Cần hướng phát triển cho "thần đồng"

TRIÊU NHAN 05/07/2016 09:46

Câu chuyện về bé 3 tuổi biết đọc chữ vanh vách được người dân miền núi xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang lan truyền lâu nay. Có dịp khảo sát, chúng tôi khá ngạc nhiên trước khả năng nhớ mặt con chữ lẫn số của em nhưng hiện vẫn chưa có hướng đầu tư phát triển.

“Thần đồng” xứ Quảng

Năm nay, bé Nguyễn Huy Hoàng bước sang tuổi lên 5 và đang học tại Trường Mầm non Măng Non. Những ngày đầu bước vào trường, em đã có thể đọc làu làu các con chữ có trong sách. Chuyện bé Hoàng đọc vanh vách con chữ từ thuở lên ba được nhiều người dân thôn Sông Voi, xã Jơ Ngây xác nhận và xem như đây là niềm tự hào của núi rừng. Bởi lẽ, ở nơi rừng núi hoang vu, cuộc sống con người còn đầy rẫy khó khăn, cái ăn vốn đã khó với nhiều gia đình, huống gì tới việc cho con cái đi nhà trẻ hay mẫu giáo như ở vùng đồng bằng. Nhiều bậc cha mẹ tối ngày bận bịu với công việc, nương rẫy nên việc học hành của con em đều do các cô giáo trường mầm non lo. Với bé Hoàng, em chưa được đi học ngày nào nhưng đã biết đọc, nhớ và thông thuộc chữ, số là xưa nay hiếm.

Hai mẹ con “thần đồng” Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: T.NHAN
Hai mẹ con “thần đồng” Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: T.NHAN

Khả năng “tự học” của Hoàng được gia đình phát hiện khi bé lên ba tuổi và theo dì về nhà ngoại ở Đà Nẵng. Hoàng lấy điện thoại của dì ra chơi điện tử, đọc vanh vách những câu chữ trong trò chơi “Ai là triệu phú”. Hoảng hốt trước sự việc bé biết đọc chữ, dì của bé đã làm nhiều cách để kiểm tra. Mọi người bảo Hoàng đọc chữ trên ti vi thì bé đọc được hết song một số từ chưa rõ. Khả năng đọc chữ rõ và trôi chảy của bé Hoàng ngày càng hoàn thiện. “Kiểm tra” khả năng của bé, chúng tôi lục túi xách lấy ra một bài thơ, trong đó có cụm từ “Hiếu Chiêu Hoàng Hậu”, bé liền đọc không bỏ sót những từ vốn khó đọc trong bài thơ mà bé chưa được tiếp cận lần nào. Tuy nhiên, do thấy khách lạ, bé hơi rụt rè, phải có sự động viên từ mẹ thì bé mới hoàn thành hết những câu thơ này. Hoàng nhỏ con so với tuổi nên được đặt tên là Ròm, nhưng bé có khuôn mặt sáng, đôi mắt to, lộ vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Bé là con trai đầu lòng của vợ chồng chị Đoàn Thị Mỹ Hạnh (SN 1987) và anh Nguyễn Văn Thành (SN 1982). Anh Thành làm nghề lái xe tải, công việc rất bận rộn, còn chị Hạnh suốt ngày quần quật cơm nước và lo buôn bán nhỏ lẻ. Chị Hạnh cho biết: “Việc cháu biết đọc chữ sớm khiến gia đình tôi rất bất ngờ và vui mừng. Tuy nhiên, cháu còn quá nhỏ, vợ chồng tôi không hề ép cháu học nhiều vì muốn cháu phát triển tự nhiên. Chúng tôi rất sợ cháu gặp áp lực, ảnh hưởng tới khả năng phát triển sau này”. Cũng theo chị Hạnh, Hoàng rất mê bóng đá, mùa EURO này, đêm nào cha con Hoàng cũng đi xem, mãi tới hai ngày sau, bé vẫn nhớ rành rành tên từng đội thua thắng.

Cô Lưu Thị Kim Hiệp, cô giáo của Hoàng ở Trường Mẫu giáo Măng Non chia sẻ: Hiện, các cháu ở tuổi Hoàng cũng chỉ từng bước làm quen với mặt chữ cái và đếm số. Cháu Hoàng đã biết đọc chữ, còn đọc được con số từ 1-100 và có thể biết được vài chữ tiếng Anh tương ứng với từng con số, quả là chuyện lạ. Hy vọng các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người có thể lưu tâm trường hợp trên để có nhìn nhận, đánh giá xác đáng về biệt tài của cháu.

Cần được hỗ trợ, can thiệp

Chuyện bé 1 - 2 tuổi hay 3 - 4 tuổi đọc chữ vanh vách, dự đoán thời tiết, biết nói tiếng Anh… ở Việt Nam lâu nay vẫn thấy xuất hiện trên các mặt báo với cả chục trường hợp trên cả nước, bé Hoàng là một trong số đó. Dưới góc nhìn của các nhà y học, sự giỏi giang sớm ở trẻ nhỏ là biểu hiện sự không bình thường, cũng có thể là dấu hiệu của chứng tự kỷ. Các nhà y học đã chia hiện tượng trẻ 3 tuổi biết chữ đọc vanh vách làm 3 dạng: thần đồng, trẻ được học chữ sớm và trẻ mắc hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa (tự kỷ là một dạng). Với trẻ tự kỷ, thường có hứng thú với một lĩnh vực nhất định nên nhận thức tổng thể xung quanh sẽ kém hơn trẻ bình thường. Một số trẻ tiếp nhận thông tin xung quanh theo kiểu copy chứ không hiểu bản chất sâu xa của vấn đề. Với những trẻ 3 tuổi có trí nhớ tốt, hiếu động, trí não phát triển, trẻ có thể học chữ có hai cách: học ghép vần và học nhận dạng (học lỏm). Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đặc biệt tới trẻ tự kỷ, kể cả trẻ “thần đồng” để phát hiện sớm và can thiệp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và truyền thông cộng đồng, TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo, khi phát hiện một khả năng đặc biệt, khác thường của con, phụ huynh nên đưa bé đến trung tâm nghiên cứu khả năng đặc biệt của con người để được các chuyên gia thẩm định và có phương pháp giáo dục phù hợp. Trên thực tế, một số trẻ bộc lộ năng khiếu đặc biệt rất sớm từ khi còn bé, nhưng năng khiếu đó sẽ mất đi hoặc dừng lại khi không được tiếp tục khuyến khích, giáo dục. Đặc biệt, các bậc cha mẹ không nên khen ngợi, thổi phồng thái quá làm cho trẻ phát triển lệch lạc, chểnh mảng việc học hành, lớn lên lại không theo kịp bạn bè. Các chuyên gia tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã có một số chương trình cụ thể để trắc nghiệm trí thông minh và giáo dục trẻ có năng khiếu đặc biệt. Ở TP. Hồ Chí Minh còn có câu lạc bộ Thần đồng Milmax được thành lập từ năm 2007, tập hợp hàng chục bé bộc lộ khả năng sớm ở mọi miền đất nước. Các bé đến đây được kiểm tra năng khiếu ở các lĩnh vực âm nhạc, ngôn ngữ, toán học, tư duy lô gic, cảm xúc và trí tưởng tượng. Các bé sẽ được cấp giấy chứng nhận “thần đồng” cùng suất học bổng 10 triệu đồng khi vượt qua vòng này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, nên hiểu rõ khái niệm “thần đồng”, ngoài năng lực đặc biệt, còn có nhiều yếu tố hỗ trợ như: môi trường giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, sức khỏe, nền tảng gia đình. Những “thần đồng” ở Việt Nam rất thiếu những yếu tố này, thậm chí phát triển lệch lạc, mất hút, bị áp lực bởi dư luận và áp lực “thần đồng”. Có trường hợp trẻ cháy sáng ở một giai đoạn rồi tắt ngấm và tương lai mờ mịt. Vì vậy, đối với những mầm non tiềm năng như trên, cần được tạo điều kiện để phát triển toàn diện, duy trì phát triển tài năng.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN