Phát triển mạng lưới lưu trú tại Hội An: Cần công khai, minh bạch
Hội An đang tiến hành khảo sát để quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn đến năm 2025 nhằm tăng cường công tác quản lý và công khai, minh bạch để tạo thuận lợi cho đơn vị, cá nhân có nhu cầu đầu tư, mở rộng loại hình dịch vụ này.
|
Trẻ em nước ngoài cùng vui chơi với trẻ em tại homestay ở An Bàng (Cẩm An). Ảnh Đ.Huấn |
Ngừng để điều chỉnh
Sau nhiều tháng “lùng” mua một lô đất tại phường Cẩm Phô để kinh doanh du lịch, ông N.T.L., một nhà đầu tư đến từ Hà Nội phải gác lại ý định của mình vì một lý do đơn giản: “Mua đất xong rồi mới biết là tuyến đường này không cho phát triển thêm biệt thự du lịch, tôi đành dừng mọi ý định đầu tư vào Hội An vì thiếu thông tin” - ông nói.
Tính đến ngày 30.6 năm nay, tại Hội An có 77 cơ sở biệt thự du lịch với 698 phòng, trong đó loại từ 10 phòng đón khách trở lên có 46 cơ sở với 297 phòng; loại dưới 10 phòng đón khách có 31 cơ sở với 401 phòng. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại - du lịch Hội An, đến nay mới chỉ có 7 cơ sở cơ bản đảm bảo TCVN 7795:2009 về xếp hạng biệt thự du lịch, còn đến 70 biệt thự không đảm bảo tiêu chuẩn này. Do các biệt thự du lịch đã đưa vào hoạt động, đón khách nhưng không đảm bảo theo tiêu chuẩn về số lượng phòng trên đơn nguyên biệt thự, hình thức kiến trúc, các hạng mục chức năng nên ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An đề nghị: “Đối với các biệt thự du lịch có quy mô từ 10 phòng trở lên và có kiến trúc dạng hình khối hoặc thành từng cụm nhưng có hơn 5 phòng trên một đơn nguyên thì Sở VH-TT&DL nên giao cho phòng vận động chuyển qua mô hình khách sạn hoặc bổ sung các hạng mục chức năng cho đúng quy định. Đối với các biệt thự du lịch có quy mô từ 10 phòng trở lên nhưng có kiến trúc là những cụm nhỏ, có từ 5 phòng trên một đơn nguyên trở xuống và các biệt thự du lịch có quy mô dưới 10 phòng thì vẫn giữ nguyên loại hình lưu trú và đề nghị sở linh hoạt trong việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú”.
Từ năm 2013 đến nay, toàn TP. Hội An có 544 cơ sở lưu trú theo 2 loại hình biệt thự du lịch và homestay đã được cho phép đầu tư với khoảng 4.776 phòng và đã có 269 cơ sở đã đưa vào hoạt động với 1.478 phòng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cùng với tốc độ tăng khá lớn và nhanh các cơ sở lưu trú, đặc biệt là sự gia tăng nhanh về số lượng homestay thì tình trạng hoạt động không đúng định hướng ban đầu dẫn đến hiệu quả thấp, cạnh tranh không lành mạnh, chỉ phục vụ lưu trú mà không khai thác được thế mạnh của văn hóa địa phương, không tạo được sản phẩm đặc trưng loại hình. “Thực trạng này khiến ngày 22.10 năm ngoái, UBND thành phố đã thông báo ngừng tiếp nhận hồ sơ xin tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay trên địa bàn thành phố để đánh giá rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại những bất cập trong hoạt động, ngoại trừ xã Cẩm Kim, xã Tân Hiệp và phường Cẩm An vì có kế hoạch riêng” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.
Công khai, minh bạch cho dân
Các ngành chức năng của Hội An đang tiến hành khảo sát để quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn với mục đích đảm bảo định hướng phát triển theo hướng bền vững, hài hòa lợi ích của cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương. Trong đó, ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình biệt thự du lịch, homestay ở các vùng ngoại thị, vùng sâu, vùng xa để các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện tham gia và đã ban hành kế hoạch phát triển cụ thể về số cơ sở và số phòng tại từng tuyến đường, khu vực trong từng giai đoạn. Ông Nguyễn Văn Sơn nói: “Đề nghị Sở VH-TT&DL chính thức hỗ trợ thành phố quy hoạch phát triển mạng lưới lưu trú đến năm 2025 để trình tỉnh phê duyệt. Phải phê duyệt để có “cây gậy” trong quản lý”.
Được biết, từ tháng 6 năm ngoái, UBND thành phố đã ban hành thông báo thống nhất định hướng cho phép phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2016 đối với loại hình homestay và biệt thự du lịch. Tập trung ưu tiên phát triển mạng lưới theo vùng, theo khu vực, không giới hạn về chỉ tiêu, số cơ sở và số phòng; đặc biệt là khu vực phía đông, phía nam và phía tây thành phố gồm phường Cửa Đại, phường Cẩm Châu (khối An Mỹ, Thanh Tây), xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Kim, xã Cẩm Hà, phường Thanh Hà, phường Cẩm Nam (khối Hà Trung, Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây)… để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch. Cùng với đó, Hội An không cho phép phát triển cơ sở lưu trú dưới bất kỳ hình thức nào ở khu vực I, IIA khu phố cổ nhằm bảo tồn cảnh quan, trật tự của khu di tích. Riêng các khu vực còn lại ở các phường nội thị gồm Sơn Phong, Cẩm Phô, Minh An, Tân An sẽ xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể trên quy hoạch đã được duyệt.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, Hội An phải quy hoạch mạng lưới lưu trú, chỗ nào cho, chỗ nào không cho và sở sẽ tham gia quy hoạch này để trình UBND tỉnh phê duyệt. Phải công khai, minh bạch để người dân biết; khi không cho phép thì bất cứ trường hợp nào cũng không cho chứ không tùy theo từng trường hợp. “Quan điểm của tôi là cởi mở, khi đủ tiêu chuẩn thì để dân làm. Quy hoạch du lịch Quảng Nam sắp tới còn 5.000 phòng nữa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu ủy quyền một số vấn đề cho Phòng Thương mại - du lịch Hội An giải quyết, kiểm tra, kiểm soát, định lượng chất lượng đối với cơ sở lưu trú. Riêng đối với Cù Lao Chàm thì dứt khoát đi theo hướng homestay” - ông Hài khẳng định.
Điều chỉnh hướng phát triển mạng lưới lưu trú Đến nay, mạng lưới cơ sở lưu trú ở Hội An cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, thu hút đông đảo nhân dân tham gia đầu tư, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tuy vậy để phát triển bền vững mạng lưới lưu trú và tạo ổn định về trật tự kinh doanh dịch vụ này, thành phố đã có những điều chỉnh mới. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, địa phương đã triển khai xây dựng và thực hiện thành công đề án về phát triển loại hình homestay ở các địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, đồng thời cung cấp một loại hình du lịch mới, đó là cùng ăn cùng ở cùng làm cho du khách. Tuy nhiên, số cơ sở homestay mở ra cũng chỉ tập trung chủ yếu ở các phường trung tâm, vùng cận thị, còn ở vùng ngoại ô, các địa bàn xa xôi vẫn còn quá ít. Theo định hướng phát triển, homestay ở Hội An ngoài chức năng lưu trú đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định TCVN 7800:2009, phải nâng tầm dần thành sản phẩm du lịch văn hóa. “Hồn” của sản phẩm này chính là sức hút văn hóa thẩm thấu qua cuộc sống thường nhật của người dân. Khách du lịch chọn loại hình homestay là bởi họ muốn được khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa truyền thống cũng như khác biệt với họ của cư dân bản địa qua hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và làm việc... Thế nhưng, hiện nay mô hình homestay của người dân ở các địa phương khá đơn điệu, thiếu sinh động. “Trong quá trình làm, thành phố cũng tiếp tục khắc phục những mặt hạn chế của loại hình homestay hiện nay. Đó là một số trường hợp kinh doanh chưa đúng quy định, ví dụ là homestay nhưng thiếu các hoạt động trải nghiệm cho du khách và cạnh tranh về giá cả thiếu lành mạnh. Những cái đó thành phố đã phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh. Vừa rồi cũng đã có chủ trương thu hồi một vài cơ sở homestay để tạo điều kiện cho loại hình này phát triển đúng hướng và thực sự là loại hình du lịch cộng đồng, đáp ứng được yêu cầu và định hướng phát triển du lịch bền vững của thành phố” - ông Sơn nói. Thời gian qua, UBND thành phố đã có những quy định chặt chẽ trong việc phát triển mô hình du lịch homestay, nhất là việc điều chỉnh tăng diện tích đất tối thiểu để góp phần giữ gìn cảnh quan sinh thái, đồng thời cũng đã có chủ trương điều chỉnh định hướng phát triển mạng lưới cơ sở trên địa bàn. Từ nay trở đi, thành phố cũng không giải quyết các trường hợp xin chuyển đổi chủ đầu tư dự án trên lĩnh vực lưu trú và sẽ thu hồi chủ trương đã được cấp khi chủ đầu tư chuyển nhượng đất cho người khác. Đối với những trường hợp đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai nếu quá thời hạn quy định cũng sẽ được kiểm tra, rà soát và thu hồi chủ trương. Về thời gian thực hiện chủ trương đầu tư, UBND thành phố thống nhất điều chỉnh quy định 12 tháng đối với loại hình homestay, 18 tháng đối với loại hình biệt thự du lịch và 24 tháng đối với loại hình khách sạn. Thời gian này được tính từ khi có chủ trương đầu tư đến khi chủ đầu tư được cấp phép xây dựng. (ĐỖ HUẤN) |
QUỐC HẢI