Thầy giáo làng
Nhà văn Mỹ từng là nhà giáo làng khi mới 17 tuổi, tác giả “Nhật ký thầy giáo làng”, Jesse Stuart từng viết: “Dạy học còn phải giúp đỡ một người trẻ tuổi vạch con đường xuyên qua những cạm bẫy, những thất vọng, những hiểm nguy của thế giới hiện đại cho tới khi anh ta đạt đến nhân cách thật sự của mình”. Các thầy giáo làng ở Việt Nam hay ít ra ở xứ Quảng còn làm nhiều hơn vậy…
Thế hệ tôi ở làng quê, trước khi thi vào trường tiểu học đều đã phải đến những lớp học tranh tre tạm bợ của các người thầy đầu tiên. Họ là những “người thầy” đang học nửa chừng ở bậc trung học ngoài phố về nghỉ hè và mở lớp dạy học để giúp trẻ con trong làng và có thêm thu nhập để ra phố học tiếp. Họ là những nông dân biết chữ sống ở làng, ngoài việc giúp đỡ bà con viết đơn từ, khế ước, soạn văn cúng tế, làm hộ gia phả… còn được làng mời ra dạy những lớp bình dân học vụ. Khi vào trường tiểu học, lúc đó trường làng tôi cũng chỉ có mấy lớp và các thầy cô có người ở vùng khác đến đều được bà con gần trường cho ở trọ, nên họ sống chan hòa với dân làng. Có những thầy là người sống ở làng bên. Tất cả với tôi, họ cũng là những thầy giáo làng khả kính không chỉ là tận tụy với học trò mà còn có quan hệ rất mật thiết với làng xóm, nhiều khi họ đóng góp nhiều ý kiến, cung cấp các thông tin, kiến thức trong nhiều lĩnh vực với dân làng. Ở trường tiểu học Thanh Quýt dưới thời Ngô Đình Diệm, cô giáo Minh tuy là dân Sài Gòn nhưng về sống ở làng tôi, dạy cho nhiều học sinh có năng khiếu sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ. Cô cũng thân quen với nhiều thanh niên, cùng nhau đàn hát và bày cho họ nhiều bài hát, điệu nhạc mới. Thầy Phan Vỹ ở làng bên đi dạy bằng xe đạp, những giờ rảnh rỗi hay nói chuyện với các phụ huynh về sự cần thiết phải đi học và thảo luận cả những chuyện thời sự, trồng trọt bằng kiến thức của mình và rất được nông dân lắng nghe…
Trường làng ở vùng cao (ảnh minh họa). Ảnh: XUÂN PHÚ |
Các thầy giáo làng ở Quảng Nam có lẽ nổi bật nhất là thời kỳ đầu của phong trào Duy tân. Các trường ở làng Bình Lâm của cụ Lê Cơ, trường Phong Thử của cụ Mai Dị hay trường làng Cẩm Toại (sau là An Phước) của cụ Lâm Quang Tự là những điển hình. Trường do dân và các thân hào nhân sĩ đóng góp xây dựng. Thầy có khi không có bằng cấp gì về sư phạm nhưng dạy học thì vừa là có năng khiếu bẩm sinh vừa rất nhiệt tình đối với làng xã và nhất là đối với việc truyền bá chữ Quốc ngữ lúc bấy giờ. Đặc biệt hơn, các thầy giáo làng luôn là những biểu tượng trí thức và là tâm điểm đoàn kết, quy tụ được lòng dân ở mỗi nơi. Xin đơn cử trường hợp Cẩm Toại, An Phước (trước thuộc huyện Đại Lộc, sau là Hòa Vang, nay thuộc TP.Đà Nẵng), là 3 trong số hơn 40 trường ở khắp Quảng Nam, theo tổng kết của cụ Phan Châu Trinh.
Trường làng Cẩm Toại thuộc tổng An Phước thành lập từ năm 1888 do cụ tú Lâm Hữu Mẫn mở ra dạy chữ Nho, không thu tiền, vừa dạy vừa làm cơ sở liên lạc cho các nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp. Con cụ Mẫn là ông nghè Lâm Quang Tự tiếp quản trường vào năm 1906 thực hiện đường lối mới của Phong trào Duy tân, dạy Quốc ngữ và các môn thủ công, thể dục, lao động sản xuất, con trai cắt tóc ngắn.
Chỉ nói riêng về các thầy giáo làng Cẩm Toại, ta sẽ biết thêm về các thầy thế hệ Lâm Quang Tự. Ban đầu thầy đi dạy không lương, về ăn cơm nhà. Sau làng thấy việc lợi, đã trích đất công lập học điền, thuê người cày cấy để lấy hoa lợi trợ cấp cho thầy và các thầy khác. Nhờ uy tín, ngày tết, mùng năm hay giỗ chạp trong làng, các thầy đều được phụ huynh đến thăm, mời dự. Thậm chí khi các thầy được mời dự lễ hội ở đình làng, họ đã tranh thủ nói về tân học, nếp sống mới, cải cách hương thôn, khuyến học và bài trừ hủ tục… Các thầy giáo làng buổi sơ đầu ở Cẩm Toại còn có thầy Tư Mười, nguyên là một Tư lễ bỏ chữ Nho sang học Quốc ngữ; thầy Trần Quốc Thắng tức Giáo Huynh đến từng gia đình vận động cho con em đi học Quốc ngữ; các thầy Đặng Dương hay ông Ấm Đương, thầy Đỗ Quảng hay Đốc Quảng… không chỉ là các nhà sư phạm, họ nối bước ông nghè Lâm đào tạo nên nhiều thế học sinh ưu tú. Là những trí thức ở làng, tất cả họ đều gắn bó với cộng đồng và thành công như những người hướng dẫn dư luận. Nhờ vậy, không chỉ dạy học, các thầy giáo làng đã đi đầu trong việc vận động xây dựng mở mang trường lớp, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao và cả xây dựng nông thôn văn minh lúc đương thời.
Ngày nay, tất nhiên hình ảnh thầy giáo làng năm xưa vẫn còn đó trong những thầy cô giáo các thế hệ sau. Nhiều thầy cô bây giờ là con em trong làng, sinh sống ở làng khi còn đương chức và vẫn tiếp tục ở làng khi về nghỉ hưu. Nhưng theo quan sát của người viết, ngoài một số ít tham gia công tác khuyến học ở thôn, xã; đa số hầu như chỉ đóng khung hoạt động trong việc dạy học và đời sống riêng.
Nhớ lại hình ảnh của những thầy giáo - trí thức làng ngày trước, tôi cứ băn khoăn một điều: Trong chương trình xây dựng nông thôn mới ngày nay, nếu họ được mời tư vấn (hoặc đảm trách) trong các hoạt động mang tính cộng đồng như môi trường, văn hóa thể thao, khuyến học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất ở nông thôn, chắc rằng viễn cảnh một nông thôn mới sẽ có chiều sâu hơn, lớp trẻ chắc chắn sẽ được kế thừa những kiến thức kinh nghiệm của chính những người thầy ở làng, như điều mà Jesse Stuart từng viết trong nhật ký của mình ngày ấy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG