Bảo tồn rừng nơi cửa biển

ĐỖ HUẤN 06/07/2016 12:50

Với sự đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, việc bảo tồn rừng dừa ngập mặn ở Cẩm Thanh mang ý nghĩa lớn lao, góp phần vào sự phát triển bền vững vùng cửa sông ven biển này.

Bảo tồn rừng dừa nước là bảo vệ chính cuộc sống của cộng đồng cư dân trong khu vực. Ảnh: Đ.HUẤN
Bảo tồn rừng dừa nước là bảo vệ chính cuộc sống của cộng đồng cư dân trong khu vực. Ảnh: Đ.HUẤN

Từ đầu năm 2010, thực hiện dự án “Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” do Quỹ môi trường toàn cầu - GEF tài trợ (tổng kinh phí gần 900 triệu đồng) kết hợp triển khai đề án xây dựng Cẩm Thanh thành vùng du lịch sinh thái đặc thù, chính quyền địa phương đã ban hành Quy ước “Bảo vệ rừng dừa nước xã Cẩm Thanh”. Quy ước được xây dựng nhằm tác động và điều chỉnh ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên rừng dừa ngập mặn nói riêng. Lúc đó, với tư cách là lực lượng chủ lực, Hội Nông dân xã Cẩm Thanh đã đi đầu tổ chức cho cán bộ, hội viên phối hợp cùng thanh niên mở nhiều đợt ra quân trồng được hơn 11.000 cây dừa nước trên diện tích hơn 5ha ở khu vực Gò Già (thôn 2 cũ, thôn Thanh Tam Đông hiện nay) - nơi tiếp giáp với cửa biển Cửa Đại.

Giá trị của hoạt động do Hội Nông dân Cẩm Thanh thực hiện mang lại không chỉ nằm ở con số diện tích rừng dừa trồng được mà chính là những lợi ích mang tính lâu dài thông qua sự chuyển biến, thay đổi hành vi của cộng đồng cư dân địa phương. Ông Trần Rô (ở thôn Thanh Tam Đông) nói: “Trước hết mình cần bảo vệ rừng dừa để rồi nuôi dưỡng cho cây xanh tốt đúng theo mức độ từng năm, từng lứa. Bảo tồn dừa chính là bảo vệ cho cuộc sống của bà con nhân dân ở khu vực rừng dừa và đem lại nguồn lợi của bà con từ việc con tôm, con cá sinh sống nhiều”.

Không chỉ ông Trần Rô mà nhận thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua tuyên truyền, vận động, tập huấn bồi dưỡng kiến thức đã được nâng cao đáng kể. Người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ, không tự ý đốn chặt, khai thác quá mức rừng dừa, không lấn chiếm diện tích rừng dừa để cơi nới đất ở, xây ao hồ nuôi trồng thủy sản… làm cản trở và gây lệch dòng chảy sông lạch. Bà con còn tự giác rủ nhau vớt bẹ dừa trôi nổi trên sông để tránh ô nhiễm môi trường tại chỗ và hạn chế ô nhiễm vùng biển do bẹ dừa trôi ra…

Hiện nay, UBND xã Cẩm Thanh đang phối hợp tiếp tục chỉ đạo thực hiện, hoàn thành trồng mới 26ha và phục hồi, dặm vá 84ha rừng dừa ngập mặn. Đây là chương trình triển khai theo hợp phần 1 của dự án “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng” (giai đoạn 2015 - 2017), do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 28 tỷ đồng. Mục tiêu dự án hướng tới là xây dựng hệ thống rừng ngập mặn ven biển TP.Hội An bền vững, hình thành vành đai rừng phòng hộ bảo vệ cho hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Với sự đa dạng sinh học và có giá trị cao, đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nên những nỗ lực bảo tồn và phục hồi rừng dừa nước của Cẩm Thanh trong thời gian qua là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa lớn lao. “Rừng dừa nước là một trong những vùng đệm bảo vệ được rạn san hô ở Cù Lao Chàm. Vùng này thuộc hạ lưu sông Thu Bồn, do đó tất cả chất thải từ thượng nguồn đổ về sẽ bị cản lại tại rừng dừa. Vùng đệm này lọc rác thải từ thượng nguồn không cho ra biển nên cũng góp phần bảo vệ cho Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm” - ông Lê Nhương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Thanh chia sẻ nhận thức của mình về vai trò to lớn của rừng dừa nước.

Theo đánh giá ban đầu của dự án hợp phần 1, trong quá trình triển khai, khó khăn gặp phải là nguồn giống khan hiếm, thời gian trồng kéo dài do nước triều biến động, chỉ trồng được dừa khi thủy triều hạ xuống. Khâu bảo vệ, chăm sóc còn chưa đạt yêu cầu do ý thức của cả cộng đồng dân cư còn hạn chế, trong quá trình đánh bắt thủy hải sản đã xâm hại tới vùng cây giống. Tình trạng sóng biển, ca nô chạy gây sóng cũng ảnh hưởng tới cây con mới trồng. Song, nhìn chung nhờ có các phương án ứng phó, cây con đang bám rễ và phát triển tốt. Dù vậy, qua các ý kiến của một số nhà quản lý và người dân, việc trồng dừa ở những khu vực như: dọc bờ sông dưới chân cầu Cửa Đại, ở các mương lạch trong rừng dừa, ven sông hói gần khu dân cư… chưa thật sự phù hợp. Theo đó, cần khảo sát, quy hoạch cụ thể, bảo đảm các yếu tố khoa học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy, lối thoát nước vùng hạ lưu sông Thu Bồn, bảo đảm môi trường sinh trưởng của các loài thủy hải sản vùng cửa sông ven biển cũng như các hoạt động sinh kế của nhân dân xung quanh khu vực này. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường hỗ trợ, tư vấn về các hoạt động sinh kế tại đây sao cho quy củ và có sự liên kết phát triển hiệu quả nhằm cải thiện hơn nữa đời sống cộng đồng dân cư. Đồng thời giảm những tác động mang tính hủy diệt nguồn lợi và tài nguyên rừng dừa ngập mặn do con người gây ra; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực để phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu thực tế đang phát triển nhanh và mạnh hiện nay...

ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN