Vụ phản đối khai thác cát tại Mỹ Hảo: Yêu cầu doanh nghiệp đối thoại với dân

TRIÊU NHAN - PHAN VINH 13/07/2016 09:16

Những ngày qua, trước sự phản đối kịch liệt của người dân thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong, Đại Lộc) về việc 3 doanh nghiệp tập trung khai thác cát, đe dọa sạt lở đất sản xuất cũng như mâu thuẫn giữa công nhân công ty với nhân dân, chính quyền Đại Lộc đã sớm vào cuộc và yêu cầu doanh nghiệp đối thoại với người dân.

  • Khai thác cát gây sạt lở sông Vu Gia
  • Vụ Phản đối khai thác cát ở thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong): Cần đối diện và đối thoại
Người dân Mỹ Hảo “vây” doanh nghiệp. Ảnh: TRIÊU NHAN
Người dân Mỹ Hảo “vây” doanh nghiệp. Ảnh: TRIÊU NHAN

Dân kịch liệt phản đối

Cuối tháng 6.2016, vụ việc một công nhân của Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Tuấn Thành (một trong 3 doanh nghiệp khai thác cát trên lòng sông Vu Gia, đoạn qua thôn Mỹ Hảo) có hành vi xô xát, gây thương tích cho người dân trong thôn đã làm dậy lên làn sóng phản đối khai thác cát trong nhân dân. Theo chính quyền xã Đại Phong, vụ xô xát, gây thương tích chỉ là mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, song vụ việc này như giọt nước tràn ly. Ông Nguyễn Tuấn - Tổ trưởng tổ 1, thôn Mỹ Hảo nói: “Sự việc ông Trần Lực, người cùng thôn và cũng là người của Công ty Tuấn Thành đánh tôi và người thân của tôi đều được bà con ở đây chứng kiến. Sự việc này xảy ra do tôi đã điện thoại cho một lãnh đạo của Công ty Tuấn Thành để bà con trong tổ được nói lên chính kiến của mình tới lãnh đạo công ty. Và ngay đêm hôm đó, ông Trần Lực đã tìm tôi gây sự, cho rằng tôi làm ảnh hưởng tới công việc làm ăn của ông. Ông này đã đấm vào mặt tôi, khiến tôi xây xẩm, máu me đầy mình. Ông Lực còn đánh vào đầu em gái tôi (Nguyễn Thị An) đến ngất xỉu, bị chấn động não phải nằm viện vì em gái tôi đã la to và cản trở ông Lực đánh tôi. Trong vụ xô xát này, mẹ tôi đã ngất xỉu, sức khỏe suy yếu. Tôi khẳng định giữa tôi với ông Lực chẳng xảy ra vướng mắc cá nhân gì cả”. Từ vụ việc này, rất đông người dân làng Mỹ Hảo đã tổ chức “vây” Công ty Tuấn Thành. Ông Nguyễn Đức Khôi, một người dân trong thôn Mỹ Hảo nói: “Không chỉ khai thác gây cạn kiệt tài nguyên, sạt lở đất sản xuất, người của công ty này còn xô xát, đánh dân, không thể chấp nhận được. Chúng tôi mong chính quyền giải quyết triệt để”.

Trên thực tế, giữa công nhân của các doanh nghiệp khai thác cát ở khu vực thôn Mỹ Hảo và người dân địa phương đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Trước đó, người của Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc cũng từng xảy ra mâu thuẫn với nhân dân tại tổ 1, thôn Mỹ Hảo, dẫn đến người dân cùng nhau “vây” doanh nghiệp này. Sự việc tưởng chừng đã lắng xuống thì gần đây, mâu thuẫn giữa người dân và công nhân Công ty TNHH Phú Hương, Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản Tuấn Thành tiếp tục nóng lên sau sự việc xô xát, đánh người vừa kể.

Thêm một lý do nữa để người dân Mỹ Hảo bao vây, yêu cầu các doanh nghiệp trên ngừng khai thác là họ lo sợ làng sẽ tiếp tục bị sạt lở trước sự tận thu khoáng sản của 3 doanh nghiệp trên khúc sông này. Ông Lâm Văn Láng (70 tuổi) nói: “Mỹ Hảo hiện có mấy chục hộ được di dời khỏi vùng sạt lở. Làng được Nhà nước hỗ trợ một đoạn kè giữ làng từ sau cơn đại hồng thủy năm 2009 làm sạt lở cả nửa làng ra sông. Hiện, còn 35 hộ vẫn chưa được di dời, nhà cửa đã sát sông, sụp sệ, nghiêng lún nhưng địa phương cấm không cho xây dựng kiên cố. Chúng tôi không biết làm sao, sửa nhà thì không cho, di dời lại không di dời, kè thì cũng không kè. Việc hút cát thì cứ diễn ra ngoài sông khiến chúng tôi rất lo, bất an”.  Một số người dân thì lo sợ việc 3 doanh nghiệp đặt máy hút áp lực lớn khai thác ngày đêm sẽ làm tan hoang vùng sản xuất hoa màu rộng 25ha, vốn là vùng rất màu mỡ, có thể trồng bí, ớt, đậu, bắp, là sinh kế cải thiện đời sống cho người dân…

Tổ chức đối thoại với dân

Ông Phạm Sau - Chủ tịch UBND xã Đại Phong giải thích, khu vực mà 3 doanh nghiệp đang khai thác nằm trong vùng quy hoạch mỏ của tỉnh, các công ty khi vào khai thác đều có họp dân và được bà con đồng tình. Địa phương cũng theo dõi sát sao việc khai thác của các công ty, việc khai thác phải nằm trong vùng quy hoạch theo chủ trương. Mọi việc chỉ “nóng” khi giữa ông Trần Lực, một công nhân của Công ty Tuấn Thành và ông Tuấn (người dân địa phương) xảy ra xô xát, ẩu đả. “Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kịp thời cử người xuống làm việc, ghi nhận tình hình, đồng thời báo cáo sự việc lên UBND huyện. Việc ông Trần Lực đánh người, chúng tôi đã chỉ đạo công an xã làm rõ, đồng thời yêu cầu gia đình ông này thăm hỏi, trả viện phí, tổn thất tinh thần cho nạn nhân. Ông Lực vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó” - ông Sau nói. Cũng theo ông Sau, vùng đất mà bà con lo sợ sạt lở chính là vùng đất tân bồi, chừng 8ha, hằng năm được xã đưa ra đấu giá cho người dân thuê, năm có năm không. Còn đất sản xuất hoa màu vòng 1 của bà con cách đó 300 - 400m nên không dễ gì ảnh hưởng. Việc khai thác của các doanh nghiệp sẽ tạo dòng chảy về phía bên bờ kia, sẽ không ảnh hưởng tới bờ bên này.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Đại Lộc đã nhanh chóng vào cuộc, tạm đình chỉ việc khai thác của 3 công ty trên, đồng thời chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND xã Đại Phong có buổi làm việc với 3 doanh nghiệp. Phòng TN-MT đã tổ chức đoàn khảo sát khu vực các doanh nghiệp khai thác trên địa bàn thôn Mỹ Hảo. Huyện Đại Lộc đã gửi văn bản yêu cầu xã Đại Phong tổ chức các đợt đối thoại giữa doanh nghiệp và nhân dân trong thôn để tìm tiếng nói chung. Theo ông Trương Văn Huấn - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc, trước mắt, tạm đình chỉ 3 công ty nói trên, chờ đối thoại với dân. Mỗi công ty phải giải thích trước người dân về việc khai thác của mình, quy trình cấp phép, phương pháp và quy mô khai thác… để người dân hiểu và tìm được tiếng nói chung. Đồng thời UBND xã Đại Phong và ngành chức năng có trách nhiệm giải thích rõ cho nhân dân về chủ trương quy hoạch mỏ của tỉnh, quy trình cấp phép, phương pháp và quy mô khai thác tại khu vực này. Chính quyền xã Đại Phong cần theo dõi, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong nhân dân và công ty. Rà soát những đối tượng quá khích, chống đối, đập phá tài sản để xử lý theo quy định. Được biết, thời hạn mà các doanh nghiệp trên được cấp phép khai thác là 5 năm, các doanh nghiệp sẽ hết hạn cấp phép vào năm 2019.

TRIÊU NHAN - PHAN VINH

TRIÊU NHAN - PHAN VINH