Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Cũng vì tắc trách trong quá trình di dời mà nhiều hộ dân ở Đại Lộc chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dù đã được tái định cư gần chục năm qua, trong đó nhiều nhất là các hộ dân thuộc diện tái định cư do di dời lũ lụt.
Nhiều hộ dân tại tổ 7, thôn Thạnh Đại đang mong ngóng sổ đỏ. Ảnh: VINH ANH |
Sống trên đất… vô chủ
Tổ 7, thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng (Đại Lộc) được người dân trong vùng gọi là “xóm mới” hay “xóm tái định cư”. Toàn bộ 30 hộ dân của tổ 7 đang sinh sống tại đây chủ yếu chuyển từ nơi khác đến. Tuy nhiên, theo số liệu do UBND xã Đại Hưng cung cấp thì chỉ mới khoảng một nửa số hộ tại đây có sổ đỏ, những hộ còn lại chưa biết đến bao giờ mới được cấp. Trong đó, đáng nói nhất là 7 hộ thuộc diện tái định cư di dời lũ lụt vào trước mùa mưa năm 2006. Do nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở bờ sông Con nên 7 hộ dân này được UBND xã Đại Hưng vận động di dời từ tổ 3 vào nơi ở mới thuộc tổ 7. Cả 7 hộ dân đều đã ký vào biên bản giao đất (bản viết tay) do đại diện UBND xã Đại Hưng lập. Được thừa nhận thuộc diện tái định cư di dời lũ lụt nhưng mãi đến nay, sau 10 năm, người dân vẫn không hiểu lý do gì mà sổ đỏ vẫn chưa được cấp. Trong khi đó điều kiện sống ở nơi tái định cư không đảm bảo.
Một trong 7 hộ dân được UBND xã Đại Hưng vận động di dời vào tổ 7 có hộ bà Phạm Thị Nở. Gia đình bà Nở nằm trong diện sạt lở được hỗ trợ 3 triệu đồng để di dời. Nhưng đến nay, khoảng một sào đất ở được cấp mà gia đình bà đã dựng nhà vẫn chưa có sổ đỏ. “Sống hơn 10 năm trên đất của mình mà không có sổ đỏ thì giống như sống trên đất… vô chủ vậy. Lâu lâu tôi đi hỏi thì chính quyền lại bảo từ từ, hồi mô có thì thông báo. Nhưng 10 năm rồi, có thấy mặt mũi cái sổ đỏ gì đâu. Cách đây hai, ba năm có thấy cán bộ đến đo đạc kỹ lắm, tưởng rồi sẽ được cấp sổ đỏ những rồi chờ mãi chẳng thấy đâu” - bà Nở chia sẻ.
Xã bảo đã gửi, huyện nói chưa nhận Khi được hỏi, hiện nay trên địa bàn xã có bao nhiêu hộ chưa được cấp sổ đỏ đất ở, ông Phạm Đức Thịnh – Chủ tịch UBNĐ xã Đại Hưng nói: “Bây giờ mấy anh hỏi những số liệu đó ai nhớ được. Cái này anh hỏi địa chính thì được. Tôi chỉ nhớ tổng số dân, hộ nghèo bao nhiêu, chứ số lượng hộ chưa được cấp sổ đỏ thì chịu”. Trong khi đó, chính tay ông đã đặt bút ký vào báo cáo giải trình kiến nghị UBND huyện Đại Lộc xem xét cấp sổ đỏ cho 96 hộ dân thuộc diện di dời lũ lụt trước đó. Trong khi cả cán bộ địa chính xã và Chủ tịch UBND xã Đại Hưng khẳng định là 7 hộ dân thuộc diện di dời tái định cư lũ lụt tại tổ 7, thôn Thạnh Đại đã được làm hồ sơ đề nghị huyện cấp sổ đỏ từ năm 2012 thì không hiểu vì lý do gì mà trong biên bản họp xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công dân do UBND xã Đại Hưng gửi Chi nhánh Văn phòng Đất đai huyện Đại Lộc lại không hề có tên của 7 hộ dân đó. Người dân cứ tin rằng họ đã được làm hồ sơ và sẽ có sổ đỏ trong nay mai, nhưng đâu biết rằng ngay cả trong danh sách đề nghị họ cũng chẳng có(?). |
Không có sổ đỏ đã đành, cuộc sống của những hộ dân tại tổ 7, thôn Thạnh Đại còn gặp rất nhiều khó khăn. Khổ nhất là thiếu nước sinh hoạt. Như bà Nở, năm nay 60 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đi bộ vào lại tổ 3 để xin nước về dùng. Bà Nở buồn rầu nói: “Ở đây, ai cũng có cái giếng đào nhưng may ra vào mùa mưa mới có nước để dùng, mùa hè thì trơ đáy. Nước thì phần lớn bị nhiễm phèn, màu vàng đục, người dân phải lọc 2 - 3 lần mới dùng được”.
Còn rất nhiều trường hợp
Năm 2012, xã Đại Hưng đã phối hợp với cán bộ huyện tiến hành đo đạc, khảo sát lại những trường hợp chưa được cấp sổ đỏ trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy việc cấp sổ đỏ cho nhân dân địa phương còn nhiều hạn chế, trong đó tập trung vào những trường hợp di dời lũ lụt. UBND xã Đại Hưng đã làm báo cáo giải trình gửi UBND, Phòng TN&MT và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đại Lộc,cho rằng nguyên nhân của việc tồn đọng nhiều sổ đỏ là những năm chưa chia tách xã, tình hình mưa bão trên địa bàn Đại Lãnh (nay thuộc địa phận Đại Hưng quản lý) thường xuyên xảy ra lũ lụt gây sạt lở. Lúc này, xã Đại Lãnh đã tổ chức cho nhân dân di dời đến nơi ở mới mà không có thời gian lập phương án di dời nên có nhiều trường hợp không có quyết định giao đất được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo đó, có tổng cộng 84 hộ do xã Đại Lãnh di dời từ năm 1993 đến 2004 nay thuộc xã Đại Hưng quản lý hiện không có quyết định giao đất. Ngoài ra, sau khi chia tách (năm 2004) đến nay, xã Đại Hưng tiếp tục thực hiện di dời thêm 11 trường hợp đến nơi ở mới nhưng vẫn không lập phương án di dời, không có quyết định giao đất tái định cư, bởi một lý do là vì điều kiện cấp bách. Việc chính quyền địa phương không kịp thời lập phương án di dời và quyết định giao đất đang khiến cho nhiều hộ tại xã Đại Hưng chưa được cấp sổ đỏ theo quy định.
Để “gỡ rối” cho các trường hợp này, xã Đại Hưng đã làm giải trình, xác nhận nguồn gốc đất cho các hộ dân để cấp trên xét cấp sổ đỏ. Riêng trường hợp tại tổ 7 hiện có khoảng 16 hộ chưa được cấp sổ đỏ, trong đó có 7 hộ thuộc diện di dời lũ lụt, 9 hộ còn lại không xác định được nguồn gốc đất. Ông Lương Tấn Bích, cán bộ địa chính xã Đại Hưng cho biết vẫn còn một căn cứ để có thể cấp sổ đỏ cho những trường hợp di dời lũ lụt. Đó là căn cứ vào danh sách nhận tiền hỗ trợ di dời. Tuy nhiên, ông Bích cũng cho biết hiện không rõ danh sách những hộ nhận tiền di dời này đang nằm ở đâu, huyện hay tỉnh giữ, đến nay hỏi mãi chưa ra!
Huyện nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Quang - Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đất đai Đại Lộc cho biết, không chỉ xã Đại Hưng mà trên toàn huyện hiện còn tồn đọng khoảng 500 sổ đỏ đất ở, trong đó có đến 253 sổ đỏ thuộc diện di dời lũ lụt không có hồ sơ pháp lý (không có phương án di dời và quyết định giao đất tái định cư). Đây chưa phải là con số chính xác vì nhiều địa phương chưa báo cáo hết. Vừa qua, Chi nhánh Văn phòng Đất đai huyện Đại Lộc đã làm báo cáo gửi UBND huyện xem xét cho ý kiến đối với khoảng 500 sổ đỏ còn tồn đọng, trong đó có 253 trường hợp thuộc diện di dời lũ lụt. Ông Quang nói: “Riêng những trường hợp di dời do lũ lụt, bây giờ không biết căn cứ vào đâu để cấp sổ đỏ bởi vì họ không được lập phương án di dời, quyết định giao đất. Căn cứ hiện nay là dựa vào danh sách nhận tiền di dời do Chi cục Định canh định cư (Sở NN&PTNT) hỗ trợ, nếu có tên trong danh sách thì mới giải quyết được, tuy nhiên việc xác định lại rất khó khăn. Từ trước đến nay chúng tôi đã cấp sổ đỏ được 559 trường hợp thuộc diện di dời lũ lụt nhờ xác định được tên trong danh sách nhận tiền. Còn những trường hợp không có tên trong danh sách nhận tiền thì chỉ còn cách là Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật về nguồn gốc đất của những hộ di dời”.
Theo ông Quang, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ, chủ yếu xuất phát từ cơ sở, đặc biệt là các xã không làm đúng, làm đủ theo quy định của Luật Đất đai 1993. Nếu cán bộ, chính quyền địa phương cấp xã làm tròn trách nhiệm, đảm bảo đúng thủ tục, quy định thì sẽ không có nhiều hồ sơ bị tồn đọng như hiện nay. Đơn cử như việc lập phương án di dời lũ lụt và quyết định giao đất tái định cư, trong khi có xã thì làm rất chu đáo, nghiêm túc nhưng có xã thì làm không đến nơi đến chốn khiến cho người dân mất quyền lợi.
VINH ANH