Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản: Khẩn trương, chu đáo

NGUYỄN QUANG VIỆT 11/07/2016 08:10

Sau một tuần triển khai, cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản (gọi tắt là tổng điều tra) trên địa bàn tỉnh diễn ra khẩn trương, quy mô, bước đầu đảm bảo kế hoạch.

Bám sát cơ sở

Ngày 1.7, huyện Thăng Bình tổ chức lễ ra quân tổng điều tra. Đến thời điểm này, cuộc tổng điều tra diễn ra nhộn nhịp với sự vào cuộc đồng bộ của các điều tra viên, tổ trưởng cũng như sự háo hức của người dân ở 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Tại xã Bình Tú, bất kể sáng, trưa hay chiều tối, các điều tra viên hăng hái đến gõ cửa nhà người dân để thực hiện nhiệm vụ. “Vì công việc bộn bề nên nhiều chủ hộ không có mặt thường xuyên ở nhà. Chúng tôi nắm rất rõ địa bàn nên linh hoạt bố trí phỏng vấn từng đối tượng trong gia đình tùy theo từng thời điểm trong ngày để đảm bảo tiến độ. Hơi vất vả nhưng biết được sinh hoạt của người dân và chủ động sắp xếp thì công việc vẫn trôi chảy, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch” - ông Võ Đăng Bảo, điều tra viên phụ trách 2 tổ 15 và 16 của thôn Tú Phương, xã Bình Tú cho biết.

Tổng điều tra có ý nghĩa to lớn để hoạch định chiến lược phát triển khu vực nông thôn. Ảnh: N.Q.V
Tổng điều tra có ý nghĩa to lớn để hoạch định chiến lược phát triển khu vực nông thôn. Ảnh: N.Q.V

Đến ngày 8.7, ông Bảo đã điều tra được gần 80 hộ trong tổng số 200 hộ được phân công điều tra. Ông Trịnh Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú, là Trưởng ban chỉ đạo tổng điều tra của xã, cho biết toàn xã có 3 tổ trưởng và 18 điều tra viên phụ trách công việc điều tra hơn 3.500 hộ dân trên địa bàn. Xã Bình Tú đã trưng tập các cán bộ của xã làm điều tra viên. Từ khi bước vào cuộc tổng điều tra đến nay, chưa có vấn đề phát sinh vì tất cả điều tra viên đều đã nắm vững nghiệp vụ. “Theo chỉ đạo của cấp trên, trước khi bước vào cuộc tổng điều tra, đài phát thanh của xã liên tục phát thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc tổng điều tra để người dân nắm được chủ trương và sẵn sàng hợp tác. Tại lễ ra quân, xã đã treo băng rôn, khẩu hiệu, logo của tổng điều tra khắp các thôn, xóm nên mọi người dân cũng rộn ràng” - ông A nói.

Huyện Thăng Bình có địa bàn rộng lớn, dân số đông lại bố trí ở 3 khu vực khác nhau thuộc vùng đông, tây và trung tâm nên công tác điều tra khó khăn hơn một số địa phương khác. Theo ông Phan Công Hùng - Phó chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện Thăng Bình, đến thời điểm này, cuộc tổng điều tra diễn ra đúng theo lộ trình đã vạch sẵn khi toàn huyện đã thực hiện được hơn 1/3 công việc. Toàn huyện có 284 điều tra viên, 42 tổ trưởng, phụ trách điều tra 47.023 hộ dân. Đối với thị trấn Hà Lam, cuộc điều tra chỉ diễn ra đối với hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Đối với 21 xã còn lại, điều tra tất thảy các hộ dân tham gia các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Cứ mỗi khi hết ngày làm việc, các điều tra viên duy trì báo cáo về Chi cục Thống kê Thăng Bình để cập nhật số liệu và chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh. “Ngoài công tác tuyên truyền được thực hiện xuyên suốt, huyện cũng đã hoàn tất việc tập huấn cho các thành viên trong ban chỉ đạo tổng điều tra, tổ trưởng, điều tra viên ở xã, thị trấn. Nhờ các thành viên nắm vững nghiệp vụ nên công việc diễn ra thành công đến thời điểm này” - ông Hùng nói.

Hướng vào thực chất

Theo Quyết định số1225/QĐ-TTg ngày 31.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ, mục đích của tổng điều tra bắt đầu trên phạm vi cả nước từ ngày 1.7.2016 là đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn. Thông tin từ tổng điều tra được sử dụng để đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, làm dàn chọn mẫu các cuộc điều tra định kỳ hằng năm và các yêu cầu thống kê khác.

Sau một tuần thực hiện tổng điều tra, không khí làm việc ở các huyện, thành phố, thị xã diễn ra khẩn trương, cụ thể về số liệu. Cuộc tổng điều tra tập trung vào nhiều nội dung, các mảng chính là thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp; thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn; thực trạng và những chuyển biến về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; điều kiện sống của cư dân nông thôn. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, so với cuộc tổng điều tra tiến hành vào năm 2011, khu vực nông thôn cũng như ngành nông nghiệp và thủy sản của địa phương đã có rất nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều xã trên địa bàn đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong nông nghiệp, sản xuất hàng hóa đã đem lại thu nhập lớn cho người nông dân. Về thủy sản, đến nay, toàn huyện đã có nhiều tàu vỏ thép vươn khơi xa, sản xuất hiệu quả. Vì thế, tổng điều tra không chỉ ghi lại số liệu mà còn phải làm bật lên được “gương mặt” của khu vực nông thôn, các thành quả kinh tế - xã hội cũng như những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, tạo cú hích cho phát triển trong thời gian đến.

Thực hiện cuộc tổng điều tra, Quảng Nam đã thành lập hơn 250 ban chỉ đạo tổng điều tra, từ cấp tỉnh cho đến cơ sở để có những thông tin xác thực về số lượng đơn vị sản xuất, số lao động và cơ cấu lao động, quy mô sản xuất, tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đánh giá về thực trạng và sự chuyển dịch kinh tế - xã hội, điều kiện sống của cư dân nông thôn, lao động nông thôn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cuộc tổng điều tra cần đi sâu vào thực chất, đánh giá quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, chất lượng ra sao, kinh tế khởi sắc thế nào, mức độ hưởng thụ và chất lượng sống của người dân nông thôn. Một tiêu chí quan trọng là phải phục vụ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, phân tích được các vướng mắc trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để thu hút rộng rãi doanh nghiệp đầu tư, tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội. Biến đổi khí hậu cũng ngày một rõ rệt hơn, phải điều tra được những tác động xấu đến từng khu vực nông thôn riêng, qua đó tham mưu tỉnh cơ cấu lại sản xuất, trồng cây gì, con gì cho hiệu quả hơn. Sản phẩm của tổng điều tra là cơ sở dữ liệu khoa học để tỉnh tiếp tục hoạch định, có cơ chế ưu đãi, tạo đòn bẩy khởi sắc ở khu vực nông thôn cũng như lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT