Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng: Hiệu quả chưa cao

TRIÊU NHAN 06/07/2016 08:48

Nhiều năm nay, huyện Đại Lộc đã có nhiều mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng và gia đình nhưng không hiệu quả. Đưa các đối tượng đi cai nghiện tập trung lại vướng mắc những thủ tục rườm rà khó thực hiện…

Họp các thành viên thuộc mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng. Ảnh: N.T
Họp các thành viên thuộc mô hình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng. Ảnh: N.T

Nhiều trở ngại

Giai đoạn 2011-2015, theo hồ sơ quản lý của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc, toàn huyện có 38 đối tượng nghiện ma túy, phần lớn đã trải qua cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, sau cai nghiện, trước sự cám dỗ và lôi kéo của những phần tử xấu, các đối tượng này lại tái nghiện.

Ông Trần Văn Tân - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc cho biết: “Mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở Đại Lộc một thời làm khá hiệu quả, song giờ không thể kiểm soát và kiềm chế được tệ nạn xã hội này. Trong 5 năm qua, 38 đối tượng nghiện ma túy nói trên đã được Phòng LĐ-TB&XH lập hồ sơ quản lý. Nhiều người đã cai nghiện 6 - 7 năm, được tuyên dương, chí thú làm ăn nhưng giờ đã tái nghiện, số đối tượng này chỉ còn cách đưa đi cai nghiện bắt buộc”. Ông Lân lý giải, trước hết là các đối tượng ở địa phương tham gia làm trầm vàng, đi làm ăn xa ở những nơi có nguy cơ hút chích cao, khi về lại địa phương đã làm cho tệ nạn này có xu hướng gia tăng; việc phát hiện, giám sát, xử lý cũng gặp không ít khó khăn. Thứ hai, lo ngại sự kỳ thị từ cộng đồng, nhiều gia đình có xu hướng bao che cho con em mình bị nghiện, không chủ động khai báo sớm. Sự yếu kém về cơ sở vật chất, dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ cai nghiện cũng là tác nhân không nhỏ. Trên địa bàn Đại Lộc và các vùng lân cận vẫn chưa có cơ sở hay điểm hỗ trợ điều trị cắt cơn, đối tượng nghiện vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ y tế hỗ trợ cần thiết. Một số người để được hỗ trợ thuốc, phải vào tận Tam Kỳ, rất vất vả. “Nguyên nhân sâu xa dẫn tới các mô hình không hiệu quả là chưa xây dựng được kế hoạch cai nghiện cho từng người nghiện, trong khi mỗi người nghiện lại có hoàn cảnh khác nhau, tác động của quá trình nghiện cũng khác nhau” - ông Lân nói…

Mới đây, ngày 26.4.2016, UBND tỉnh ban hành Quy định về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Quy định này gồm 29 điều, 4 chương, bao gồm biện pháp cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng và Trung tâm giáo dục lao động xã hội với cả hai hình thức tự nguyện và bắt buộc. Quy định cũng nêu những biện pháp quản lý sau cai tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội và tại nơi cư trú. Quy định này cho phép thành lập các tổ công tác cai nghiện, do Phó Chủ tịch UBND xã/thị trấn làm tổ trưởng, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã/thị trấn làm thường trực, phối hợp cùng các thành phần: mặt trận, công an, y tế, đối tượng tự nguyện cai nghiện. Quy định nêu rõ các trình tự lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (tự nguyện, bắt buộc) hay Trung tâm giáo dục lao động xã hội (tự nguyện, bắt buộc). Quy định này cũng xác định, Hội đồng tư vấn do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập, có chức năng xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa đối tượng chưa thành niên vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc. Thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc là từ 12 - 24 tháng. Quy trình lập hồ sơ, đưa ra Tòa án nhân dân cấp huyện cho tới khi đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định là tổng cộng 37 ngày.

Phần lớn người nghiện ma túy thường gắn với nguy cơ cao về lây nhiễm HIV và các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự xã hội. Theo Trung tá Phạm Phú Vân, Công an huyện Đại Lộc, năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 50 - 60 trường hợp vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; xử lý hình sự 4 vụ liên quan tới ma túy đá. Đầu năm 2016, Công an huyện tiếp tục xử lý vi phạm hành chính khoảng 50 đối tượng;  xử lý hình sự 2 vụ mua bán ma túy đá. Cũng theo Trung tá Phạm Phú Vân, do những rào cản, vướng mắc trong Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ở các nghị định nói trên nên toàn huyện không có đối tượng nào được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Dù rằng, con số nghiện và có nguy cơ nghiện được Công an huyện quản lý, lập danh sách theo dõi hiện lên tới 70 - 80 đối tượng. Trong khi đó, Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho rằng, thời gian qua, các mô hình hỗ trợ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa phát huy hiệu quả thiết thực. Toàn huyện vẫn chưa thành lập được các tổ cộng đồng hỗ trợ, sát cánh với người nghiện để quản lý sau cai, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng đúng nghĩa. Đối tượng nghiện ma túy rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm trật tự an toàn xã hội, bản thân người nghiện phần lớn không chủ động tự cai nghiện, cần thiết phải đưa vào trung tâm cai nghiện tập trung.

Rắc rối mới

Nghị định 221/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2013 có những điểm thông thoáng, bổ sung cho Nghị định 94 và Nghị định 111. Chỉ cần phát hiện đối tượng có sử dụng ma túy và trải qua kiểm tra sức khỏe, có chứng nhận dương tính với chất này của ngành y. Ngoài việc chứng minh đối tượng là có nghiện, việc lập hồ sơ đối tượng đưa đi cai nghiện phải trải qua bước thẩm định của  Phòng Tư pháp huyện, phải có quyết định của Tòa án nhân dân huyện, có biên bản đưa người thi hành quyết định vào cơ sở cai nghiện do cơ quan công an cấp… Nếu thiếu một trong các thủ tục sẽ không đủ cơ sở pháp lý. Dù được xem là khá thông thoáng, song nghị định này vẫn phát sinh không ít rắc rối trong thực thi. Theo Trung tá Phạm Phú Vân, với quy định đó, ngành chức năng vẫn chưa thể lập được hồ sơ, đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Bởi lẽ, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện vẫn chưa triển khai dịch vụ xác nhận đối với người nghiện. Điều này khiến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn gặp khó khăn. Có những đối tượng bị phát hiện sử dụng ma túy, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nhanh, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính rồi cho về cai nghiện tại địa phương và không đủ cơ sở lập hồ sơ đưa đi cai nghiện.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Nho Tâm cho hay, cần thiết phải lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc bởi tính chất con nghiện rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự xã hội. Đặc biệt là gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy như ma túy đá, cỏ Mỹ… Tính chất phức tạp của một số loại ma túy, tình trạng “ngáo đá” là vấn đề hết sức nghiêm trọng, khiến dư luận bất an. Để làm trong sạch địa bàn, Công an huyện Đại Lộc buộc phải áp dụng hình thức đối với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đối với những đối tượng thường xuyên cư trú ở địa phương, nếu bị phát hiện sử dụng ma túy sẽ làm đúng quy trình. Còn những đối tượng ít có ở địa phương, xem như không có cư trú, sẽ bỏ qua bớt những thủ tục rườm rà, lập hồ sơ, đưa đi cai.

“Lực lượng chức năng đang chuẩn bị đưa một số đối tượng đi cai. Những đối tượng xác định là nghiện nhưng chưa đủ căn cứ lập hồ sơ, điều kiện quy trình, sẽ đưa đến các điểm uống thuốc cắt cơn. Với đối tượng mua bán, tàng trữ, sẽ tìm mọi cách theo dõi, lập phương án đấu tranh. Việc lập danh sách đối tượng con nghiện được chú trọng để dễ bề quản lý, kiểm soát, triệt xóa các tụ điểm, hay đưa con nghiện đi cai nghiện bắt buộc khi đủ pháp lý” - Trung tá Lê Nho Tâm nói.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN