Giữ tài nguyên trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh: "Cuộc chiến" chưa cân sức
Gần 10 năm nay, Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh chưa thể bình yên trước dòng người ồ ạt vào tận thu khoáng sản và gỗ quý. Nhiệm vụ giữ tài nguyên trở nên quá vất vả với lực lượng chức năng.
Lực lượng chức năng đốt lán trại làm vàng trái phép tại Thạnh Mỹ 1 (Nam Giang). Ảnh: TRẦN HỮU |
Quản lý địa bàn lỏng lẻo
Đã tốn quá nhiều tiền của, công sức cho “điểm nóng” KBTTN Sông Thanh. Không ít văn bản chỉ đạo ráo riết của tỉnh, cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của các dự án tài trợ nước ngoài nhằm phục hồi “lá phổi xanh” cho đại ngàn. Chưa có thống kê chính thức nào về chi phí cho các đợt truy quét tại đây, nhưng ngân sách bỏ ra cho công việc đẩy đuổi “vàng tặc” ra khỏi rừng là không hề nhỏ. Nhà nước mất tiền, đối tượng khai thác trái phép cũng bị tổn hao lớn về tài sản máy móc. Nhưng lạ là, “thất bại” của giới thổ phỉ không làm cho họ từ bỏ mục đích phá hoại tài nguyên. Điều dễ nhận thấy, đầu tư cho khai thác vàng trái phép ít, song lợi nhuận đem lại lớn. Cho nên khi máy móc, lán trại bị đập phá thì ngay sau đó họ lại mua sắm thiết bị mới để khai thác. Điểm danh cho những đối tượng “máu mặt” ở khu bảo tồn này không khó, nhưng tại sao nhiều năm nay họ vẫn mặc sức lộng hành? Có hay không một số chính quyền địa phương và đơn vị chức năng có biểu hiện bao che hoặc tiếp tay cho “vàng tặc” có đất hoạt động vẫn luôn là dấu hỏi bỏ lửng. Trung tuần tháng 5 vừa qua, hàng chục chiến sĩ, công an tỉnh bất ngờ đột nhập vào bãi vàng Thành Mỹ 1 (xã Đắc Pring, Nam Giang) để khống chế, đẩy đuổi 200 đối tượng khai thác vàng trái phép. Theo thông tin của một cán bộ cảnh sát môi trường, đòn đột kích bí mật này chỉ thành công khi mà mọi thông tin “tay trong tay ngoài” đều được giữ kín cho đến giờ chót. Ít nhất có 13 chủ bãi vàng đã đưa lực lượng công an vào “danh sách đen” để theo dõi. Tuy nhiên, với mức độ xử lý hành chính như vừa qua, không ai dám chắc rằng các đối tượng từng vi phạm sẽ không trở lại rừng để “bòn rút” tài nguyên.
Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, KBTTN Sông Thanh chiếm 1/3 diện tích toàn huyện, giáp ranh 8/12 xã, trong đó có nhiều xã biên giới, địa bàn hiểm trở. Chính quyền nhiều lần tổ chức truy quét nhưng cũng chỉ trong thời gian nhất định do không có kinh phí. “Cấp huyện quản lý không xuể. Quanh khu vực này có chủ rừng là Ban Quản lý KBTTN Sông Thanh, ngoài ra còn có các đồn biên phòng, chính quyền địa phương các xã nhưng lại để xảy ra tình trạng trên. Nguyên do chính vẫn là thiếu trách nhiệm trong việc quản lý lâm phận của các đơn vị” - ông Mai nói. Cũng theo lãnh đạo địa phương, lỗ hổng còn nằm ở chỗ phối hợp quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả. Còn đại diện chủ rừng thì phân trần, với diện tích rừng lớn, song lực lượng mỏng nên “vàng tặc” lợi dụng tổ chức khai thác dai dẳng.
Bao giờ bình yên?
KBTTN Sông Thanh thuộc địa bàn 2 huyện Phước Sơn và Nam Giang, giáp biên giới nước bạn Lào có diện tích 93.249ha vùng lõi và 108.398ha vùng đệm. Vùng lõi được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng đây lại là “miền đất hứa” của giới thổ phỉ. Từ đầu tháng 6, lực lượng liên ngành huyện Nam Giang với gần 40 người đã truy quét tại 3 khu vực gồm khe Tà Val, bãi Thành Mỹ 1, bãi Thành Mỹ 2 (thuộc xã Đắc Pring). Theo đó, tiếp tục đẩy đuổi gần 100 đối tượng; đốt phá 30 lán trại (trong đó có 7 lán trại của người dân địa phương vào mở để buôn bán, phục vụ cho “vàng tặc”); đập phá gần 30 máy móc, thiết bị khai thác trái phép. Sau đợt truy quét này, Thường vụ Huyện ủy Nam Giang tiếp tục chỉ đạo sẽ thành lập một tổ liên ngành nhằm chốt chặn ngay trong khu vực khai thác vàng trái phép trên. Theo dõi các cuộc truy quét của lực lượng chức năng trong hai tháng 5 và 6, có thể thấy “điểm nóng” KBTTN Sông Thanh vẫn chưa được hạ nhiệt.
Theo ông Alăng Mai, giải pháp căn cơ là cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng như Sở NN&PTNT, Bộ đội biên phòng cùng các đơn vị liên quan. Nhất là phải xử lý nghiêm và đưa những cán bộ nhà nước có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác vàng trái phép ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18.5.2016 của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp, nhiệm vụ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh là áp dụng biện pháp mạnh phá hủy hoặc tiêu hủy các phương tiện, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ, công trình sử dụng vào hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép; giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu địa phương, chủ rừng và các đơn vị quản lý lâm phận.
TRẦN HỮU