Tấm lòng thiện nguyện của một doanh nhân
Công việc kinh doanh tất bật, nhưng ông vẫn luôn mải mê với những chuyến từ thiện, xem đó như “món nợ ân tình” phải trả cho quê hương. Ít ai biết doanh nhân thành đạt này là người chiến sĩ biệt động năm xưa...
Ông là Trần Quang Tuấn (hiện ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Điện Hòa (Điện Bàn). Mới hơn 10 tuổi, cậu bé Tuấn đã làm giao liên hợp pháp. Mười lăm tuổi thành chiến sĩ biệt động của đơn vị Q91, cùng đơn vị lập nhiều chiến công vang dội trong nội thành Đà Nẵng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Trần Quang Tuấn vẫn còn nhớ như in những ngày làm nhiệm vụ vẽ sơ đồ đài phát thanh ngụy ở góc đường Quang Trung và đường Đống Đa trước Tết Mậu Thân 1968. Hồi đó, chỉ huy đơn vị thường giao ông làm nhiệm vụ trinh sát và vẽ sơ đồ các mục tiêu tấn công. Tuấn đóng giả làm trẻ bán kem đi rao mời mua kem trên các đường phố. Tuấn sà vào mời mấy tên lính gác đài phát thanh ngụy trên đường Quang Trung, dần dà làm quen số lính gác, thường xuyên vào bán kem cho binh lính địch tại các bốt gác trên đường. Về nhà, Tuấn mò mẫm vẽ lại từng chi tiết trong đài phát thanh ngụy, chi tiết nào chưa nhớ, hôm sau lại quan sát tiếp. Ông Trần Quang Tuấn kể lại: “Từ những sơ đồ đó, biệt động Đà Nẵng đã tổ chức luyện tập và tiến hành tập kích đài phát thanh, quân vụ thị trấn…, gây kinh hoàng Mỹ - ngụy ngay trong sào huyệt của chúng. Đầu năm 1968, trong khi đang liên lạc với một gia đình cơ sở tại Đà Nẵng, tôi bị sa vào tay giặc”. Hơn 7 năm trong tù, chịu đựng nhiều đòn tra tấn man rợ, người chiến sĩ biệt động kiên cường vẫn không một lời khai báo và luôn hăng hái trong cuộc đấu tranh biến nhà lao đế quốc thành trường học cách mạng.
Cựu chiến binh Trần Quang Tuấn (bìa phải) trong lần thăm xóm Vạn Buồng. Ảnh: T.L |
Đất nước hòa bình, Trần Quang Tuấn thi đỗ vào Khoa Điện của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tốt nghiệp năm 1981, ông đảm đương nhiều cương vị quan trọng trong ngành điện lực và ngành công nghiệp đóng tàu thủy. Tiếp đó, ông đã đầu tư kinh doanh du lịch và một số lĩnh vực khác, bền bỉ vươn lên trong cơ chế thị trường. Người biệt động thành gan góc ngày nào được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương MTTQ Việt Nam liên tục 3 khóa V,VI, VII và hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.Đà Nẵng. “Tôi đã thiết kế nhiều công trình điện chiếu sáng trên địa bàn thành phố, trong đó công trình điện chiếu sáng cầu Sông Hàn. Có được công trình gầy dựng thương hiệu Đà Nẵng, tôi rất biết ơn anh Nguyễn Bá Thanh, một vị lãnh đạo tài giỏi, đã chỉ đạo nhiều nội dung rất sáng tạo” - ông Tuấn chia sẻ.
Là một doanh nhân thành đạt, công việc làm ăn nay đây mai đó nhưng cựu chiến binh Trần Quang Tuấn vẫn mở tấm lòng cưu mang, giúp đỡ người nghèo, đối tượng chính sách và những đồng đội năm xưa còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trên cương vị Giám đốc Công ty Điện chiếu sáng Đà Nẵng, ông nhận phụng dưỡng 3 mẹ Việt Nam Anh anh hùng, hỗ trợ kinh phí xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ năm 2010 đến nay, ông Tuấn cùng Ban Chấp hành Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.Đà Nẵng vận động các doanh nghiệp thành viên ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học ở Đà Nẵng và Quảng Nam hơn 8 tỷ đồng. Không những thế, ông còn vận động người thân trong gia đình, tộc họ đi đầu trong việc đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, các hoạt động văn nghệ - thể thao ở địa phương và đã ủng hộ 200 triệu đồng vào chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Điện Hòa. Mới đây, ông Trần Quang Tuấn đã trở về xóm Vạn Buồng (thuộc xã Duy Trinh, Duy Xuyên) thăm hỏi, tặng quà các gia đình từng nuôi giấu, che chở ông và đồng đội công tác tại đơn vị B153 của Thành ủy Đà Nẵng trong thời kỳ chống Mỹ. “Quê hương xứ Quảng mình còn nhiều gia đình nghèo khó, nên tôi tâm nguyện sẽ kết nối đồng đội, các doanh nhân, bạn bè hướng về những mảnh đời bất hạnh, giúp đỡ họ một cách thiết thực và cụ thể” - ông Tuấn chia sẻ.
TRẦN LINH