh Viettel Quảng Nam cho biết: “Viettel đang cố gắng để thiết lập trạm hoàn toàn mới ở 3 điểm xã quá xa này. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng trong năm 2016 để có thể cung cấp dịch vụ đường truyền internet, kết nối liên thông trong hệ thống giám định BHYT điện tử”. Còn việc phần mềm giám định do Viettel viết và triển khai, tùy vào tình hình thực tế của từng cơ sở khám chữa bệnh, Viettel cùng với BHXH tỉnh, huyện sẽ trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cụ thể để các trung tâm, trạm y tế có thể sử dụng được. Nhưng điều quan trọng là các cơ sở y tế phải hoàn chỉnh bộ danh mục dùng chung, nếu kết cấu không đồng bộ được thì cơ sở cung cấp dịch vụ mạng, phần mềm và BHXH, Sở Y tế sẽ cùng giúp chỉnh sửa để khớp nối và đưa lên hệ thống dùng chung thì mới có thể liên thông trong toàn hệ thống.
DIỄM LỆ - NGUYỄN DƯƠNG