Tiếp tục phủ sóng truyền hình số tới hộ nghèo
Đến đầu tháng 7.2016, tại Đại Lộc và Duy Xuyên có thêm 3.960 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình kỹ thuật số, phần lớn bà con tiếp cận dịch vụ với chất lượng tốt. Tuy nhiên, cá biệt tại một vài nơi vẫn còn hiện tượng “lõm” sóng.
Hỗ trợ thông tin, dịch vụ
Lần hỗ trợ bổ sung này, 3.960 hộ nghèo và cận nghèo tại 9 xã của hai huyện Đại Lộc và Duy Xuyên được tiếp tục hỗ trợ đầu thu số DVB-T2. Trước đó, cuối năm 2015, 11.459 hộ nghèo và cận nghèo khu vực Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên đã được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số, đóng góp vào thành quả của lộ trình “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT, trong và sau khi triển khai hỗ trợ lắp đặt đầu thu truyền hình số, sở đã chỉ đạo Phòng VH-TT và các đài truyền thanh - truyền hình huyện triển khai các nội dung tuyên truyền về số hóa truyền hình đến người dân. Tại mỗi huyện, Sở TT-TT đều công bố địa điểm của trung tâm bảo hành để người dân tiện liên hệ nếu có vướng mắc phát sinh trong quá trình sử dụng. Cụ thể, tại Đại Lộc là Điện máy Hải Âu (khối 2, thị trấn Ái Nghĩa, số điện thoại 0510.3.865.276); Duy Xuyên là Điện máy Chí Trực (QL 1, thị trấn Nam Phước, điện thoại 0510.3.778.567). Bà con cũng có thể liên hệ đường dây nóng của Trung tâm chăm sóc khách hàng là 19007188. Ngoài ra, bất cứ thông tin hỗ trợ về chế độ, chính sách hỗ trợ đầu thu truyền hình số, người dân cũng có thể liên hệ qua Phòng Bưu chính - viễn thông của Sở TT-TT là 0510.3.811.761 để kịp thời được giải đáp, hỗ trợ.
Kiểm tra việc lắp đặt đầu thu truyền hình số tại cơ sở. Ảnh: N.Duy |
Được biết, đến 30.6, các đơn vị trúng thầu đợt này là Công ty CP Cokyvina, Công ty TNHH Thương mại T.C và Công ty TNHH Giải pháp điện tử T.C Việt Nam đã hoàn tất phần lắp đặt của mình tại các địa phương nói trên. Ông Lê Viết Khoa - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại T.C tại Đà Nẵng cho hay: “Đơn vị đã triển khai 14 đội lắp đặt tại 7 xã của huyện Đại Lộc, mỗi ngày lắp đặt 400 đầu thu, bên cạnh đảm bảo đúng tiến độ đề ra, chúng tôi còn chú trọng đến chất lượng xem truyền hình của bà con, trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân, dự phòng đầu thu tại các xã để thay thế trường hợp sản phẩm bị hỏng. Thiết bị đầu thu sẽ được bảo hành miễn phí, sản phẩm bị hỏng sẽ được thay thế trong vòng 10 ngày, kể từ ngày lắp đặt. Sản phẩm được bảo hành 18 tháng, kể từ ngày bàn giao”. Theo quy định, mỗi hộ được nhận 1 đầu thu DVB-T2, ăng ten phù hợp cùng dây cáp dài 15m. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật viên tới tận nhà lắp đặt, vận hành, hướng dẫn cho bà con cách thức sử dụng…
Bà Lê Thị Đào, khu 6, thị trấn Ái Nghĩa chia sẻ: “Được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số, gia đình tôi có điều kiện xem truyền hình với mấy chục kênh mà không phải tốn tiền hằng tháng để sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Đây là chủ trương tốt của nhà nước khiến người nghèo như chúng tôi rất mừng”. Ông Nguyễn Tám - Tổ trưởng khu 6, thị trấn Ái Nghĩa cho hay, toàn khu 6 có 34 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nhận đầu thu truyền hình số mặt đất. Từ khi lắp đặt tới nay, phần lớn các hộ đều xem được truyền hình với tín hiệu sóng tốt, có hộ xem được vài chục kênh.
Vẫn còn vùng “lõm sóng”
Trong khi hộ nghèo và cận nghèo các địa phương khác được hưởng lợi thì vẫn còn cả trăm hộ nghèo và cận nghèo thuộc những thôn sát núi của xã Đại Đồng gặp khó khi xem truyền hình, cụ thể như thôn Phước Lộc, An Định. Tại hai thôn này, nhiều hộ chỉ bắt sóng được vài kênh, có hộ không dò được kênh nào. Để khắc phục, nhiều hộ phải mua thêm ăng ten quay khác để bắt được sóng truyền hình, số khác quay về dùng chảo parabol vốn được bày bán trôi nổi ngoài thị trường. Ông Nguyễn Trề - Trưởng thôn An Định, xã Đại Đồng chia sẻ: “Cả thôn có 30 hộ được hỗ trợ đầu thu thì hiện giờ chưa ai xem được truyền hình vì sóng quá yếu, có hộ do lắp đặt ăng ten, thiết bị không đúng kỹ thuật cũng không xem được”. Tại thôn Phước Lộc, tình hình cũng không khá hơn. Ông Phùng Ba, một hộ dân trong thôn chia sẻ: “Thiết bị đầu thu được phát về, tôi mới cắm điện vào đã hỏng, không thấy tín hiệu. Không xem được ti vi, tôi phải mượn thiết bị từ nhà khác về thử xem sao, nghe đâu nhà này cũng chỉ bắt được 11 kênh”. Nhiều hộ trong thôn Phước Lộc, An Định có nhiều người già yếu dù được hỗ trợ thiết bị nhưng họ không thể tự lắp đặt. Có hộ không xem được truyền hình sau khi lắp đặt đầu thu hỗ trợ đã chuyển sang sử dụng chảo parabol trôi nổi trên thị trường. Đáng nói, ngay trong cùng thôn Vĩnh Phước nhưng có hộ dò được sóng, có hộ đành chịu, như trường hợp ông Ngô Ngơi. Đầu thu của gia đình ông Ngơi không bắt được sóng, ông phải lặn lội đi mua thêm một ăng ten quay khá đắt trên thị trường nhưng về cũng chỉ bắt được 11 kênh, dù được quảng bá là tới 40 kênh.
Trước sự việc trên, các công ty, nhà chuyên môn cho rằng đây là vùng “lõm sóng” vì cách xa trạm phát sóng tại Đà Nẵng, bị cây cối, vách núi che khuất. Tại chuyến kiểm tra mới đây, ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích - Bộ TT-TT cho hay: “Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc giám sát các nhà thầu thi công, lắp đặt thiết bị. Đối với các hộ dân ở vùng lõm sóng thuộc xã Đại Đồng, chúng tôi yêu cầu phía nhà thầu tìm phương án khắc phục, có thể nâng cao vị trí lắp đặt ăng ten để người dân thu sóng truyền hình một cách tốt nhất”. Trong khi đó, ông Lê Viết Khoa - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại T.C tại Đà Nẵng thông tin, hiện doanh nghiệp đã hoàn thành việc lắp đặt tại nhiều địa phương, riêng xã Đại Đồng do sóng yếu, khu vực sát núi, doanh nghiệp đã đề nghị phía trạm phát sóng tại Đà Nẵng tăng cường phát sóng ở khu vực này để bà con có thể nhận tín hiệu tốt hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kiến nghị lên Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và phía Quảng Nam có giải pháp hỗ trợ ăng ten đắt tiền đến hộ nghèo ở các khu vực “lõm sóng” hoặc sóng yếu để bà con xem truyền hình tốt hơn. Được biết, thiết bị ăng ten này có giá 250.000 - 300.000 đồng/thiết bị.
TRIÊU NHAN - NHẬT DUY