Phủ đường Tam Kỳ và những viên tri phủ...

NGÔ PHÚ THIỆN 09/07/2016 10:51

Năm 2016 này, TP.Tam Kỳ sẽ kỷ niệm 110 năm Tam Kỳ được cải danh và nâng cấp hành chính từ huyện Hà Đông trở thành phủ lỵ Tam Kỳ. Dưới đời vua Thành Thái thứ 18 (1906), phủ lỵ được chuyển từ lỵ sở Chiên Đàn về xây dựng ở khu vực Hòa An Khuôn (UBND phường An Mỹ ngày nay). Tuy tồn tại chỉ hơn 40 năm, nhưng nơi đây vẫn còn ẩn giấu nhiều “bí sử” của giai đoạn chuyển giao thời đại...

Phế tích phủ đường

Nếu không kể các cơ sở của quan lại Pháp, thì toàn bộ cơ quan hành chính cấp phủ ở Tam Kỳ chỉ chiếm khoảng 0,26ha đất. Các đơn vị hành chính được tập trung trong một khuôn viên nhỏ, theo hình chữ U. So với nhiều lỵ sở khác trong tỉnh Quảng Nam bấy giờ, thì không gian của phủ đường Tam Kỳ khá khiêm tốn. Nhưng ngày nay phủ đường không còn nữa, chỉ giữ lại cây sợp đại thụ làm dấu tích. Nhiều bậc cao niên  sống ở Tam Kỳ cho biết: Tòa phủ gồm một dãy chính quay về hướng đông, nối với hai dãy nhà trệt ở phía tây. Tất cả được xây theo kiểu nhà gạch - kiến trúc cổ. Theo cụ Hồ Ngọc Kiện mô tả, phần chính tòa là một dãy nhà dài, được xây theo kiểu dinh thự Pháp nhưng không có tầng lầu. Ngôi chính được ngăn làm ba gian: Gian giữa là văn phòng làm việc của tri phủ; gian bên tả là nhà Bông - nơi hội họp và cũng dùng để tri phủ xử kiện; gian bên hữu để gia đình quan tri phủ ở. Phía sân trước có trụ cờ và bụi tre tây, thay bức bình phong. Phía sân sau tòa chính, gồm hai dãy nhà lợp ngói âm dương, nằm đối diện nhau và ở giữa là khoảng sân rộng.  

Di tích lịch sử cách mạng phủ đường Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Di tích lịch sử cách mạng phủ đường Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Riêng hai dãy nhà ngói phía tây này, nhiều người còn nhớ rõ. Dãy bên tả tòa chính gọi là nhà Câu quản, chia làm ba ngăn: Ngăn trước dành cho Cai đội; ngăn giữa là phòng của lính Tập và gian cuối cùng dùng làm Lao xá, nơi tạm giữ người chờ hành cung. Dãy bên hữu gọi là nhà Thông lại, chia làm 4 phòng: 1 phòng làm Thư khố (lưu giữ hồ sơ, sổ sách), còn 3 phòng dành để Đề lại, Thông phán làm việc. “Điểm nhấn” ở cuối sân phía tây là một ngôi miếu Tổ. Trong ngôi miếu nhỏ, có bài vị và một tấm bi ký bằng đá. Trên mặt bia ghi niên hiệu các đời vua và các quan tri phủ đã trị nhậm ở phủ Tam Kỳ. Đối chiếu với một số tấm ảnh còn lưu giữ ở Phòng Văn hóa Tam Kỳ, thì thấy khá phù hợp.

Tuy phủ đường khá khiêm tốn như thế, nhưng dưới mắt người dân Tam Kỳ đây là chốn nghiêm cẩn, giống như một triều đình thu nhỏ. Thậm chí tòa phủ không xây kín cổng cao tường như người đời vẫn nghĩ, mà đơn giản chỉ có bờ rào bằng cây cối trồng dày, thẳng hàng. Giờ đây, nền miếu Tổ còn lưu lại cây sợp già và nhà bia “Di tích” mới dựng, để ghi dấu một địa chỉ gắn với nhiều sự kiện lịch sử.

Thăng trầm các đời tri phủ

Theo các nguồn tài liệu, thứ tự trước - sau và thời gian nhiệm sở của các quan tri phủ Tam Kỳ không đồng nhất với nhau. Tấm bi ký khắc họ tên các đời tri phủ cũng rời vị trí, ra đường vì “tiêu thổ kháng chiến” từ năm 1948. Do vậy, nhân dân địa phương chỉ nhớ được 9 người tại vị, trong khoảng 40 năm. Đó là Từ Thiệp, Tạ Thúc Xuyên, Ưng Úy, Lê Trung Khoản, Phan Trúc Ngô, Trần Đạo Tề, Nguyễn Hữu Tựu, Các Văn Húy và Trần Kim Lý. Đường “quan lộ” của 9 ông tri phủ này, ít nhiều đều chịu chung “số phận” bi hài trong buổi tàn cuộc của chế độ phong kiến. Nhưng theo chuyện kể của người Tam Kỳ, thì có 3 vị nổi lên.

Trị nhậm đầu tiên ở phủ Tam Kỳ là Từ Thiệp (từ năm 1906 đến giữa năm 1909), một người có phần nhu nhược. Nhưng dưới trướng ông ta có tay Đề Tuệ -  một tên Đề lại rất lợi hại. Y dựa vào thế lực quan Pháp ở đồn Đại lý, để chuyên quyền và “ăn chặn” tàn bạo của dân phu. Tên này đứng ra bắt dân đi “làm xâu”, xây dựng đường sá cho Pháp lên Bồng Miêu, nên có cơ hội bóc lột, đánh đập họ tàn nhẫn. Dân kêu quan, nhưng Từ Thiệp không dám xuống tay ngăn chặn hắn. Ngày 30.3.1908, Mục Thuyết (tức Trần Thuyết) tập trung phu vàng và phu đường kéo về bao vây phủ đường Tam Kỳ. Mục Thuyết không bắt Từ Thiệp mà đòi quan tri phủ “giao Đề Tuệ cho dân ăn gan”! Nghe tiếng hô vang của hơn 3.000 dân phu, Đề Tuệ quá hoảng sợ, thổ huyết bất tỉnh. Quân Pháp đến giải cứu và đưa y về đến đồn Đại lý thì tắt thở. Sau vụ này, Từ Thiệp bị triệu về Hội An, bị giáng chức và chuyển đổi vào Bình Định. Còn Mục Thuyết, bị Pháp đưa ra hành hình tại gò đất, gần cầu Tam Kỳ (cũ).

Người kế nhiệm Từ Thiệp ở phủ Tam Kỳ là Tạ Thúc Xuyên. Ông tri phủ này khác hẳn người tiền nhiệm, bởi có “khuôn mặt sắt”, lạnh lùng và cúc cung tận tụy với triều đình nhà Nguyễn. Không chỉ nhân dân oán hận mà ngay cả quan viên trong phủ Tam Kỳ cũng ta thán, bất mãn với tính thô bạo của ông ta. Ngược lại, họ Tạ được triều đình rất tín cẩn, nên giữ chức tri phủ khá dài (1909 - 1917). Nhưng trong thời gian này, cả vùng Hà Đông - Tam Kỳ sôi sục với phong trào bạo động chống thuế, bởi thế, họ Tạ luôn cảm thấy bất an, “quên ăn, mất ngủ”. Họ Tạ đưa người anh em của mình là Tạ Quang Diệm từ Huế vào làm Huấn học Tam Kỳ. Mục đích của Tạ Thúc Xuyên là vừa “nâng đỡ” người bà con vừa có người tham mưu cho mình, để cai trị dân. Ai dè, vợ chồng Tạ Quang Diệm đều là nhà trí thức “thân dân”, yêu thích người Tam Kỳ hơn thích ông anh họ của mình. Khi biết tin cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo sắp nổ ra ở Tam Kỳ, Tạ Quang Diệm khuyên anh mình nên “chủ động lẩn tránh”. Đêm mùng 3.5.1916, Trần Ni, Trần Huỳnh, Trịnh Uyên kéo nghĩa binh đánh chiếm phủ đường Tam Kỳ. Phó tướng Trịnh Uyên vào trước, giật cờ “quẻ ly” xuống đốt, thượng cờ “ngũ tinh” của Việt Nam Quang Phục hội lên cột cờ. Quan tri phủ trốn mất, tay đề lại phải chạy sang đồn Đại lý Pháp, nhờ mang quân đến giải cứu. Sau sự kiện “kinh thiên động địa” ở phủ Tam Kỳ, Tạ Thúc Xuyên bị Tòa Đốc sứ (Hội An) quy tội: “Tắc trách… kích động dân làm phản”. Nghe đâu, ông ta bị triệu ra hầu tòa cuối năm 1916 và biến mất sau đó.

Tri phủ cuối cùng của phủ Tam Kỳ là Trần Kim Lý. Lúc ấy Ngô Đình Diệm đang giữ chức Thượng thư Bộ Lễ của triều Bảo Đại. Ông Thượng thư chuẩn tấu cho Trần Kim Lý vào làm tri phủ Tam Kỳ. Vì nghe đâu Trần Kim Lý là con nuôi nhưng rất được chiều chuộng của bà Cả Lễ - chị ruột Ngô Đình Diệm. Khi được nhậm chức tri phủ Tam Kỳ, Trần Kim Lý lại có quan hệ với những cán bộ Việt Minh. Sở dĩ các cơ sở cách mạng trong nội hạt Tam Kỳ những năm 1944 - 1945 không bị vỡ là nhờ sự che chở của “quan tri phủ” . Ông biết rõ những người “cộng sản” như Khưu Thúc Cự, Phan Thị Nễ... nhưng thỉnh thoảng vẫn giao du với họ. Nhờ thế, khi phong trào cách mạng nổi dậy cướp chính quyền ở phủ đường Tam Kỳ (19.8.1945), sự việc diễn ra khá trật tự. Tri phủ Trần Kim Lý chỉnh tề với khăn đóng, áo dài the ra đón Ủy ban Khởi nghĩa vào công đường để trao ấn phủ cho bà Phan Thị Nễ. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ông Lý không về Huế mà xin ở lại làm “công dân Tam Kỳ” để sinh sống. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2 bùng nổ, bà Cả Lễ cho người vào Quảng Nam “rước” đứa con nuôi của mình về Huế. Từ đó, Trần Kim Lý từ giã chốn quan trường, vào Phan Thiết làm quản gia cho cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Cả Lễ...

NGÔ PHÚ THIỆN

NGÔ PHÚ THIỆN