Dự án giảm nghèo Tây Nguyên ở Phước Sơn: Khi dân làm, dân giám sát...

THÁI BÌNH 01/07/2016 09:58

Trong năm 2015, từ nguồn vốn đầu tư của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã có nhiều công trình giao thông được triển khai xây dựng tại các xã vùng cao của huyện Phước Sơn như: Phước Công, Phước Lộc, Phước Thành, Phước Chánh và Phước Kim.

Những công trình mà dự án triển khai đều chú trọng sử dụng lao động là người dân địa phương, cán bộ xã trực tiếp tham gia vào việc điều hành, quản lý và thi công công trình. Do đó, nguồn vốn được phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở các xã nghèo trong vùng dự án.

Giao thông thuận lợi

Suối Đăk Mét, thuộc thôn 4A, xã Phước Thành, một con suối mà người dân quanh vùng vẫn gọi là suối dữ khi mùa mưa đến. Trước đây, mỗi khi nước lớn hầu như người dân, học sinh không dám qua con suối này và có mơ cũng không hình dung được nơi đây sẽ có cầu, có đường đi lại. Nhưng từ đầu năm 2015, dự án giảm nghèo Tây Nguyên - huyện Phước Sơn đã đầu tư xây dựng cống tràn liên hợp suối Đăk Mét, trong đó có tuyến đường bê tông nối liền với tuyến đường về trung tâm xã Phước Chánh. Qua đó, tạo điệu kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân cũng như việc thông thương hàng hóa đến các xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc huyện Phước Sơn. Ông Hồ Văn Súc, Trưởng thôn 4A, xã Phước Thành, nói: “Đường mở rồi, đâu cần phải đi xe hai cầu mới có thể lên đây được. Bây giờ xe tấn tư, tấn hai, xe khách cũng lên được rồi. Có cầu qua suối kiên cố, mừng cho các cháu đi học thuận tiện, bà con ở đây không còn lo tắc đường nữa”.

Cống tràn liên hợp suối Đăk Mét, xã Phước Thành tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Ảnh: T.B
Cống tràn liên hợp suối Đăk Mét, xã Phước Thành tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Ảnh: T.B

Cũng trên địa bàn huyện nhiều công trình mới được đầu tư xây dựng như: đường giao thông thôn 1, thôn 2 xã Phước Chánh; nâng cấp đường Xà Mo, thôn 4 xã Phước Công.... Điểm đặc biệt của dự án giảm nghèo Tây Nguyên triển khai tại Phước Sơn, người dân không chỉ là người thụ hưởng công trình mà họ chính là những người tham gia quyết định hoàn toàn, từ việc lựa chọn đầu tư cho công trình nào, rồi tham gia đấu thầu thi công, giám sát, nghiệm thu, tất cả công đoạn đều do người dân cùng bàn bạc, đứng ra thực hiện thi công, có sự hướng dẫn hỗ trợ của cán bộ dự án. Ông Nguyễn Trường Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành (kiêm Trưởng ban Phát triển dự án cấp xã) cho hay: “Các công trình đã được bàn giao, đưa vào sử dụng như đường, trường học, hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo chất lượng, phát huy hết hiệu quả đầu tư. Các công trình này đã giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân”.

Liên kết giám sát công trình

Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên và vùng giáp ranh Quảng Nam, Quảng Ngãi được triển khai tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2014 đến nay. Riêng tại Quảng Nam có 15 xã thuộc 3 huyện gồm: Nam Giang, Nam Trà My và Phước Sơn  bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong vùng dự án. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh là 253 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và ngân sách nhà nước. Năm 2016, nguồn vốn thực hiện các hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn bản, phát triển cơ sở hạ tầng cấp huyện và hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân các huyện Phước Sơn, Nam Giang và Nam Trà My là 88 tỷ đồng.

Theo tin từ Ban Quản lý dự án (BQLDA) giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Phước Sơn, kế hoạch thực hiện dự án năm 2016 được phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 13 tỷ đồng, trong đó dự án sẽ đầu tư xây dựng 9 công trình giao thông nông thôn, 1 công trình thủy lợi nhỏ; 5 công trình vận hành và bảo dưỡng, 1 công trình giao thông kết nối cấp huyện; 22 mô hình tiểu dự án phát triển sinh kế và 1 mô hình phát triển liên kết thị trường sản xuất ngô lai. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Anh - Phó Giám đốc BQLDA giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Phước Sơn cho biết: “Thông qua việc triển khai hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, bản đã giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện. Các công trình triển khai xây dựng đều khuyến khích sử dụng lao động địa phương, tăng cường vai trò của ban giám sát xã trong giám sát các hoạt động thi công, đảm bảo thời gian cũng như chất lượng công trình”. Nhờ có sự giám sát, trực tiếp tham gia của người dân, của chính quyền địa phương cho nên các công trình vừa đảm bảo chất lượng, lại vừa phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn dự án đầu tư. Nhiều công trình giao thông có chất lượng tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

THÁI BÌNH

THÁI BÌNH