Đất nghĩa trang nhân dân ở Điện Bàn và Hội An: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế quản lý

HÀ SẤU 08/07/2016 09:14

Áp lực dân số ngày càng tăng trong khi việc quy hoạch còn nhiều vướng mắc khiến quỹ đất nghĩa trang nhân dân ở Hội An và Điện Bàn cạn dần. Không những thế, một số người còn lợi dụng vấn đề này để trục lợi.

TP.Hội An và thị xã Điện Bàn có diện tích đất tự nhiên hạn hẹp (tổng cộng chỉ khoảng 275km2), tuy vậy hai đô thị này lại sở hữu tổng dân số lên đến hơn 300 nghìn người, chiếm khoảng 1/5 dân số toàn tỉnh, nên nhu cầu đất dành cho nghĩa trang nhân dân rất lớn. Đã vậy, cả Hội An và Điện Bàn đều là những địa phương đang tập trung phát triển mạnh nên rất cần quỹ đất để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp,… khiến quỹ đất nghĩa trang nhân dân càng thêm khó. Ngoại trừ hệ thống nghĩa trang liệt sĩ đã được quy hoạch, các nghĩa trang nhân dân ở hai địa phương này phần nhiều sắp rơi vào tình trạng quá tải.

Dự án nhà hỏa táng ở xã Cẩm Hà, Hội An chưa biết khi nào khởi động trở lại do còn nhiều khâu chưa giải quyết sau chuyển giao.Ảnh: H.S
Dự án nhà hỏa táng ở xã Cẩm Hà, Hội An chưa biết khi nào khởi động trở lại do còn nhiều khâu chưa giải quyết sau chuyển giao.Ảnh: H.S

Theo thống kê từ Phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn, toàn thị xã hiện có 154 nghĩa trang nhân dân (tính cả tập trung và rải rác) với tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 74%. Thậm chí tại một số nghĩa trang nhân dân như ở xã Điện Phương tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%, xã Điện Thắng Trung lấp đầy 90% hay phường Điện Nam Trung đã lấp đầy 88%. Trước thực tế đó, ở hầu hết nghĩa trang nhân dân, tình trạng người dân địa phương và cả nơi khác đến xây tường bao, khoanh khuôn viên, đắp mộ gió nhằm trục lợi mua đi, bán lại xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Trần Văn Quang - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn nói: “Rất khó để xử phạt việc chôn cất sai quy định bởi đây thuộc về lĩnh vực nhạy cảm. Nếu xử phạt thì cũng không có cơ chế rõ ràng, vi phạm theo lỗi nào, mức phạt bao nhiêu”. Được biết, Phòng Quản lý đô thị Điện Bàn đang soạn dự thảo quy chế về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thị xã để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Nếu được thông qua, địa phương mới có cơ sở quản lý và sử dụng chặt chẽ, hợp lý hơn vấn đề đất nghĩa trang.

Tại TP.Hội An, theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và môi trường, tổng diện tích đất sử dụng làm nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng của thành phố chỉ vào khoảng 169ha, tập trung ở xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà, nhưng không thể mở rộng được nữa. Thêm một điểm khó trong việc quản lý đất nghĩa trang ở Hội An là, trừ những nghĩa trang lớn, phần nhiều các địa phương không tổ chức cắm mốc hoặc cắm mốc sơ sài, chưa thành lập ban quản trang dẫn tới việc kiểm soát lỏng lẻo. Trong khi đó, công trình xây dựng nhà hỏa táng ở xã Cẩm Hà vẫn chưa đến đâu, dù dự án đã manh nha từ hơn chục năm qua. Ông Phạm Văn Điểu - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An cho biết, trước đây dự án xây dựng nhà hỏa táng do Công ty Công trình công cộng TP.Hội An làm chủ đầu tư. Mãi đến năm 2015 dự án mới được chuyển giao cho Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai do các hạng mục cũ phải được Sở Tài chính quyết toán xong, khi hoàn thành khâu này mới có thể thi công trở lại.

Vài năm gần đây, tình hình đất nghĩa trang bắt đầu “nóng” lên, bên cạnh đó, cơ chế và công tác quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến việc một số cán bộ có thẩm quyền và ngay cả các đối tượng “cò mồi” đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi cá nhân. Những sai phạm trên đã được cấp có thẩm quyền vào cuộc làm rõ, như trường hợp ông Võ Như Đà - nguyên Trưởng ban Quản trang nghĩa trang phường Điện Nam Đông vào năm 2013 đã tự ý bán 230m2 đất nghĩa trang với số tiền 34 triệu đồng nhưng không viết giấy nhận tiền. Tiếp đó, người kế nhiệm của ông Đà là ông Đỗ Búp (nay đã tạm đình chỉ chức vụ) cũng đã bán hơn 100m2 đất nghĩa trang với số tiền 52 triệu đồng nhưng chỉ nộp vào ngân sách 1,36 triệu đồng. Ngoài ra, trong thời gian ông Đỗ Búp làm Trưởng ban Quản trang đã xảy ra 89 trường hợp xây dựng khung thành lấn chiếm đất nghĩa trang với tổng diện tích 9.670m2.

Ngay cả một số cán bộ chủ chốt ở Điện Nam Đông cũng vướng vào sai phạm trong lĩnh vực này. Theo kết quả thanh tra, từ năm 2012 đến nay, tổng diện tích đất bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép tại nghĩa trang nhân dân phường Điện Nam Đông là 44.000m2 với tổng số 310 lô. Trong khoảng thời gian này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân địa phương đã phản ánh tình trạng trên nhưng ông Đỗ Bông - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Nam Đông đã không chỉ đạo cho UBND phường có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn gây thiệt hại lớn quỹ đất nghĩa trang. Về phía UBND phường, ông Thân Cầu - nguyên Chủ tịch UBND phường Điện Nam Đông với trách nhiệm cá nhân là người đứng đầu UBND phường đã buông lỏng công tác quản lý đất nghĩa trang, giao quyền cấp đất cho Ban quản trang gây ra tình trạng giao đất không theo định mức Nhà nước; không làm rõ những sai phạm của Ban quản trang và đơn vị, cá nhân sử dụng dịch vụ nghĩa trang. Ông Đặng Công Nhiên - Chánh Thanh tra thị xã Điện Bàn cho biết, sau khi thanh tra làm rõ sai phạm, Thanh tra thị xã đã kiến nghị Thị ủy Điện Bàn chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan; đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ đất sang nhượng trái phép.

Trong tình trạng quỹ đất nghĩa trang nhân dân ở Điện Bàn và Hội An đang cạn dần theo thời gian, yêu cầu đặt ra là cần sớm thực hiện công tác quy hoạch một cách khoa học, quản lý chặt chẽ, đi đôi với đó là những chế tài xử lý nghiêm minh sai phạm.

HÀ SẤU

HÀ SẤU