Khám phá biệt thự cổ Đà Lạt

ĐOÀN BÍCH NGỌ 02/07/2016 10:17

Đà Lạt - vùng đất từ lâu đã nổi tiếng và hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu mát mẻ quanh năm, nơi có không gian nghỉ ngơi và sinh sống lý tưởng. Thành phố trên cao nguyên Lâm Viên - Lang Biang này còn có sức lôi cuốn đặc biệt đối với du khách khi được trải nghiệm khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của những biệt thự cổ được thiết kế theo nhiều kiểu dáng và phong cách khác nhau rất phù hợp với địa hình và khí hậu nơi đây.

TP.Đà Lạt hiện đại hôm nay vẫn còn lưu giữ, bảo tồn hơn 1.500 biệt thự, dinh thự cổ kính mang đậm kiến trúc Pháp. Nhìn các biệt thự ở đây, người ta dễ dàng nhận ra chủ nhân của chúng là cư dân đến từ miền Bắc hay miền Trung hoặc miền Nam nước Pháp. Bởi họ đã gửi gắm nỗi nhớ quê hương thông qua kiến trúc ngôi nhà của mình theo kiểu truyền thống quê nhà.

Nhiều họa sĩ đến để vẽ những biệt thự cổ ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T
Nhiều họa sĩ đến để vẽ những biệt thự cổ ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

Các biệt thự Đà Lạt thường được bố trí ở những nơi có cảnh quan đẹp và khá lãng mạn, như nằm trên những ngọn đồi thoai thoải, hướng về hồ nước hoặc nhìn ra những đồi thông tuyệt đẹp xung quanh. Biệt thự ở trong khuôn viên rộng, thoáng đẹp, có những hàng cây cổ thụ, thảm cỏ xanh bao quanh; có cả bể bơi ngoài trời và vườn cảnh với lối bách bộ lát đá rất nghệ thuật. Hầu hết biệt thự được thiết kế hai tầng theo phong cách và ý tưởng riêng của mỗi chủ nhân nên ít khi bị trùng lặp. Đặc biệt các kiểu mái và hệ thống ống khói lò sưởi rất đa dạng và ấn tượng mang đậm dấu ấn của vùng miền. Ống khói lò sưởi của biệt thự mà chủ nhân đến từ miền bắc nước Pháp thường tròn, đỉnh có chóp che mưa; ống khói lò sưởi miền nam và miền trung nước Pháp thường vuông có tấm che mưa phía trên làm cho khói tỏa ra bốn phía. Nhiều biệt thự có cửa ra vào, cửa sổ được thiết kế mái vòm kinh điển và trần nhà thiết kế theo kiểu chia ô - một trong những đặc trưng của phong cách kiến trúc Pháp.

Sức hấp dẫn của các biệt thự cổ Đà Lạt còn được thể hiện qua cách bài trí nội thất rất tinh tế và có phần xa xỉ của chủ nhân - phần lớn là tầng lớp trung lưu, quan chức người Pháp trước đây. Bên trong các biệt thự, gỗ vẫn là vật liệu được sử dụng chủ yếu: hệ thống tủ kệ, cầu thang, trần nhà, thậm chí sàn nhà cũng được lát gỗ. Đặc biệt, việc bố trí lò sưởi trong các phòng khá đẹp và hợp lý. Lò sưởi vừa để sưởi ấm vừa để trang trí nên cũng rất được chú ý. Một số biệt thự, các lò sưởi còn được ốp đá hoa cương hoặc cẩm thạch làm tôn thêm vẻ sang trọng cũng như thể hiện đẳng cấp, sự giàu có của chủ nhân. Phòng khách rộng và sang trọng được bài trí mang đậm tính nghệ thuật. Các yếu tố đó được kết hợp hết sức hài hòa tạo nên một không gian rộng, ấm áp và nhẹ nhàng. Ở một số biệt thự lớn, đặc biệt là các dinh I, dinh II, dinh III, dinh tỉnh trưởng, dinh thị trưởng, dinh Nguyễn Hữu Hào… còn có cả  tầng hầm chứa rượu, thức ăn và đường hầm thoát hiểm. Những đường hầm này khá kiên cố và tỏa ra các hướng ngoài khuôn viên, thậm chí ra tới đường lộ lớn. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo các khu dinh thự này để khai thác du lịch, những lối thoát hiểm và đường hầm sẽ được khai thông, thu hút khách tới tham quan, khám phá.

ĐOÀN BÍCH NGỌ

ĐOÀN BÍCH NGỌ